Vốn chính sách cùng thanh niên lập thân lập nghiệp

06/07/2016
(VBSP News) Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho thanh niên là một trong những phong trào được các cấp, các ngành quan tâm và được triển khai sâu rộng. Sát cánh cùng thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp, NHCSXH và Trung ương Đoàn đã phối hợp thực hiện trong việc giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ thanh niên được tham gia vay vốn đầu tư qua đó giúp đoàn viên, thanh niên có điều kiện học tập, phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến được đại diện Báo Thanh niên tặng hoa

Các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến được đại diện Báo Thanh niên tặng hoa

Nhằm trao đổi, giải đáp những nội dung liên quan, NHCSXH vừa phối hợp với Báo Thanh niên tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Vốn chính sách cùng thanh niên lập thân lập nghiệp”.

Khách mời tham gia là Lãnh đạo các Ban CMNV của NHCSXH, Lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ thanh niên TW Đoàn, đại diện các tỉnh, thành Đoàn trực tiếp triển khai chương trình vay vốn ưu đãi của NHCSXH ủy thác qua tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp.

Sau đây là nội dung buổi tọa đàm trực tuyến đã được phóng viên lược ghi lại.

Bạn đọc Bích Trâm ở xã Ianhin, huyện Chư Pah (Gia Lai) hỏi: Em đang muốn nuôi heo rừng Thái Lan, nhưng lại không có vốn. Em xin hỏi em phải làm thế nào để tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo (TDNN) NHCSXH, Hồ Lan Hương: Nếu bạn là một trong các đối tượng thụ hưởng theo các quy định của Chính phủ như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, các đối tượng chính sách khác theo quy định thì bạn liên hệ trực tiếp với Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại nơi bạn đang sinh sống; Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hoặc tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương (như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB) hoặc Trưởng thôn, ấp, bản khu phố, tổ dân phố tại nơi sinh sống để được hướng dẫn cách tham gia Tổ TK&VV và được hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn.

Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH, Hồ Lan Hương (bên phải) đang giao lưu với độc giả

Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH, Hồ Lan Hương (bên phải) đang giao lưu với độc giả

Bạn đọc Bá Phúc ở Bắc Giang hỏi: Hiện tại em đang làm kinh tế tại gia đình, em đang cần thêm nguồn vốn để mở rộng việc chăn nuôi. Xin cho em hỏi làm thế nào để tiếp cận được nguồn vốn này và thực hiện những thủ tục cần thiết gì để được vay vốn?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo (TDNN), Hồ Lan Hương: Để được vay vốn tại NHCSXH: Hộ gia đình bạn phải thuộc đối tượng được vay vốn NHCSXH và phải là thành viên Tổ TK&VV trên địa bàn đang sinh sống và được Tổ trưởng Tổ TK&VV hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn.

Về hồ sơ, hộ gia đình chỉ lập Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay gửi cho Tổ TK&VV. Hộ vay không phải đến UBND cấp xã hay lên NHCSXH để nộp hồ sơ, các bước hoàn thiện thủ tục và gửi hồ sơ vay vốn lên NHCSXH do Tổ trưởng Tổ TK&VV đảm nhiệm.

Tổ TK&VV cùng tổ chức chính trị - xã hội, trưởng thôn tổ chức họp để bình xét những hộ nghèo đủ điều kiện vay vốn, lập danh sách theo mẫu của NHCSXH trình UBND cấp xã xác nhận là đối tượng được vay và cư trú hợp pháp tại xã.

Khi được NHCSXH xem xét phê duyệt, thông báo cho Tổ trưởng để báo lại cho hộ vay về thời gian, địa điểm đến nhận tiền vay từ NHCSXH. Đến ngày giải ngân, NHCSXH sẽ về Điểm giao dịch tại trụ sở UBND xã để phát tiền vay.

Bạn đọc Lam Trường ở Đồng Nai hỏi: Theo quy định mới, các mức vay trên 50 triệu đồng cơ sở SXKD phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định. NHCSXH phối hợp với Đoàn Thanh niên tiếp nhận và thẩm định Dự án. Nhưng thanh niên khởi nghiệp còn trẻ, không có tài sản thế chấp thì tài sản đảm bảo ở đây được hiểu là những tài sản gì?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác NHCSXH, Bùi Văn Thuấn (bên phải) giao lưu với độc giả

Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác NHCSXH, Bùi Văn Thuấn (bên phải) giao lưu với độc giả

Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác, Bùi Văn Thuấn: Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay do người vay và NHCSXH thỏa thuận, việc dùng tài sản thuộc sở hữu của người vay hoặc thuộc sở hữu của người thứ ba mà người này cam kết dùng tài sản đó để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Do đó, thanh niên khởi nghiệp còn trẻ, không có tài sản thế chấp khi vay vốn, thì có thể được người thứ ba dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để thế chấp, cầm cố cho người vay vốn tại NHCSXH.

