Đưa vốn lên vùng cao Điện Biên

29/07/2016
(VBSP News) Là tỉnh miền núi cao biên giới nằm ở khu vực Tây Bắc, Điện Biên có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển nông - lâm nghiệp, du lịch, nhưng lại có tới 5/10 đơn vị hành chính là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và 110/130 xã đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, cùng với ý chí quyết tâm thoát nghèo của đồng bào địa phương và sự hỗ trợ về tín dụng chính sách của Nhà nước, đời sống người dân vùng cao Điện Biên đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.
NHCSXH tỉnh Điện Biên luôn là điểm tựa vững chắc cho bà con dân nghèo

NHCSXH tỉnh Điện Biên luôn là điểm tựa vững chắc cho bà con dân nghèo

Giám đốc NHCSXH tỉnh Điện Biên, Đàm Xuân Triệu cho biết: Những năm trước, nhiều xã trong tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo rất cao tới 50% - 60%, bởi vậy việc đưa đồng vốn tín dụng chính sách đến với người dân đã khó, để nguồn vốn phát huy hiệu quả lại càng khó khăn hơn; đồng thời việc cho vay giảm nghèo vừa rất cấp bách vừa mang tính lâu dài. Xác định được điều đó, NHCSXH tỉnh Điện Biên đã đặc biệt quan tâm đến chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS đặc biệt khó khăn, ưu tiên vốn phục vụ phát triển những vật nuôi, cây trồng có thế mạnh của địa phương; gắn cho vay sản xuất nông, lâm nghiệp với xây dựng nông thôn mới.

Trong suốt quá trình liên tục chuyển tải các chương trình tín dụng chính sách trên, đơn vị đã tranh thủ mọi nguồn vốn được Trung ương cấp, từ ngân sách tỉnh, huyện chuyển sang, kể cả việc huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo để đưa trực tiếp đến tận tay các đối tượng được thụ hưởng. Hầu hết hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS trên vùng cao biên giới Điện Biên có đủ điều kiện và có nhu cầu đều được vay vốn thuận lợi, nhanh chóng.

Hiện tại gần 66% số hộ gia đình nơi vùng cao biên giới Điện Biên là đối tượng của NHCSXH. Những hộ vay vốn chính sách còn được cán bộ NHCSXH kết hợp cùng chính quyền, các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn, bản tận tình hướng dẫn, động viên cách thức sử dụng vốn vay thâm canh đồng ruộng, phát triển chăn nuôi. Đơn cử như ông Lý Văn Tên, dân tộc Kháng ở bản Nà Khoa 1, xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ thuộc diện hộ nghèo từ thuở quê hương ông còn ở tít trong khe núi của huyện Mường Nhé, nhưng đến đầu năm vừa rồi, lần đầu tiên gia đình ông thoát hẳn cảnh “bữa đói, bữa no”. Giấc mơ thoát nghèo trở thành hiện thực của ông Tên bắt đầu từ việc cán bộ NHCSXH đến vận động gia đình vay vốn đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản. Nhờ 30 triệu đồng vốn chính sách hộ nghèo, tài sản của ông ngày một đa dạng với đàn trâu lẫn nghé 8 con, ao thả cá gần 300m2 và một đồi rừng keo xanh bát ngát chuẩn bị vào mùa khai thác.

Gia đình anh chị Giàng Quán Tề ở bản Nà Khoa 1, xã Nà Khoa vay vốn ưu đãi chăn nuôi trâu và đào ao thả cá, nay đã thoát nghèo bền vững

Gia đình ông Lý Văn Tên ở bản Nà Khoa 1, xã Nà Khoa vay vốn ưu đãi chăn nuôi trâu và đào ao thả cá, nay đã thoát nghèo bền vững

Cũng như gia đình ông Tên, gia đình anh Giàng Quán Tề, dân tộc Mông ở bản Huổi Ngân, xã Nà Khoa cũng từ nguồn vốn chính sách mà nuôi lợn giống, trồng bắp lai xây được nhà mới. Giữa năm 2011, gia đình được xét ra khỏi danh sách hộ nghèo, nhưng vẫn cần vốn để làm ăn, bởi vậy ngay sau khi có chính sách cho hộ mới thoát nghèo vay vốn chính sách thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, anh Tề cùng 8 hộ nữa trong bản là khách hàng đầu tiên được tiếp cận nguồn vốn với số tiền lên đến 50 triệu đồng, để chủ động làm chuồng trại nuôi thêm lợn nái và mua con giống tốt phát triển đàn dê 47 con, tăng nguồn thu nhập cho gia đình.

Đến tháng 6/2016, tổng dư nợ của chi nhánh đạt gần 2.100 tỷ đồng, hoàn thành hơn 94% kế hoạch tín dụng được giao. Nguồn vốn tín dụng của NHCSXH tỉnh Điện Biên thời gian qua đã giúp cho trên 256 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn để SXKD, thu hút tạo việc làm cho trên 80 nghìn lượt lao động, giúp gần 15 nghìn HSSV được vay vốn đi học, xây dựng 5.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 13 nghìn ngôi nhà ở cho hộ nghèo… góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 đến 4%.

Về phương hướng hoạt động từ nay đến cuối năm 2016, Giám đốc Đàm Xuân Triệu thông tin, đơn vị sẽ phấn đấu giảm nợ quá hạn xuống mức dưới 0,5% tổng dư nợ. Song song đó, tiếp tục tranh thủ, tận dụng mọi nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn và các chương trình tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh, an ninh xã hội trên vùng cao biên giới phía bắc của Tổ quốc.

Bài và ảnh Lê Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác