Cùng giúp nông dân làm giàu

24/06/2016
(VBSP News) Là huyện miền núi bán sơn địa của tỉnh Vĩnh Phúc, Lập Thạch có 2 thị trấn và 18 xã, 7 dân tộc anh em cùng sinh sống. Vốn là vùng đất nghèo nhưng được sự quan tâm của Nhà nước, trong đó có nguồn vốn tín dụng chính sách, cuộc sống của người nghèo nơi đây đã và đang đổi khác.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi giúp bà con Vĩnh Phúc phát triển kinh tế, làm giàu từ những mô hình chăn nuôi hiệu quả Ảnh: Lương Xuân

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi giúp bà con Vĩnh Phúc phát triển kinh tế, làm giàu từ những mô hình chăn nuôi hiệu quả
                                                                                                                                Ảnh: Lương Xuân

Nhớ lại những ngày khó khăn, chị Nguyễn Thị Sáu  thôn Lục Thụ, xã Xuân Lôi xúc động kể: “Nhà nghèo, kinh tế gia đình trông chờ vào mấy sào ruộng, tài sản quý giá nhất của gia đình là các con ngoan ngoãn, học giỏi, khi đứa thứ 2 theo học đại học cũng là lúc kinh tế của gia đình rất bất lực”.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ mà gia đình chị đã vơi bớt đi những khó khăn hơn, các con của chị được tiếp tục đến giảng đường, ra trường đi làm tiết kiệm gửi tiền phụ giúp bố mẹ trả nợ, trang trải cuộc sống. “Sau 5 năm chăm chỉ, chịu khó làm ăn, thu nhập từ trang trại, cùng với số tiền các con gửi từ khi học xong, có việc làm ổn định, gia đình tôi không những chỉ trả hết 70 triệu đồng nợ vay ngân hàngcòn sắm sửa được nhiều tiện nghi mới. Mỗi năm gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng”, chị Sáu phấn khởi.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Nghiệp ở thôn Lục Thụ, xã Xuân Lôi cho biết: “Lâu nay cuộc sống của gia đình tôi chỉ dựa vào mấy sào ruộng nên quanh năm khốn khó. Khi được vay vốn ưu đãi 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện Lập Thạch và được học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, chúng tôi đã quyết tâm đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố để chăn nuôi, giờ gia đình bớt đi phần nào khó khăn, đủ chi tiêu và đóng tiền lãi vay rất đúng hạn”.

Gia đình chị Sáu, anh Nghiệp là một trong số hàng nghìn hộ gia đình đã vươn lên thay đổi cuộc sống từ nguồn vốn vay ưu đãi.

Giám đốc NHCSXH huyện Lập Thạch, Nguyễn Thị Ánh Quyên cho biết:“Các gia đình có hoàn cảnh khó khăn cần có vốn, nhưng làm thế nào để đồng vốn sinh lời mới là khó, nhất là đối với hộ nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, hộ chưa có việc làm ổn định…Vì vậy, công việc của ngân hàng không chỉ đơn thuần là việc cho vay mà còn phải phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể tìm cách giúp đỡ người nghèo sử dụng vốn vay hiệu quả.

Tính đến hết tháng 5/2016, nguồn vốn của NHCSXH huyện Lập Thạch đạt hơn 306 tỷ đồng,tổng dư nợ của 11 chương trình tín dụng đạt 305 tỷ đồng.NHCSXH huyện đang tích cực cho vay để người nghèo có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn, phục vụ sản xuất, giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phấn đấu hết năm 2016, dư nợ đạt khoảng 310 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn duy trì ở mức dưới 0,5%.

Cùng với đó, để thực hiện mục tiêu phấn đấu của huyện đề ra trong năm 2016 giải quyết việc làm cho 3.320 lao động, trong đó, xuất khẩu lao động từ 120 - 150 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55%, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 80%, NHCSXH còn tích cực phối hợp cùng Phòng LĐTBXH huyện Lập Thạch tổ chức các lớp tập huấn về hỗ trợ cho vay xuất khẩu lao động; phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề của huyện trong công tác tuyển sinh, đào tạo liên kết các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghề, dạy nghề sơ cấp, ngắn hạn cho lao động nông thôn. Nhờ đó, nhiều nghề như may mặc, mây tre đan, cơ khí, hàn…, nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, về phòng trừ dịch bnh trên đàn gia súc, gia cầm, ứng dụng các tiến bộ KHKT được giới thiệu tới người lao động nông thôn theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Ngoài ra, công tác cho vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm thông qua các dự án vừa và nhỏ, dự án kinh doanh thuộc các lĩnh vực, như hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, chăn nuôi gia súc, trồng rau sạch, cây cảnh và dịch vụ sa chữa, kinh doanh nhỏ…được NHCSXH tích cực thực hiện, góp phần cùng Lập Thạch từng bước phá thế thuần nông, độc canh, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4% trong năm 2016.

Hồ Khánh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác