“Cứu cánh” của nông hộ vùng khó khăn
Đồng hành với nông dân
Chúng tôi gặp CCB Nguyễn Thị Lan ở ấp Cần Dực, xã Lộc Thành trong niềm vui khi được vay vốn ưu đãi. Các con của bà Lan đã lập gia đình và ra ở riêng, xét hoàn cảnh của vợ chồng bà mong có vốn để nuôi dê, Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội CCB ấp Cần Dực quản lý đã đề xuất với NHCSXH và gia đình bà được vay 20 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Có tiền mua con giống, con cháu của bà phụ lấy lá keo hàng ngày để nuôi dê hiệu quả.
Ông Lê Anh Phiến ở tổ 1, ấp Tân Bình 1, xã Lộc Thành dẫn chúng tôi đi thăm vườn tiêu đã hồi sinh trong 2 tháng đầu mùa mưa. Gia đình ông có kinh nghiệm trồng tiêu trên 20 năm. Nhờ thu nhập từ vườn tiêu mà vợ chồng ông có điều kiện nuôi 3 con ăn học nay đã có việc làm ổn định. Năm 2014, được vay 10 triệu đồng nên gia đình ông đầu tư mua phân bón chăm sóc vườn tiêu. Năm 2015, gia đình ông tiếp tục được vay 30 triệu đồng nên đã trồng thêm 230 trụ tiêu. “Nếu không có vốn vay ưu đãi thì không chỉ gia đình tôi mà rất nhiều hộ muốn đầu tư vào hồ tiêu đều phải vay tư nhân với lãi suất cao, sẽ rất khó khăn trong phát triển kinh tế hộ”, ông Phiến khẳng định.
Gia đình ông Vũ Huy Hùng và bà Phạm Thị Huệ ở tổ 7, ấp Măng Cải, xã Lộc Thiện đang tất bật chuẩn bị xuống giống hồ tiêu. Ông Hùng quê ở Ninh Bình vào biên giới Lộc Thiện lập nghiệp từ năm 1997. Năm 2003, ông được NHCSXH cho vay vốn ưu đãi hộ nghèo 5 triệu đồng và năm 2005 đã thoát nghèo và xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Cần cù lao động và giữ uy tín khi đến hạn trả lãi, gốc đúng kỳ hạn nên gia đình ông tiếp tục được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng. Cộng với vốn tiết kiệm, gia đình ông trồng thêm 150 trụ tiêu và nuôi dê để lấy phân bón. Từ 5 sào đất ngày đầu lập nghiệp nhờ vốn vay ưu đãi, nay gia đình ông có kinh tế khá với 1,5ha điều, 500 trụ tiêu, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nguồn vốn vay được đảm bảo an toàn
Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Phước, Trương Thanh Dũng đánh giá hoạt động cho vay của NHCSXH huyện Lộc Ninh có hiệu quả cao nhất tỉnh cả về nguồn vốn và dư nợ cho vay. Tính đến hết tháng 6/2016 dư nợ cho vay của NHCSXH huyện Lộc Ninh là 238 tỷ đồng, với trên 12 nghìn hộ được vay vốn; nợ quá hạn chỉ chiếm 0,32% tổng dư nợ.
Giám đốc NHCSXH huyện Lộc Ninh, Phan Thị Tầm thông tin, huyện có 109km đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia, có 7 xã biên giới. Các hộ sinh sống ở vùng biên đa phần là nghèo, đồng bào DTTS tại chỗ hoặc là di cư từ các tỉnh khác đến lập nghiệp nên rất cần vốn để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vốn vay ưu đãi mà hàng nghìn hộ không bị tín dụng “đen” lãi suất cao bủa vây. Đến nay, dư nợ cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đạt 49 tỷ đồng. NHCSXH hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng phải đảm bảo an toàn nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ chính trị trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Để nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý thu hồi nợ quá hạn đạt hiệu quả, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo xã, thị trấn và các hội, đoàn thể giải pháp tích cực, hữu hiệu giảm nợ quá hạn. NHCSXH huyện thường xuyên phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác và tổ thu hồi nợ các xã, thị trấn, Tổ tiết kiệm và vay vốn đôn đốc, xử lý thu hồi nợ quá hạn, nợ xâm tiêu, lãi tồn đọng. Nhờ đó, không có nợ xâm tiêu mới phát sinh, lãi tồn đọng của các năm trước cơ bản được thu hồi dứt điểm.
Theo Báo Bình Phước
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Liều “thần dược” tiếp sức hộ mới thoát nghèo ở Bạc Liêu
- » Để tín dụng chính sách phát huy hiệu quả
- » Hơn 8.400 hộ mới thoát nghèo của Nghệ An được vay vốn phát triển sản xuất
- » Đồng hành cùng HSSV nghèo vượt khó
- » Nối dài cánh tay cơ sở
- » Khi có đồng vốn trong tay
- » Chuyện giảm nghèo của Phường 11
- » Tiếp tục hỗ trợ vốn cho ngư dân chuyển đổi sản xuất
- » Xã Đạo Trù thoát khỏi danh sách “135”
- » Khơi thông dòng chảy vốn ưu đãi