Tín dụng chính sách nhìn từ sự cố Formosa

20/07/2016
(VBSP News) Không chỉ giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, những cán bộ tín dụng của NHCSXH nói chung và NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh nói riêng còn là những “người bạn tri kỷ” của dân. Sự tri kỷ được hun đắp từng ngày qua những khoản vay nhỏ, những buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn và trên hết là từ tấm lòng của người làm tín dụng chính sách.
Anh Võ Hữu Thập (người thứ 2 từ phải qua) cùng bà con xóm 2, thôn Hải Phong, Kỳ Lợi chia sẻ nỗi nhớ nghề, nhớ biển với các cán bộ NHCSXH

Anh Võ Hữu Thập (người thứ 2 từ phải qua) cùng bà con xóm 2, thôn Hải Phong, Kỳ Lợi chia sẻ nỗi nhớ nghề, nhớ biển với các cán bộ NHCSXH

Thèm biển! Nỗi lòng của ngư dân Kỳ Lợi

5h sáng, chúng tôi có mặt ở xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh - 1 trong 6 xã thiệt hại nặng nề nhất trong thảm họa môi trường do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) gây ra. Dưới nắng mai rực rỡ, biển vẫn đẹp và yên ả. Trên bờ, một vài ngư dân ngồi lặng lẽ nhìn về phía chân trời. Dường như, chỉ có biển yên chứ lòng người chưa yên!

“Yên sao được khi mấy đời ngư dân chúng tôi đều lớn lên từ biển, sống chết cũng chỉ biết biển”, anh Võ Hữu Thập ở xóm 2, thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi mở đầu câu chuyện. Bây giờ, biển vẫn còn mà không thể vùng vẫy, lặn ngụp khiến đời sống người dân Kỳ Lợi nói riêng và Kỳ Anh nói chung điêu đứng. Anh Thập kể, mấy năm trước, gia đình anh được vay 30 triệu đồng hộ nghèo của NHCSXH. Có vốn, anh và nhóm bạn đầu tư tàu thuyền đánh bắt ven bờ, đều đặn mỗi ngày kiếm được cả chục triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh thoát nghèo từ năm 2014. Cuộc sống của các gia đình trong nhóm bạn tàu của anh cũng đang dần ổn định. Nhưng ông trời không chiều lòng người, sự cố Formosa đã khiến anh và nhiều người dân Kỳ Lợi hoang mang. Anh Thập cho biết, sau khi sự cố xảy ra, người dân Kỳ Lợi đã nhận được khá nhiều sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. “NHCSXH cũng đã kịp thời cho chúng tôi vay 50 triệu đồng/hộ để chuyển đổi nghề nghiệp. Nhưng một người, từ trong bụng mẹ đã gắn với biển như tôi cũng chỉ biết mua trâu, bò, gà về nuôi chứ biết làm gì hơn”, anh Thập nói.

Khi môi trường biển ô nhiễm, không chỉ ngư dân chuyên đánh bắt mà các dịch vụ hậu cần biển cũng lao đao. Theo ông Chu Văn Quyện - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 2, đa phần chị em trong xóm nếu không thu mua hải sản thì cũng buôn bán nguyên vật liệu nghề biển, làm đá cấp đông cho các tàu, thuyền… Giờ tàu thuyền không ra khơi, các chị cũng mất nghề luôn. Trường hợp của chị Nguyễn Thị Mai ở xóm 2 cũng vậy. Chị vốn làm công nhân trong Formosa, thu nhập 7,5 triệu đồng/tháng. Từ khi sự cố xảy ra, nhà máy tạm ngừng hoạt động, chị phải nghỉ làm và không có lương nữa.  Chị Mai muốn quay về nghề cung cấp nguyên vật liệu cho các tàu thuyền nhưng cũng khó có cơ hội vì nghề biển không biết lúc nào mới có thể hoạt động lại.

Được biết, ngoài xã Kỳ Lợi, 4 xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Phương và Kỳ Nam của thị xã Kỳ Anh chịu thiệt hại nặng nhất trong sự kiện Formosa. Tổng cộng có khoảng 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến thời điểm này, chính quyền chưa thể đo đếm chính xác hết mức độ thiệt hại của người dân nhưng con số phải là hàng tỷ đồng.

Niềm tin từ sự chân thành và trách nhiệm

Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh, Lưu Văn Minh, qua rà soát sơ bộ, sự cố Formosa đã làm 1.251 hộ vay của NHCSXH gián tiếp bị ảnh hưởng. Số tiền vay là hơn 35 tỷ đồng, chủ yếu là hộ gia đình vay vốn mua ngư lưới cụ, máy nổ đóng thuyền, chế biến nước mắm tại các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân. Trong đó, huyện Kỳ Anh có 33 hộ vay với dư nợ gần 1 tỷ đồng, thị xã Kỳ Anh có 108 hộ vay với dư nợ hơn 3 tỷ đồng.

Để hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các xã ven biển bị ảnh hưởng chuyển đổi ngành nghề sản xuất, ổn định cuộc sống, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời trình cấp trên bổ sung 150 tỷ đồng để cho vay chuyển đổi ngành nghề, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống (riêng huyện Kỳ Anh 15 tỷ đồng, thị xã Kỳ Anh 27 tỷ đồng). Đồng thời, tập trung nhân lực, phương tiện hoàn thiện hồ sơ, giải ngân 100% số vốn tới các đối tượng thụ hưởng ngay trong tháng 5, 6. Bên cạnh đó, còn gia hạn nợ cho 171 hộ đến hạn trả nợ trong các tháng 5, 6 hơn 4,5 tỷ đồng; tiếp tục gia hạn nợ đối với hộ vay thuộc các xã ven biển gặp khó khăn, sắp đến hạn trả nợ nhằm bảo đảm cho hộ dân có thời gian khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Mai ở xóm 2, xã Kỳ Lợi - người được thụ hưởng 50 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH để chuyển đổi nghề từ nguồn hỗ trợ này đã xúc động, không nói thành lời khi nhớ lại buổi giải ngân ngày 19/5 vừa qua. Nhưng nhìn ánh mắt chị, chúng tôi hiểu hơn về câu tục ngữ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Chị Mai cũng cho biết, những ngày xảy ra sự cố Formosa, cả xã Kỳ Lợi vô cùng bức xúc và hoang mang bởi không biết nguyên nhân. “Chẳng ai trong chúng tôi còn nghĩ đến chuyện đi bầu cử. Nghĩ lại thật xấu hổ! Cũng may, nhờ các cán bộ của NHCSXH giải thích, động viên, cuối cùng cả xã đã hoàn thành trách nhiệm công dân của mình”,  chị Mai nói.

Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Lưu Văn Minh khiêm tốn nói với chúng tôi, do đặc thù nghề nghiệp, do mạng lưới rộng khắp tới thôn, xóm, do có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà NHCSXH đã có cơ hội gần gũi nhiều hơn với người dân. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu, dẫu có là điều gì, thì tất cả phải xuất phát từ sự chân thành và trách nhiệm. Đó mới là gốc của niềm tin trong nhân dân.

Trăn trở của người làm tín dụng

Trong câu chuyện với Giám đốc Lưu Văn Minh suốt chặng đường 80km từ Kỳ Anh tới TP Hà Tĩnh, chúng tôi lại hiểu thêm tấm lòng của những người làm tín dụng chính sách. Các anh, chị không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình mà còn lo nỗi lo của dân, đau nỗi đau của dân.

Giám đốc Lưu Văn Minh cho biết, các hộ vay vốn tại NHCSXH chủ yếu đầu tư vào thuyền, lưới, ngư cụ đánh bắt, bị ảnh hưởng chỉ trong thời gian ngắn, do vậy việc xác định mức độ ảnh hưởng, thiệt hại gặp nhiều khó khăn, khó chính xác. Điều này cũng dễ dẫn đến tình trạng không công bằng khi đưa ra các mức đền bù cho bà con. Do đó, ngoài việc Chính phủ sớm ban hành cơ chế hỗ trợ bà con ngư dân chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm mới; NHCSXH hướng dẫn cụ thể việc xác định mức độ thiệt hại đối với các hộ đầu tư ngư cụ đánh bắt thủy, hải sản…, nên chăng, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành cần nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân, tuyên truyền để nhân dân hiểu và đồng lòng chia sẻ.

Bài và ảnh Thái Bình

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác