Cán bộ sát sao giúp đồng vốn sinh lời
Đồng hành cùng nông dân
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bum Nưa dẫn chúng tôi đến thăm gia đình chị Đào Thị Hiền ở bản Nà Lan. Cuối năm 2015, qua Hội Nông dân xã, gia đình chị Hiền được vay 30 triệu đồng để đầu tư mua lợn đen về nuôi. Từ 5 con lợn giống ban đầu, đến nay nhà chị Hiền đã có đàn lợn 45 con.
Nghe tiếng gọi của chị Hiền, đàn lợn đen đang nhẩn nha kiếm ăn trên đồi liền chạy xuống khu chuồng trại. Ngoài các loại rau cỏ, chị Hiền còn cho lợn ăn cám nấu và thân cây chuối. Chị nhẩm tính: “Đàn lợn con này chỉ cần nuôi độ hơn tháng nữa là xuất chuồng được. Đây là giống lợn đen địa phương, lớn lắm cũng chỉ tầm 40kg, nuôi tự nhiên nên thịt ngọt và an toàn, rất được ưa chuộng. Lợn hơi bán được 120 nghìn đồng/kg. Bán xong lứa lợn, tôi cũng đã có đủ tiền trả nợ cho NHCSXH”.
Vợ chồng chị Hiền chỉ là một trong số rất nhiều nông hộ biết sử dụng hiệu quả đồng vốn ưu đãi của xã Bum Nưa. Hiện, Hội Nông xã Bum Nưa đang quản lý hơn 16,7 tỷ đồng nguồn vốn ưu đãi được NHCSXH uỷ thác với 423 hộ vay tại 10 Tổ tiết kiệm và vay vốn. “Cuối năm 2015, toàn xã không có trường hợp vay vốn ưu đãi nào có nợ quá hạn. Để làm được như vậy, trước hết cán bộ hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phải luôn sát sao với hộ vay”, chị Cao Thị Hồng cho hay.
Chính nhờ cách làm này, có những Tổ tiết kiệm và vay vốn ở xã Bum Nưa quản lý nguồn vốn rất lớn nhưng chưa bao giờ có nợ quá hạn, như Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Nà Lan đang có dư nợ đạt khoảng 2,2 tỷ đồng, nhưng nợ quá hạn không có.
Kiên quyết với cán bộ yếu kém
Hội Nông dân huyện Mường Tè hiện quản lý 11 Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc 14 xã, thị trấn có dư nợ trên 64 tỷ đồng cho 2.700 hộ vay. Nợ quá hạn rất thấp, chỉ có 20 triệu đồng. Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Tè, Trần Văn Toàn ngay từ thời gian đầu triển khai cho vay vốn ủy thác, Hội Nông dân huyện đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH chủ động tham mưu để các cấp uỷ, chính quyền, các hội, đoàn thể cùng vào cuộc.
“Mường Tè là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh nghèo Lai Châu, trình độ sản xuất của người dân còn lạc hậu, nên để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, cán bộ hội phải sát dân, nắm chắc tình hình để từ đó tư vấn, hỗ trợ bà con. Để góp phần đưa vốn về bản, nhiều cán bộ hội phải đi hàng chục cây số đường rừng núi kiểm tra, nắm tình hình dân sử dụng vốn là chuyện bình thường…”, ông Toàn chia sẻ.
Hàng tháng, Hội Nông dân huyện Mường Tè đều đôn đốc các hội ở cơ sở tham gia họp giao ban với Ban đại diện HĐQT NHCSXH cùng cấp. Ông Toàn cho biết, Chủ tịch UBND, Hội Nông dân các xã dù ở xa trung tâm huyện vẫn về tham gia họp đầy đủ. Theo đó, tổ chức hội, đoàn thể tham gia ủy thác, cán bộ nào hoạt động yếu kém nhắc nhở từ 2 - 3 lần mà chưa có sự chuyển biến sẽ bị thay thế.
“Vốn vay ưu đãi của Chính phủ hết sức có ý nghĩa đối với đồng bào. Chưa có dòng tín dụng nào về các xã nghèo miền núi, vùng cao mà lên tới cả chục tỷ đồng như vốn ưu đãi”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Tè thông tin.
Bài và ảnh Lê San
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Một ngày giao dịch xã ở huyện Tuần Giáo
- » Diện mạo vùng cao Ba Bể từng bước đổi thay
- » Vùng cao biên giới chuyển mình
- » Làm giàu từ đồng vốn nhỏ
- » Hành trình tạo lập cơ chế nguồn vốn địa phương để cho vay giảm nghèo bền vững tại TP Hồ Chí Minh
- » Tín dụng chính sách trên huyện đảo tiền tiêu
- » Cẩm Khê đẩy mạnh cho vay chương trình nước sạch
- » Người dân La Gi với nguồn vốn vay nước sạch và vệ sinh môi trường
- » Đổi thay trên vùng đất khó
- » Cùng giúp nông dân làm giàu