Vùng cao biên giới chuyển mình
Phía Tây tỉnh Thanh Hóa có đến 11 huyện miền núi, trong đó huyện Mường Lát là nơi xa nhất, cao nhất và nghèo nhất so với toàn vùng miền núi. Dân cư nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Mường… sinh sống phân tán ở 86 bản làng trên địa bàn 9 xã nằm trên vành đai biên giới Việt - Lào. Trước đây, do trình độ nhận thức, sự hiểu biết của đồng bào DTTS đã hạn chế, lại thiếu ổn định, bởi vậy việc đầu tư các chương trình, dự án cũng như mọi hoạt động hỗ trợ sản xuất của Nhà nước gặp không ít khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, Phạm Bá Điểm cho biết: Trong hai năm trở lại đây, nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ giảm nghèo và phát triển sản xuất, huyện Mường Lát đã không còn xin Nhà nước hỗ trợ gạo cứu đói cho nhân dân vào mùa giáp hạt, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao. Nhằm từng bước đưa Mường Lát thoát nghèo, huyện đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, trong đó chú trọng thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, tập huấn chuyển giao các tiến bộ KHKT cho bà con nông dân; thực hiện tốt chính sách vay tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo phát triển sản xuất.
Nguồn vốn chính sách đã và đang được chuyển kịp thời về tận vùng cao biên giới Mường Lát, đến tận hộ đồng bào DTTS bởi NHCSXH đã xây dựng, duy trì hoạt động hệ thống Điểm giao dịch ở tất cả 9 xã, thị trấn trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo được vay vốn dễ dàng. Cùng với đó, NHCSXH huyện Mường Lát đã phối hợp khá tốt với các tổ chức chính trị - xã hội, Ban giảm nghèo cấp xã trong việc chỉ đạo bình xét công khai tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn được chính quyền cấp xã xác nhận. Do chỉ đạo làm tốt việc quản lý và hướng dẫn, nên người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, trả nợ, trả lãi đầy đủ, đúng hạn.
Tính đến nay, vùng rẻo cao Mường Lát có 4,6 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, kể cả hộ mới thoát nghèo được vay vốn tại NHCSXH huyện hơn 110 tỷ đồng; trong đó cho vay hộ nghèo đạt dư nợ lớn nhất 48 tỷ đồng với trên 2,4 nghìn hộ vay; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn là 31 tỷ đồng với 1.266 hộ hiện còn dư nợ; đặc biệt thời gian qua, NHCSXH huyện Mường Lát đã triển khai cho vay hộ dân tộc Mông nghèo tại 40 thôn, bản vùng sâu, vùng xa theo Nghị quyết 30a/2008 về giảm nghèo nhanh và bền vững, theo Quyết định 54/2012 của Chính phủ về cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn… được hơn 30 tỷ đồng, với gần 2.000 hộ DTTS đang sử dụng vốn vay chính sách, bình quân mức vay 19 triệu đồng/hộ.
Từ nguồn vốn vay chính sách, nhiều hộ dân tộc Mông ở vùng đất nghèo khó nhất huyện Mường Lát là xã Pù Nhì đã chuyển đổi sản xuất đúng hướng, thâm canh đồng ruộng năng suất cao, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Điển hình các hộ Lâu Hơ Pó, Hơ Chư Xá, Thao Thị Tuyền… nhờ đồng vốn đã nuôi trâu, bò thành đàn 20 - 30 con, có hộ trồng đến 5ha ngô giống và nhận khoanh nuôi bảo vệ hàng chục héc-ta rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Đơn cử như gia đình Lâu Hơ Pó ở bàn Pù Toong, xã Pù Nhĩ đã sử dụng 30 triệu đồng vốn vay chính sách gieo cấy được 3 sào lúa nước cao sản, mỗi năm sản xuất 2 vụ thu 2 tấn thóc. Nhân đà thắng lợi, anh Pó vay tiếp vốn chính sách lần 2 để chăn nuôi bò thịt, trâu sinh sản. Hiện nhà anh thoát nghèo, còn dư dả mua sắm tủ lạnh, xe máy, máy vi tính cho con về thành phố học tập.
Tương tự, gia đình anh Lý Văn Tuế ở bản Sáng, xã Quang Chiểu là một trong hai hộ được Đoàn Thanh niên xã lựa chọn thực hiện mô hình chăn nuôi vịt đẻ trứng. Từ 200 con vịt giống được cấp và 50 triệu đồng vay của chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đến nay gia đình anh Tuế đã phát triển đàn vịt đẻ trứng lên 500 con, thu nhập hàng năm 300 triệu đồng, vừa mới hoàn trả trước thời hạn toàn bộ vốn vay cho NHCSXH huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát chia sẻ: “Cái được lớn nhất trong công tác giảm nghèo ở huyện là người dân đã có ý thức vươn lên. Bên cạnh sự hỗ trợ của đồng vốn tín dụng chính sách, việc người dân mong muốn thoát nghèo là điều quan trọng nhất. “Cần câu” hay nói cách khác là vốn vay ưu đãi của Chính phủ chỉ có giá trị lâu dài và bền vững khi người dân muốn “câu” chứ không ỷ lại vào hỗ trợ”.
Bài và ảnh Minh Khanh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Làm giàu từ đồng vốn nhỏ
- » Hành trình tạo lập cơ chế nguồn vốn địa phương để cho vay giảm nghèo bền vững tại TP Hồ Chí Minh
- » Tín dụng chính sách trên huyện đảo tiền tiêu
- » Người dân La Gi với nguồn vốn vay nước sạch và vệ sinh môi trường
- » Đổi thay trên vùng đất khó
- » Cùng giúp nông dân làm giàu
- » Chất lượng tín dụng tốt, dân hưởng lợi nhiều
- » NÂNG MỨC CHO VAY: Thêm một đồng, bớt một phần gánh nặng
- » Hộ nghèo ở thành phố Quảng Ngãi vay vốn thoát nghèo
- » Vốn vay ưu đãi được người nghèo ở Quan Hóa sử dụng đúng mục đích