Như vậy, trường hợp của bạn, có thể nhờ bố mẹ hoặc người thân trong gia đình bảo lãnh tài sản để được vay vốn khởi nghiệp.

Chúc bạn thành công!

Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc, Nguyễn Mạnh Tuấn (bên trái) giao lưu với độc giả

Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc, Nguyễn Mạnh Tuấn (bên trái) giao lưu với độc giả

Bạn đọc Nguyễn Văn Hiếu ở Vĩnh Phúc hỏi: Ở Vĩnh Phúc có nhiều chương trình đưa lao động đi xuất khẩu ở thị trường Nhật Bản, nhưng để tham gia chương trình này, hiện chính sách vay vốn của địa phương đang có ưu đãi cụ thể ra sao, liệu có thể vay được vốn ưu đãi từ NHCSXH?

Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc, Nguyễn Mạnh Tuấn: Được sự quan tâm của TW Đoàn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn, trong thời gian vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc đã đưa nhiều đoàn viên thanh niên trong và ngoài tỉnh đi xuất khẩu lao động tại một số thị trường Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… và đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên trong tỉnh đi xuất khẩu lao động. Cụ thể là, hỗ trợ chi phí đào tạo định hướng 6 - 15 triệu đồng/người/khoá. Cho vay tín chấp 50 triệu đồng/người hoặc vay thế chấp 200 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, các thủ tục nhập học, vay vốn, xuất cảnh… nhanh chóng, có nơi ăn chốn ở sạch sẽ tiện nghi. Cảm ơn bạn đã quan tâm.

Phó Chủ nhiệm CLB Thanh niên lập nghiệp Hà Nội, Trần Xuân Chiến (bên phải) đang trả lời bạn đọc

Phó Chủ nhiệm CLB Thanh niên lập nghiệp Hà Nội, Trần Xuân Chiến (bên phải) đang trả lời bạn đọc

Bạn đọc Nguyễn Văn Bảy ở Hưng Yên hỏi: Để vay được vốn phải mất rất nhiều thời gian làm thủ tục, thẩm định theo quy trình. Không biết anh Chiến mất bao nhiêu thời gian để vay được vốn và có kinh nghiệm gì chia sẻ để vay vốn được nhanh hơn, không lỡ mất cơ hội làm ăn?

Phó Chủ nhiệm CLB Thanh niên lập nghiệp Hà Nội, Trần Xuân Chiến: Tôi cũng như mọi người, khi làm thủ tục vay vốn cũng phải hoàn thiện hồ sơ, những thủ tục theo đúng quy định của ngân hàng. Tuy nhiên, nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào tính khả thi của dự án mà bạn trăn trở. Ngoài ra, nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào thời điểm khả thi của dự án.

Bạn đọc Văn Mạnh ở Thái Bình hỏi: Xin anh Chiến chia sẻ kinh nghiệm, khi lập nghiệp mỗi bạn trẻ cần tích luỹ kiến thức, kỹ năng và cả đồng vốn ra sao?

Phó Chủ nhiệm CLB Thanh niên lập nghiệp Hà Nội, Trần Xuân Chiến: Kinh nghiệm của bản thân tôi phải có kiến thức cơ bản về ngành mà bạn dự định đầu tư là trước hết. Sau đó, phải đi vào thực tế hoàn cảnh cụ thể để xem xét khả năng áp dụng đến đâu.

Về đồng vốn, theo tôi chúng ta nên bắt đầu từ những dự án nhỏ nhưng khả thi cao. Từ đó, vừa tích lũy kinh nghiệm, tài chính, đến khi đủ tầm cao sẽ làm những dự án lớn hơn.

