Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng tạo sinh kế và giảm nghèo bền vững

06/09/2016
(VBSP News) Việc đầu tư tín dụng chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức về hiệu quả kinh doanh trong nông - lâm nghiệp vẫn còn thấp; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn yếu; nguồn vốn để thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn chủ yếu là cấp từ Trung ương, huy động vốn trên địa bàn thấp chỉ đạt khoảng 2%; hoạt động tín dụng chính sách còn nhiều khó khăn,... Đây là chia sẻ của đồng chí Triệu Đình Lê - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng (ảnh dưới) về hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn thời gian qua. VĂN THĂNG thực hiện

image001

Phóng viên: Thưa đồng chí! Cùng với các chính sách chung của Đảng, Nhà nước thì tín dụng chính sách có vai trò quan trọng như thế nào đối với công cuộc giảm nghèo bền vững của tỉnh Cao Bằng?

Trả lời: Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND cùng với sự giúp đỡ của NHCSXH Việt Nam, sự nỗ lực, chủ động của NHCSXH tỉnh Cao Bằng, các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã thực sự góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương. Điều này được thể hiện khi NHCSXH tỉnh đi vào hoạt động từ năm 2003 đến nay, tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng tạo sinh kế, giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân. Hiện có gần 63 nghìn hộ gia đình trên địa bàn đang được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ 2.026 tỷ đồng, tăng 1.929 tỷ đồng so với khi mới thành lập. Tín dụng chính sách đã giúp gần 41 nghìn hộ thoát nghèo; thu hút trên 42,2 nghìn lao động có việc làm; hơn 29,7 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng được 30,4 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, 5.471 căn nhà cho hộ nghèo… Đây là những con số chứng minh cho tính hiệu quả và tầm quan trọng của tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS.

Tôi cho rằng, chương trình tín dụng chính sách những năm qua đối với Cao Bằng thực sự là một trong những nguồn lực quan trọng và là một trong những giải pháp thiết yếu giúp địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách thực hiện giảm nghèo, nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Phóng viên: Theo đánh giá của đồng chí, nguồn vốn ưu đãi được NHCSXH thực hiện đã đáp ứng nhu cầu cho người nghèo chưa và họ mong muốn điều gì?

Trả lời: Cao Bằng là địa phương còn nhiều khó khăn. Vì vậy nguồn lực để phát triển vẫn còn hạn chế, nguồn lực tại chỗ vẫn còn ít. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân nguồn lực vẫn còn khó khăn. Vì vậy, đây cũng là mong muốn chung của tỉnh cũng như bà con nông dân, của hộ nghèo và các đối tượng chính sách là được tăng thêm nguồn lực từ chương trình này. Đối với các hộ đi vay theo diện này cũng mong được tăng thêm định mức cho vay. Đặc biệt, đối với thủ tục vay tiếp tục được cải tiến, thuận lợi hơn nữa cho bà con, vì trình độ dân trí của bà con còn thấp nên thủ tục vay càng đơn giản bao nhiều thì bà con càng thuận lợi bấy nhiêu.

Đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng tích cực vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi đại gia súc

Đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng tích cực vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi đại gia súc

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết sự phối hợp giữa Ban chỉ đạo Tây Bắc với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cao Bằng và NHCSXH trong chỉ đạo, giám sát thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội?

Trả lời: Ban chỉ đạo Tây Bắc đã quan tâm phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền tỉnh và NHCSXH trong công tác chỉ đạo, giám sát thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Chương trình hành động số 58-CTr/TU để triển khai thực hiện Chỉ thị; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 452/QĐ-UBND về triển khai thực hiện Chỉ thị số 40. Các hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn đều được cấp ủy, chính quyền và các ngành quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và tích cực phối hợp triển khai thực hiện, kiểm tra giám sát nên hoạt động của NHCSXH trên địa bàn đạt được kết quả đáng ghi nhận, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị giao.

Phóng viên: Trong quá trình phối hợp triển khai có những khó khăn cần kiến nghị như thế nào để chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt kết quả tốt hơn, thưa đồng chí?

Trả lời: Việc đầu tư tín dụng chính sách xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức như hiệu quả kinh doanh trong nông - lâm nghiệp vẫn còn thấp trong bối cảnh các sản phẩm nông nghiệp đang ngày càng phải cạnh tranh gay gắt; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn yếu… Một số điểm khó khăn, hạn chế đang ảnh hưởng tới kết quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn như nguồn vốn để thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn chủ yếu là cấp từ Trung ương, huy động vốn trên địa bàn thấp chỉ đạt khoảng 2%; hoạt động tín dụng chính sách còn nhiều khó khăn, thiếu nguồn vốn, thiếu cơ chế, chính sách cụ thể. Đầu tư vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, biến đổi khí hậu.

Để tín dụng chính sách đạt kết quả tốt hơn cần tăng cường hỗ trợ từ ngân sách và nhiều nguồn tài chính đầu tư khác. Bên cạnh đó, địa phương cũng phải chủ động trong việc liên kết sản xuất, tạo giá trị gia tăng cao hơn. Về phía NHCSXH để đẩy mạnh hơn nữa việc cung ứng nguồn vốn, cần phải xác định rõ việc đầu tư cho vùng, nhất là đầu tư vào các mô hình sản xuất hàng hóa lớn là tất yếu. Từ đó mở rộng các sản phẩm dịch vụ tài chính, tăng cường các biện pháp chia sẻ rủi ro với người vay, tăng quyền cho hộ vay,…

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác