Người dân La Gi với nguồn vốn vay nước sạch và vệ sinh môi trường
Gia đình anh chị Nguyễn Quốc Phong ở tổ 1, phường Tân An là hộ nghèo, anh Phong bị nhiều chứng bệnh nan y liên tục nằm viện, còn vợ anh là chị Huệ thì nghề nghiệp không ổn định, ai kêu gì làm việc đó chỉ đủ kiếm cơm qua ngày. Khu vực gia đình chị Huệ và anh Phong ở lâu nay vẫn sử dụng nguồn nước suối cạnh nhà, nhưng gần đây con suối khô cạn nên nguồn nước vô cùng hiếm hoi. Vì vậy, khi được NHCSXH thị xã La Gi cho vay 6 triệu đồng để bắc đường ống dẫn nước máy về dùng, chị vô cùng phấn khởi. Chị Huệ cho biết: “Dù rất khó khăn nhưng mỗi tháng tôi vẫn dành gửi tiết kiệm 150.000 đồng để trả nợ dần ngân hàng. Bởi từ khi bắc được đường ống dẫn nước máy gia đình tôi đỡ vất vả không phải đi lấy nước ở ngoài con suối, hai đứa nhỏ sử dụng nước sạch nên giảm nhiều chứng bệnh tiêu hóa, ngoài da”.
Chị Lê Thị Kim Bửu - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khu phố 1, phường Tân An cho biết: Tổ có 56 hộ vay các chương trình, trong đó một số hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn rất hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND phường Tân An, Trần Ngọc Vang thông tin: Vùng đất Tân An phía dưới là đá bàn nên khoan giếng khó khăn lắm. Có hộ khoan đến mũi thứ 8 mới tìm thấy mạch nước để sử dụng. Trước đây bà con khu phố 1 và 8 chủ yếu sử dụng nước của con suối xung quanh nhưng 2 năm nay suối khô hạn, chưa kể trên địa bàn qua Hàm Tân, các trại nuôi heo xả thải ra suối nên nguồn nước ô nhiễm nặng. Trong những năm gần đây, nhờ nguồn vốn của ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH nên NHCSXH thị xã La Gi đã giúp được nhiều hộ dân vay dẫn nước sạch về nhà. Hiện tại, phường Tân An đã có trên 90% hộ sử dụng nước sạch nhưng vẫn còn 8 điểm với khoảng 400 hộ chưa có nước máy nên bà con rất nóng lòng được bắc đường ống dẫn nước sạch về dùng.
Giám đốc NHCSXH thị xã La Gi, Võ Thị Minh Thảo cho biết: Hiện đơn vị đang cho vay 8 chương trình có dư nợ gần 178 tỷ đồng; trong đó chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ ngân sách địa phương là 3,1 tỷ đồng cho 749 hộ vay. Nguồn vốn đã xây dựng mới được 1.045 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần cải thiện đời sống người dân, giảm bớt bệnh tật và nâng cao đời sống văn hóa trong khu dân cư,…
Bài và ảnh Trần Thi
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hành trình tạo lập cơ chế nguồn vốn địa phương để cho vay giảm nghèo bền vững tại TP Hồ Chí Minh
- » Đổi thay trên vùng đất khó
- » Chất lượng tín dụng tốt, dân hưởng lợi nhiều
- » NÂNG MỨC CHO VAY: Thêm một đồng, bớt một phần gánh nặng
- » Hộ nghèo ở thành phố Quảng Ngãi vay vốn thoát nghèo
- » Vốn vay ưu đãi được người nghèo ở Quan Hóa sử dụng đúng mục đích
- » Đưa nước sạch về vùng mặn
- » Mang niềm vui đến với ngư dân
- » Hộ nghèo ở Thanh Hóa an tâm trong ngôi nhà tránh lũ
- » Tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS vùng cao Yên Bái