Bạn đọc Trần Minh Thủy ở Nghệ An: Em mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hiện tại em có ý định làm trang trại chăn nuôi phát triển kinh tế tại địa phương nhưng gặp khó khăn về vốn. Cho em hỏi làm thế nào để tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi dành cho thanh niên ạ, rất mong được sự giúp đỡ?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác, Bùi Văn Thuấn: Hoan nghênh ý tưởng của em. Trước khi tiếp cận được nguồn vốn, em phải hoàn thiện một số điều kiện như sau:

Thứ nhất, em phải lập hồ sơ để được công nhận là trang trại;

Thứ hai, phải xác định sản phẩm của trang trại là gì và nằm trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm;

Thứ ba, phải mời gọi nhà khoa học về chăn nuôi tư vấn về chăn nuôi sản phẩm sạch;

Thứ tư, phải lập hồ sơ để gửi phòng nông nghiệp để được công nhận là cơ sở chăn nuôi sạch.

Khi đảm bảo 4 điều kiện trên, em sẽ được tiếp cận với nguồn vốn từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm mà NHCSXH đang triển khai.

Nếu cần tư vấn, hỗ  trợ gì thêm về cơ chế chính sách, em có thể gọi đến Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn TW Đoàn: 04.38229318; email: hotrothanhnien@gmail.com.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên nông thôn TW Đoàn, Nguyễn Quốc Văn (bên trái) giải đáp những thắc mắc của độc giả

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên nông thôn TW Đoàn, Nguyễn Quốc Văn (bên trái) giải đáp những thắc mắc của độc giả

Bạn đọc Phan Minh Hoà ở Hà Nam hỏi: Xin hỏi hiện tại TW Đoàn có số máy điện thoại đường dây nóng hoặc đơn vị nào sẽ hỗ trợ cụ thể mỗi khi các dự án vay vốn gặp khó khăn về thủ tục vay vốn, chậm tiến độ giải ngân?

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên nông thôn TW Đoàn, Nguyễn Quốc Văn: Bạn có thắc mắc hoặc cần tư vấn về vốn vay, các thủ tục giải ngân, quản lý sử dụng vốn vay từ NHCSXH thì xin mời bạn liên hệ với Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên của TW Đoàn là đơn vị thường trực chương trình phối giữa TW Đoàn và NHCSXH. Số điện thoại: 04.3829318; email: hotrothanhnien@gmail.com; Web: hotrothanhnien.com.

Bạn đọc Vũ Hà ở Quảng Bình: TW Đoàn đang chuẩn bị triển khai chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, xin hỏi TW Đoàn và NHCSXH có gói vay vốn riêng cho nhu cầu khởi nghiệp hay không?

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên nông thôn TW Đoàn, Nguyễn Quốc Văn: TW Đoàn đã chủ động xây dựng chương trình khởi nghiệp quốc gia trong Đoàn Thanh niên và sẽ được công bố trong thời gian tới. Trong nội dung chương trình, có một nội dung liên quan đến gói vay vốn riêng cho nhu cầu khởi nghiệp phối hợp NHCSXH để giải ngân cho thanh niên nông thôn.

Bạn đọc Thu Ngân ở Đồng Nai: Xuất phát từ thực tế, nhiều bạn trẻ còn “ngại” vay vốn ưu đãi từ ngân hàng, theo anh Chiến, điều này có nguyên nhân từ đâu, có phải do chi phí “mềm” họ đang phải bỏ ra để vay được vốn?

Phó Chủ nhiệm CLB Thanh niên lập nghiệp Hà Nội, Trần Xuân Chiến: Qua thực tế bản thân, tôi cho rằng không phải do chi phí “mềm” như bạn nói vì chưa bao giờ thấy, trong quy định của pháp luật cũng không nói đến chi phí “mềm”. Tôi nghĩ các bạn chưa thực sự mạnh dạn, tự tin vào tính khả thi của dự án các bạn đang thực hiện. Hoặc là các bạn chưa thực sự tìm hiểu kỹ các thủ tục cần thiết để vay vốn lập nghiệp.

Bạn đọc Chu Thị Nguyệt ở Sóc Trăng: Có tâm lý cho rằng, thanh niên “chê” vay vốn ưu đãi vì số tiền vay được thấp, không đủ đầu tư. Nhưng theo anh Chiến, khi mới khởi nghiệp có nên bắt đầu từ dự án nhỏ để lớn dần lên, chứ không nên đầu tư lớn ngay từ ban đầu?

Phó Chủ nhiệm CLB Thanh niên lập nghiệp Hà Nội, Trần Xuân Chiến: Qua thực tiễn, tôi thấy một trong những nhu cầu cấp thiết của thanh niên khi khởi nghiệp chính là nhu cầu về vốn rất cao. Theo tôi, khi bắt đầu khởi nghiệp, các bạn nên bắt đầu từ những dự án nhỏ mang tính hiệu quả cao. Từ đó, dần tích lũy để có được nguồn vốn lớn hơn, kinh nghiệm nhiều hơn. Đến khi có đầy đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm, các bạn có thể tính những bước đi dài hơi hơn.

Bạn đọc Nguyễn Vũ Tài ở Bắc Ninh:Trong quá trình vay vốn, nếu gặp khó khăn thì các anh tìm kiếm đầu mối nào để giải quyết, tháo gỡ? Theo anh Chiến, NHCSXH và TW Đoàn có nên lập đầu mối chung, đường dây nóng để giải đáp thắc mắc của thanh niên khi vay vốn không?

Phó Chủ nhiệm thường trực CLB Thanh niên lập nghiệp Hà Nội: Sáng kiến của bạn rất hay, tôi nghĩ là TW Đoàn và NHCSXH nên có một bộ phận tiếp nhận thông tin chung để hỗ trợ kịp thời, giải đáp thắc mắc, khó khăn của thanh niên.

Bạn đọc Bảo Quỳnh ở Phú Thọ: Hiện tại em đang làm việc cho doanh nghiệp nhưng em có kế hoạch chăn nuôi tại Phú Thọ mà không có đủ tiền để thực hiện. Xin hỏi em có thể tiếp cận nguồn vốn này bằng cách nào? Thủ tục cần thiết là gì? Em xin chân thành cảm ơn!

Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác, Bùi Văn Thuấn: Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định điều kiện vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm đối với người lao động gồm: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc tạo việc làm cho thành viên trong hộ hoặc thu hút thêm lao động có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án; Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.

Nếu đáp ứng được các điều kiện trên đây, em có thể được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Khi vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm, em hoặc người đại diện hộ gia đình của em phải viết Giấy đề nghị vay vốn (mẫu số 01a hoặc 01b ban hành kèm theo Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/11/2015 của Bộ LĐTB-XH) có xác nhận của UBND cấp xã về việc cư trú hợp pháp, gửi đến Phòng giao dịch NHCSXH nơi cho vay (nơi em đang cư trú hợp pháp) để xem xét giải quyết.

Bạn đọc Thu Thủy ở Đồng Nai hỏi: Nguồn vốn đó có đến được với vùng nông thôn như em không vậy?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác, Bùi Văn Thuấn: Theo quy định của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ, nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm được giao cho 63 tỉnh, thành phố và các tổ chức thực hiện chương trình, gồm: Hội LHPN Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động, Liên minh các Hợp tác xã và Hội người mù Việt Nam.

Sau đó, các cơ quan này phân bổ đến các quận, huyện để triển khai cho vay đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định.

Hiện nay, với nguồn vốn của Quỹ có hạn nên vốn cho vay của Quỹ Quốc gia về việc làm chưa thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người lao động nói chung và người lao động ở khu vực nông thôn nói riêng.

Bạn đọc Quang Nhiên ở Nam Định hỏi: Tháng 3/2016, Thủ tướng đã ký Quyết định về tín dụng đối với HSSV Y khoa sau khi đã tốt nghiệp, trong thời gian thực hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề. Vậy đối tượng thế nào được hưởng chính sách mới này?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác, Bùi Văn Thuấn: Quyết định số 09/2016/QĐ-TTg ngày 02/3/2016 của Thủ tướng về tín dụng đối với HSSV Y khoa sau khi đã tốt nghiệp, trong thời gian thực hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề. Đối tượng được hưởng chính sách mới này là:

HSSV Y khoa có hoàn cảnh khó khăn đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành Y được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam trong thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi là sinh viên sau khi tốt nghiệp), gồm:

1. Sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.

 2. Sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật; hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật.

3. Sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian thực hành có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Bạn đọc Ngọc Thanh ở Thái Bình hỏi: Mức vay, lãi suất cho vay của chương trình hiện nay đã hợp lý đối với sinh viên Y khoa vừa mới tốt nghiệp chưa?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác, Bùi Văn Thuấn: Mức cho vay, lãi suất cho vay được thực hiện theo quy định hiện hành của Thủ tướng về chính sách tín dụng đối với HSSV theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Mức cho vay được áp dụng hiện nay là 1,25 triệu đồng/tháng với lãi suất 0,55%/tháng.

Về lãi suất cho vay, Chính phủ quy định hiện nay là 0,55%/ tháng bằng với lãi suất cho vay hộ nghèo, đồng thời NHCSXH cũng đã hướng dẫn chính sách ưu đãi giảm 50% lãi suất cho vay nếu người vay trả nợ trước hạn, trong khi vốn vay từ các chương trình chính sách khác không được hưởng chính sách ưu đãi này, kể cả chương trình cho vay hộ nghèo.

Vì vậy mức lãi suất áp dụng như hiện nay không phải là áp lực đối với sinh viên Y khoa mới tốt nghiệp.

Phó Giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế và Truyền thông NHCSXH, Nguyễn Việt Hải (bên trái) trao đổi với độc giả về nguồn lực chương trình tín dụng HSSV Y khoa

Phó Giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế và Truyền thông NHCSXH, Nguyễn Việt Hải (bên trái) trao đổi với độc giả về nguồn lực chương trình tín dụng HSSV Y khoa

Bạn đọc Thanh Hưng ở Hà Nội hỏi: Nguồn lực của NHCSXH đến nay đã được chuẩn bị cho chương trình tín dụng mới này như thế nào?

Phó Giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế và Truyền thông NHCSXH, Nguyễn Việt Hải: Năm 2016, tại Quyết định số 2525/QĐ-TTg ngày 31/12/2015, Thủ tướng giao tăng trưởng dư nợ tín dụng cho NHCSXH ở mức 8% so với thực hiện năm 2015 (tương đương khoảng 10.250 tỷ đồng). Với mức tăng trưởng dư nợ tín dụng này, NHCSXH đã tập trung cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, HSSV (bao gồm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của HSSV Y khoa sau khi đã tốt nghiệp theo Quyết định số 09/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng) và các đối tượng chính sách khác.

Để đảm bảo nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, trong đó có nhu cầu vay vốn của HSSV Y khoa sau khi đã tốt nghiệp theo Quyết định số 09/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH thực hiện các giải pháp huy động từ các nguồn vốn sau: tiếp nhận nguồn tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng nhà nước; phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh; huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường…

NHCSXH khẳng định cân đối đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của HSSV có hoàn cảnh khó khăn nói chung và HSSV Y khoa sau khi đã tốt nghiệp theo Quyết định số 09/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nói riêng, nhằm đảm bảo “không để một HSSV nào phải bỏ học vì thiếu tiền đi học”.

Bạn đọc Hoài My ở TP Hồ Chí Minh hỏi: Phương thức cho vay với sinh viên ngành Y khoa như thế nào và có khác gì so với chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn mà NHCSXH đang thực hiện?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác, Bùi Văn Thuấn: Phương thức cho vay với sinh viên ngành Y khoa cũng được thực hiện theo quy định hiện hành của Thủ tướng và hướng dẫn của NHCSXH. Cụ thể, NHCSXH hiện áp dụng theo 2 phương thức cho vay.

1. HSSV vay vốn thông qua hộ gia đình

- Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ NHCSXH.

- Người vay không phải thế chấp tài sản nhưng phải gia nhập và là thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại thôn, ấp, bản, buôn (gọi chung là thôn) nơi hộ gia đình đang sinh sống, được Tổ bình xét đủ điều kiện vay vốn, lập thành danh sách đề nghị vay vốn NHCSXH gửi UBND cấp xã xác nhận.

- Việc cho vay của NHCSXH được thực hiện uỷ một số nội dung công việc trong quy trình cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội theo cơ chế hiện hành của NHCSXH.

2. Đối với HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động được vay vốn và trả nợ trực tiếp tại NHCSXH nơi địa bàn nhà trường đóng trụ sở.

Bạn đọc Trung Hiếu, 33 tuổi ở Hà Tĩnh hỏi: Vì sao dư nợ của tổ chức Đoàn hiện còn thấp hơn so với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh. Phải chăng do thanh niên không có nhu cầu về vốn hay còn những rào cản nào khác. Làm thế nào để tăng được dư nợ vốn vay trong thanh niên?

Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc, Nguyễn Mạnh Tuấn: Đúng như vấn đề bạn nêu ra, dư nợ vốn vay của tổ chức Đoàn hiện nay thấp hơn so với các tổ chức hội, đoàn thể khác nhưng không phải vì thanh niên không có nhu cầu vay vốn. Như bạn biết, thanh niên chiếm 1/4 dân số và đây là lực lượng có sức khoẻ, ý chí khát vọng làm giàu nên nhu cầu vay vốn là rất lớn. Song trên thực tế, tổng dư nợ vay vốn của thanh niên còn ít, có nhiều nguyên nhân:

Một số cơ sở Đoàn chưa tích cực, chủ động vào cuộc tuyên truyền, tín chấp giúp đỡ thanh niên vay vốn. Thanh niên chưa phải là chủ hộ nên khi làm các thủ tục vay vốn còn gặp nhiều khó khăn. Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa đặt niềm tin vào đoàn viên thanh niên nên chưa quan tâm, tạo điều kiện để họ có điều kiện thụ hưởng vốn vay từ NHCSXH.

Trong thời gian tới, để tăng dư nợ vốn vay và giúp đỡ được nhiều đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế - xã hôi, học tập chúng tôi tập trung một số giải pháp cơ bản:

Trước tiên, phải đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với những chính sách vay vốn ưu đãi từ NHCSXH; tuyên truyền vận động đoàn viên thanh niên tích cực chủ động phát triển kinh tế xã hội, ra sức thi đua học tập để có đủ những điều kiện hưởng thụ nguồn vốn vay ưu đãi từ chính sách xã hội.

Thứ hai, tích cực phối hợp với các ngành tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, nhân rộng các mô hình, điển hình phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, chủ động tham mưu với Tỉnh uỷ, phối hợp với các Sở, ban ngành để thành lập các Hợp tác xã, Câu lạc bộ, các điển hình làm kinh tế giỏi, từ đó có cơ chế quan tâm, tạo điều kiện về vốn vay, KHKT thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bạn đọc Công Sinh ở Bắc Kạn hỏi: Có những ưu đãi gì khi người vay đang thời gian chưa phải trả nợ nhưng có điều kiện để trả nợ?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác, Bùi Văn Thuấn: Như vậy trường hợp của bạn là trả nợ trước hạn. HSSV trả nợ trước hạn được hưởng chính sách giảm lãi suất cho vay. Số tiền lãi được giảm tính trên số tiền gốc trả nợ trước hạn và thời gian trả nợ trước hạn của người vay.

Bạn đọc Duy Anh ở Hà Nội: Có những nguyên nhân khách quan và chủ quan mà đối tượng thụ hưởng chưa trả được nợ, vậy quy định về gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn đối với các khoản nợ được thực hiện?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác, Bùi Văn Thuấn: Trường hợp của bạn tôi xin trả lời như sau: Đến thời điểm trả nợ cuối cùng, nếu người vay có khó khăn khách quan (HSSV ra trường chưa có việc làm, gia đình gặp khó khăn tài chính…) chưa trả được nợ thì NHCSXH xem xét cho gia hạn nợ.

Tuỳ từng trường hợp cụ thể, ngân hàng có thể gia hạn nợ một hoặc nhiều lần cho một khoản vay, nhưng thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn trả nợ.

Trường hợp người vay không trả nợ đúng hạn theo kỳ hạn trả nợ cuối cùng và không được NHCSXH cho gia hạn nợ thì chuyển toàn bộ số dư nợ sang nợ quá hạn. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Bạn đọc Thanh Hoàng ở Vũng Tàu: Gia đình đã được vay một trong số các chương trình cho vay của NHCSXH, vậy gia đình có con đang học ngành y và tốt nghiệp có được vay vốn ưu đãi từ chương trình này nữa không?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác, Bùi Văn Thuấn: Hộ gia đình đã được vay một số các chương trình cho vay của NHCSXH, có con tốt nghiệp ngành y thuộc các đối tượng tại Điều 2 và đủ điều kiện vay vốn tại Điều 4 Quyết định 09/2016/QĐ-TTg ngày 02/3/2016 thì được vay vốn ưu đãi từ chương trình này.

Bạn đọc Trường Giang ở Quảng Bình: Tôi vay 100 triệu đồng từ NHCSXH qua uỷ thác từ Đoàn Thanh niên, theo thời hạn cuối năm 2016 tôi phải hoàn trả toàn bộ gốc. Nhưng do công việc làm ăn không thuận lợi, bị thiệt hại do thiên tai. Vậy tôi cần làm gì để xin gia hạn thời gian trả nợ?

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên nông thôn TW Đoàn, Nguyễn Quốc Văn: Việc bạn hỏi đã được quy định rất rõ trong Quy chế xử lý rủi ro của NHCSXH. Bạn cần làm việc với Tổ trưởng Tổ TK&VV nơi bạn đang là thành viên, với Đoàn thanh niên cấp xã quản lý Tổ TK&VV để được hướng dẫn lập hồ sơ theo quy định hiện hành.

Bạn đọc Khuất Thị Minh ở Hà Tĩnh: Em mới tốt nghiệp ra trường mà mong muốn khởi nghiệp với dự án trồng rau sạch kết hợp với chăn nuôi an toàn sinh học. Em có dự toán dự án đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu đồng. Để vay được vốn ưu đã từ NHCSXH cần đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn ra sao?

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên nông thôn TW Đoàn, Nguyễn Quốc Văn: Hoan nghênh em có ý tưởng khởi nghiệp với dự án trồng rau sạch kết hợp với chăn nuôi an toàn sinh học. Sản phẩm của dự án này sẽ đáp ứng được nhu cầu xã hội về thực phẩm sạch. Để tiếp cận được vốn, thứ nhất em nên chuẩn bị các điều kiện: xác định mô hình em muốn làm đạt mức nào (hộ kinh doanh, tổ kinh doanh, hợp tác xã kinh doanh, doanh nghiệp…).

Thứ hai, em phải làm các thủ tục đăng ký sản phẩm đạt chuẩn tại Phòng nông nghiệp ở địa phương về rau sạch và chăn nuôi an toàn sinh học. Tìm hiểu về cơ chế cho vay theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ về Chính sách tạo việc làm. Em có thể làm hồ sơ trực tiếp tại NHCSXH cấp huyện hoặc làm việc với tổ chức Đoàn ở địa phương để được tư vấn thêm.

Bạn đọc Hải Yến ở Bắc Giang hỏi: Nguồn vốn ưu đãi hiện tại đã giúp ích như thế nào cho thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp?

Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc, Nguyễn Mạnh Tuấn: Nguồn vốn vay nói chung và đặc biệt là nguồn vốn từ NHCSXH nói riêng, vốn vay 120 từ kênh TW Đoàn không nhiều nhưng đã góp phần giúp các bạn có thêm nguồn vốn với lãi suất thấp, thủ tục thông thoáng để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, khoa học kỹ thuật ban đầu cho các mô hình.

Hơn nữa, nguồn vốn tuy ít ỏi nhưng là niềm cổ vũ, động viên khích lệ các bạn trẻ xung kích, tình nguyện sáng tạo trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu chính đáng cho bản thân và xã hội.

Bạn đọc Bảo Thắng ở Hà Nam: Cho vay khởi nghiệp và lập nghiệp đồng nghĩa với nhiều rủi ro nếu thất bại, trên thực tế công tác thu hồi vốn vay ưu đãi sau vay có gặp nhiều khó khăn?

Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc, Nguyễn Mạnh Tuấn: Khởi nghiệp và lập nghiệp đang là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với các doanh nghiệp, thanh niên, sinh viên góp phần tạo điều kiện cho các bạn trẻ có điều kiện để khởi nghiệp và lập nghiệp.

Trên thực tế, quá trình khởi nghiệp và lập nghiệp các bạn trẻ đã được quan tâm chăm lo, tạo điều kiện thuân lợi để khởi nghiệp song cũng không tránh khỏi những rủi ro, thất bại. Để thu hồi vốn vay hiệu quả, các cấp bộ Đoàn cần tập trung vào một số các giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan hữu quan của NHCSXH và các hội, đoàn thể để cho đoàn viên, thanh niên nhận thức rõ ý nghĩa vai trò, tác dụng của nguồn vốn vay từ ngân sách nhà nước. Từ đó các bạn có ý thức trách nhiệm sử dụng đồng vốn hiệu quả và trả vốn đúng thời hạn.

Thứ hai, trước khi giải ngân cần thẩm định kỹ các hồ sơ, đối tượng thụ hưởng một cách chính xác và khoa học.

Thứ ba, thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng nguồn vốn có đúng mục đích không để có những giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

Thứ tư, chủ động phối hợp với các cấp uỷ đảng, ban ngành, đoàn thể ở địa phương nơi thanh niên được vay vốn để ký cam kết sử dụng vốn vay có hiệu quả và trả lãi, gốc theo định kỳ.

