Niềm mong ước cuối đời của người mẹ liệt sĩ
“Mẹ mừng quá, vậy là không phải lo bớt tiền Nhà nước cho hàng tháng để trả nợ dần nữa. Hôm qua, mới có bà hàng xóm sang hỏi, mẹ hẹn ít hôm nữa mới có tiền trợ cấp về. Người ta hỏi, mình áy náy quá vì nợ đã hơn một năm mà trả vẫn chưa hết được”, mẹ cười móm mém, đôi mắt sáng giữa muôn vàn vết chân chim khi nhận món quà 5 triệu đồng do cán bộ NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh trao tặng.
Mẹ Hoàng Thị Xem sinh được 4 người con, trong đó chỉ có một người con trai duy nhất là Nguyễn Văn Huy, sinh năm 1959. Năm 1977, Nguyễn Văn Huy lên đường nhập ngũ vào chiến trường Tây Ninh tham gia cuộc chiến tranh biên giới khi mới tròn 18 tuổi. Chỉ hai năm sau, gia đình đau đớn nhận giấy báo tử với dòng thông tin “liệt sĩ hy sinh ở Bến Sỏi - Tây Ninh”.
Chôn chặt nỗi đau, tự động viên mình là con trai đã ngã xuống vì độc lập của đất nước, cho cuộc sống thanh bình của quê hương, ông bà cố gắng lao động nuôi 3 con gái trưởng thành. Hàng chục năm đằng đẵng trôi đi, chưa thực hiện được mong mỏi tìm được nơi yên nghỉ của con trai, ông lâm bệnh qua đời sớm. Tâm nguyện chưa thành của ông và nỗi đau đáu một ngày đưa con về an nghỉ tại quê hương vẫn chập chờn trong những giấc ngủ tuổi già của người mẹ liệt sĩ.
Năm 2012, sau nhiều lần gia đình thu nhập thông tin, mẹ Xem cùng con gái (đang sống ở tỉnh Đắk Lắk) tìm vào Tây Ninh. Ba tháng đi khắp các nghĩa trang liệt sĩ trên vùng đất mang nhiều dấu tích của cuộc chiến tranh biên giới, cuối cùng, mẹ đã đặt chân đến vùng đất con trai yên nghỉ. Niềm hạnh phúc và nỗi đau chưa hề vơi cạn khiến người mẹ già tuổi 90 khụy ngã khi chạm được đôi tay nhăn nheo vào phần mộ của đứa con trai duy nhất. Rồi quyết tâm đưa bằng được di hài con về quê hương lại khiến mẹ khỏe lại và gần 4 năm tiếp đó là những ngày mẹ tằn tiện tiền trợ cấp, gom góp số tiền đóng góp của gia đình các con gái, tính toán phương án thực hiện bằng được ước nguyện cuối đời.
Tháng 3/2015, gia đình mẹ Xem lên đường vào Nghĩa trang liệt sĩ Thành Long ở huyện Châu Thành (Tây Ninh) cất bốc phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Huy về an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài (Hà Tĩnh). “Tổng số tiền chi phí hơn 30 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 3,5 triệu đồng, gia đình góp được gần 20 triệu đồng, rồi bà con hỗ trợ thêm một ít. Số tiền còn thiếu mẹ vay xóm làng. Một năm qua, mẹ bớt tiền ăn tiêu mỗi tháng vài trăm ngàn để trả nhưng số tiền ít quá nên mới lo được một phần nhỏ. Còn nợ gần 5 triệu đồng, mẹ luôn phấp phỏng lo tuổi già có mệnh hệ gì mà chưa trả hết nợ thì tội cho vong hồn của con trai mẹ. May trời thương, hôm trước, nhân ngày thương binh, liệt sĩ, có Đoàn cán bộ ngân hàng vào thăm, nghe chuyện mẹ kể đã về góp tiền, hôm nay lại quay về tặng mẹ 5 triệu đồng. Mẹ mừng mà khỏe hẳn ra”, mẹ Xem cười nói.
Ngôi nhà nhỏ của mẹ, chỉ có chiếc bàn thờ - nơi đặt bài vị của chồng và con trai là đáng giá. Mặc dù đã được địa phương 2 lần tu sửa nhưng do hệ thống cột, kèo bằng gỗ đã sử dụng quá lâu, mối mọt ăn gần hết nên không thể yên tâm khi mưa to, gió lớn. “Tháng trước, có lần rơi mất thanh xà ngang, may lúc đó mẹ không ở trong nhà. Mẹ cũng chẳng dám đề xuất gì vì muốn làm nhà mới, ngoài chế độ của Nhà nước phải có tiền gia đình góp thêm. Trong khi đó, các con mẹ nghèo, chẳng có tiền giúp nữa. Mẹ chưa yên tâm vì ngôi nhà làm chốn thờ tự chồng, con chẳng còn vững chãi…”, mẹ Xem xúc động nói.
Năm nay đã 93 tuổi, mẹ Xem vẫn còn minh mẫn, vẫn tự chăm sóc bản thân. Gặp mẹ Xem trong chuyến đi cùng NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đến tặng món quà tri ân, dẫu cảm thấy tình người ấm áp và niềm vui đang sáng lên trên nét mặt già nua, nhưng câu chuyện của mẹ kể vẫn chất chứa nỗi niềm, khiến chúng tôi day dứt, băn khoăn…
Bài và ảnh Mai Thủy
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Điểm tựa giúp dân thoát nghèo
- » Khi nước sạch về bản vùng cao
- » Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Phụ nữ
- » Hạn chế chồng chéo trong chính sách giảm nghèo
- » Tín dụng chính sách nhìn từ sự cố Formosa
- » Tín dụng chính sách góp phần phát triển kinh tế du lịch ở Cần Thơ
- » Vốn chính sách ở vùng cao Bắc Yên
- » Phát triển kinh tế theo nhóm trên vùng đất khó
- » Giúp dân vùng khó làm giàu
- » Đổi nghề, nhớ biển