Diện mạo vùng cao Ba Bể từng bước đổi thay
Để thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, huyện Ba Bể đã xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành; giao cho các xã xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch giảm nghèo cụ thể và phân công cán bộ phụ trách. Tuyên truyền, vận động nhằm chuyển biến nhận thức của người dân trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo. Gắn công tác đào tạo nghề với việc tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm để lao động sau đào tạo có việc làm ổn định. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do NHCSXH triển khai thực hiện để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
NHCSXH huyện Ba Bể hiện có dư nợ 211 tỷ đồng, với 7.100 hộ vay. Từ năm 2007 đến nay, NHCSXH huyện đã xây dựng được 16/16 Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn Các Điểm giao dịch hoạt động ngày càng ổn định, mang lại hiệu quả cao. Định kỳ hàng tháng, đơn vị tổ chức các Tổ giao dịch để thực hiện cho vay, thu nợ, lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm, cũng như thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Đánh giá về hoạt động các Điểm giao dịch tại xã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nà Dài, xã Hà Hiệu, Hoàng Thị Đào cho biết: “Từ khi Điểm giao dịch xã đi vào hoạt động, với thời gian cụ thể, NHCSXH đến giao dịch đúng giờ đã tạo thuận lợi cho Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc nộp lãi và tiền gửi tiết kiệm. Ngoài việc tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, ngay tại buổi giao dịch, các Tổ trưởng còn được cán bộ tín dụng hướng dẫn nghiệp vụ sổ sách, triển khai nhiều chủ trương, chính sách mới.
Có được đồng vốn đã khó, nhưng để đồng vốn sinh lời càng khó hơn, nhất là với hộ nghèo, hộ tại vùng khó khăn, hộ chưa có việc làm ổn định… Vì vậy, NHCSXH huyện không chỉ đơn thuần cho vay mà còn tư vấn, hỗ trợ người nghèo để đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Cùng với đó, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện tổ chức phổ biến, hướng dẫn các hộ vay vốn áp dụng KHKT vào SXKD, tìm mô hình làm ăn phù hợp để bà con học tập, áp dụng để phát huy hiệu quả nguồn vốn, nâng cao thu nhập cho các hộ dân.
Bằng nguồn vốn vay cùng sự hướng dẫn, định hướng phát triển kinh tế của các cán bộ ngân hàng, tổ chức hội, đoàn thể, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện đã có vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tiêu biểu là gia đình chị Dương Thị Vui đã sử dụng toàn bộ số tiền vay từ chương trình hộ nghèo đầu tư làm chuồng trại để thực hiện nuôi 4 con trâu, bò sinh sản theo hình thức nhốt chuồng. Nhờ vậy, từ việc bán những con bê, nghé đã giúp gia đình chị Vui thu nhập hơn 20 triệu đồng mỗi năm, có đủ tiền để trả nợ, lãi cho ngân hàng đúng hạn.
Tương tự, đồng vốn chính sách đã làm “điểm tựa” để nhà ông Ma Văn Kiệm ở bản Phiềng 2 vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Với 30 triệu đồng vay NHCSXH từ năm 2012, ông Kiệm đã đầu tư chăn nuôi lợn nái, gà thả đồi kết hợp với thâm canh 5,5 mẫu đậu tương giống mới. “Nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ đúng khi cần, gia đình tôi đã khá hẳn lên. Đầu năm vừa rồi, gia đình tôi còn được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ mới thoát nghèo. Các thành viên trong gia đình ông cũng phấn khởi và bàn bạc tìm cách sử dụng đồng vốn vay hợp lý, hữu ích”, ông Kiệm chia sẻ.
Để đạt mục tiêu dư nợ trên 233 tỷ đồng trong năm 2016, giảm nợ quá hạn xuống dưới 0,2%, 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được vay vốn, NHCSXH huyện Ba Bể cho biết sẽ tập trung phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể trên địa bàn rà soát, thống kê chính xác, cụ thể số hộ nghèo, hộ cận nghèo, kể cả hộ mới thoát nghèo và hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn có nhu cầu vay vốn để tiến hành giải ngân kịp thời tại Điểm giao dịch xã; mặt khác, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc bình xét vay vốn ở các Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm bảo đảm đúng đối tượng, đúng yêu cầu mục đích của chương trình tín dụng chính sách đặt ra.
Bài và ảnh Lê Diệu Linh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vùng cao biên giới chuyển mình
- » Làm giàu từ đồng vốn nhỏ
- » Hành trình tạo lập cơ chế nguồn vốn địa phương để cho vay giảm nghèo bền vững tại TP Hồ Chí Minh
- » Tín dụng chính sách trên huyện đảo tiền tiêu
- » Cẩm Khê đẩy mạnh cho vay chương trình nước sạch
- » Người dân La Gi với nguồn vốn vay nước sạch và vệ sinh môi trường
- » Đổi thay trên vùng đất khó
- » Cùng giúp nông dân làm giàu
- » Chất lượng tín dụng tốt, dân hưởng lợi nhiều
- » NÂNG MỨC CHO VAY: Thêm một đồng, bớt một phần gánh nặng