Thứ năm, chúng tôi tiến hành tuyên dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, thành lập các Câu lạc bộ khởi nghiệp giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Bạn đọc Bùi Thì Hằng ở Lạng Sơn: Qua thực tế hoạt động lao động sản xuất của các hội viên, nhu cầu vay vốn đầu tư làm ăn của thanh niên hiện ở mức độ như thế nào, thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp, gây dựng các mô hình kinh tế, liệu có thực sự khát vốn?

Phó Chủ nhiệm CLB Thanh niên lập nghiệp Hà Nội, Trần Xuân Chiến: Qua thực tế, hoạt động lao động sản xuất của các hội viên, tôi thấy nhu cầu về vốn luôn ở mức cao, có thể nói là rất khát vốn. Khi mới bắt tay vào làm đã cần vốn, khi làm, nhu cầu vốn để mở rộng sản xuất càng cao hơn. Cảm ơn bạn đã quan tâm.

Bạn đọc Đinh Thị Châu ở Hà Nam hỏi: Theo anh Trần Xuân Chiến, trên thực tế đang có những rào cản, khó khăn ra sao khiến thanh niên khó tiếp cận nguồn vốn vay. Trong khi đó, NHCSXH rất muốn tăng được dư nợ vay vốn, hỗ trợ thanh niên thông qua tổ chức Đoàn. Anh có kiến nghị gì để tháo gỡ?

 Phó Chủ nhiệm CLB Thanh niên lập nghiệp Hà Nội, Trần Xuân Chiến: Tôi nghĩ, quy trình thủ tục cho vay của NHCSXH không có gì khó khăn, luôn tạo thuận lợi cho các bạn thanh niên lập thân, lập nghiệp. Nếu có khó khăn ra sao, các bạn có thể phản ánh với câu lạc bộ, chúng tôi sẽ là cầu nối để chuyển những thắc mắc của các bạn đến TW Đoàn và NHCSXH.

Đối với việc tăng trưởng dư nợ, tôi nghĩ, các bạn phải làm tốt chương trình dự án của mình. Từ đó, nếu các bạn có nhu cầu tiếp, chúng tôi sẽ đề nghị NHCSXH cho vay theo nhu cầu thực tế.

Tôi đề nghị Nhà nước tiếp tục cấp nguồn vốn cho NHCSXH để thanh niên được vay vốn với hạn mức cao, lãi suất thấp, thời gian dài hơn.

Bạn đọc Nguyễn Đan Toàn ở Vĩnh Phúc: Theo tôi được biết, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH mở rộng cho nhiều đối tượng HSSV nghèo; sinh viên tốt nghiệp ra trường có nhu cầu lập nghiệp. Nhưng hiện tại, Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc chỉ tập trung cho thanh niên nông thôn. Trong thời gian tới, các anh có giải pháp gì để nâng mức vay trong đối tượng HSSV?

Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc, Nguyễn Mạnh Tuấn: Xin cảm ơn bạn với câu hỏi rất là hay. NHCSXH nói chung và NHCSXH chi nhánh Vĩnh Phúc nói riêng luôn quan tâm, chăm lo đến mọi đối tượng được thụ hưởng vốn vay từ NHCSXH. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế sáng tạo, KHKT, góp phần thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và HSSV, với phương châm: Không để cho HSSV vì điều kiện hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ học.

Nếu bạn là thành viên của gia đình hộ nghèo, hoặc con em mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, gia đình không may gặp hoàn cảnh khó khăn, bạn cũng thuộc đối tượng được vay vốn của NHCSXH để học tập.

Trong thời gian vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc đã phối hợp với NHCSXH cho vay hơn 209 triệu đồng. Trong đó, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn hơn 38 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nếu bạn thuộc HSSV tham gia các kỳ thi đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực quốc tế, còn được thụ hưởng từ Quỹ tài năng trẻ của Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn còn xây dựng đề án hỗ trợ lãi suất vốn vay cho thanh niên phát triển kinh tế.

Nhóm PV thực hiện

Một bình luận cho bài viết "Vốn chính sách cùng thanh niên lập thân lập nghiệp"

  1. Nguyễn văn tuấn Góp ý:

    Cho e hỏi bây giờ em đang là hội viên hội nông dân e muốn vay vốn để làm vườn thì vay dc bao nhiêu tiền và muốn vay thì liên hệ với cơ quan nào ạ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác