Tín dụng ưu đãi nơi Thủ đô gió ngàn

31/08/2016
(VBSP News) Đồng vốn ưu đãi của Chính phủ được ví như chữ tình, tính nhân văn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Đồng vốn ưu đãi đồng hành cùng người nghèo trên quê hương Cách mạng

Đồng vốn ưu đãi đồng hành cùng người nghèo trên quê hương Cách mạng

Thủ đô gió ngàn Tuyên Quang - nơi ghi lại những sự kiện lịch sử hào hùng của ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nơi đây cũng gắn với truyền thống lịch sử, là “quê hương” của ngành Ngân hàng mà những người con trong Ngành luôn nhớ và khắc ghi.

Trên tấm Bia di tích lịch sử ngành Ngân hàng tại thôn Tân Thành, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) có ghi: “Ngày 06/5/1951, tại Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam”.

Từ lịch sử hào hùng của mảnh đất Thủ đô kháng chiến gió ngàn, những người làm ngân hàng luôn dành sự quan tâm tới Tuyên Quang không chỉ bằng nguồn vốn tín dụng đầu tư để xây dựng các công trình lớn mà còn bằng các khoản tín dụng chính sách, món vay nhỏ để giúp đồng bào DTTS có vốn SXKD mang lại cuộc sống ấm no.

Chắc hẳn ai đến với mảnh đất này đều cảm nhận được những khó khăn, gian nan vất vả, từ đường sá đến điều kiện tự nhiên. Là một tỉnh miền núi gồm 23 dân tộc anh em cùng sinh sống, có tổng diện tích tự nhiên hơn 586.732ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 81.633,5ha, chiếm 14%, đất lâm nghiệp 48.501,8ha, chiếm 8,26% tổng quỹ đất của toàn tỉnh, Tuyên Quang còn có 106 xã thuộc vùng khó khăn; địa giới hành chính bị chia cắt bởi địa hình khá phức tạp chủ yếu là đồi núi, do đó đã tác động không nhỏ đến đời sống, sản xuất của nhân dân, đặc biệt là mùa mưa thường gây lụt lội và lũ quét… Hệ thống giao thông cơ bản được xây dựng và củng cố, tuy nhiên hàng năm vẫn bị sạt lở vào mùa mưa, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa.

Chia sẻ với chúng tôi về công tác tín dụng ưu đãi, bà Lê Thị Phí Hà - Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong điều kiện đời sống người dân như vậy, ngân hàng luôn tạo điều kiện tốt nhất để bà con được vay vốn ưu đãi. Dư nợ cho vay của NHCSXH tăng đều, mức cho vay bình quân/hộ qua các năm đã được tăng lên. Năm 2010 mức cho vay bình quân/hộ là 9,7 triệu đồng; đến năm 2015 tăng lên 18 triệu đồng/hộ.

Các hộ nghèo và các đối tượng chính sách nhờ có nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, cuộc sống nay đã khác, vươn lên thoát nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo qua các năm giảm nhanh và bền vững, cho đến nay toàn tỉnh không còn hộ đói, SXKD của các hộ trước đây mang tính tự cung tự cấp, đến nay đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Thành công này, bên cạnh nỗ lực của ngân hàng, còn có sự chỉ đạo sát sao của địa phương. Theo Phó Giám đốc phụ trách, Lê Thị Phí Hà chia sẻ, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban đại diện HĐQT các cấp, sự đón nhận và đồng tình ủng hộ của người nghèo và các đối tượng chính sách, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của tập thể cán bộ, viên chức trong toàn chi nhánh, từ đó thực hiện tốt mục tiêu của địa phương về phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần ổn định an ninh chính trị trên địa bàn.

Theo báo cáo, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến hết nay đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2015.

Nếu chỉ nhìn vào những con số trên thì chưa diễn tả được hiệu quả của đồng vốn ưu đãi, do đó chúng tôi tiếp tục hành trình “đi xã” - câu nói quen thuộc của các cán bộ ngân hàng vùng cao. Được biết đến là vùng đất trồng cam nổi tiếng nhưng bên cạnh những vườn cam trĩu quả cũng còn những mô hình chăn nuôi hiệu quả khi đến huyện Hàm Yên. Đi qua những cung đường ngoằn ngoèo chúng tôi đến với xã Thành Long  - một trong những xã nghèo khó nhất của huyện. Thành Long có hơn 900 hộ, với 6.000 khẩu, người dân tộc Cao Lan chiếm tới 70% dân số của xã, còn lại là dân tộc Kinh, Tày và Hoa.

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của xã đều chú trọng tới việc hỗ trợ người nghèo vay vốn, SXKD để thực hiện giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, từ khi NHCSXH huyện được thành lập, công tác cho vay tại xã đã giúp bà con tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, tạo điều kiện cho các tổ, nhóm vay vốn mở rộng sản xuất, chăn nuôi và trồng rừng. Nhiều hộ trước kia chỉ nuôi vài ba con lợn nhưng từ khi được vay nguồn vốn ưu đãi đã phát triển thành đàn hàng chục, thậm chí hàng trăm con.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thuật ở thôn Loa bắt đầu “làm quen” với nguồn vốn vay ưu đãi từ năm 2007. “Lần đầu tiên cầm đồng vốn trong tay mà trong lòng xúc động, mắt rưng rưng”, ông Thuật tâm sự. Với đồng vốn được vay lúc đó 6 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo, ông Thuật mua ngay 1 con trâu giống. Với sự chịu thương, chịu khó, chăm sóc tốt cho “đầu cơ nghiệp”, từ 1con trâu được sinh sôi nảy nở, nhân giống, đến nay gia sản của ông Thuật đã có hơn 10 con trâu, tính sơ sơ mỗi con cũng có giá hơn 30 triệu đồng. Ngoài ra, với “đồng vốn mồi” của NHCSXH gia đình ông còn làm được nhà kiên cố, mua được máy cày để cày ruộng nương của gia đình và cày thuê cho nhiều hộ trong thôn.

Nói về đồng vốn vay, ông Thuật tâm sự: nếu không có vốn thì gia đình không biết xoay sở ra sao, sẽ lại sống trong cảnh nghèo khó. Bởi người dân chúng tôi, trước đây chủ yếu đi làm thuê, làm mướn ở nhiều nơi, hết việc là hết tiền, nhưng khi có nguồn vốn vay, được Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức hội, đoàn thể tiếp thêm sức mạnh, gia đình tôi đã vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Mỗi đồng vốn tín dụng ưu đãi được bà con ở mỗi vùng miền sử dụng cho những mô hình và tập quán chăn nuôi khác nhau, nhưng trên hết đó là sự hiệu quả và ở mảnh đất Tuyên Quang đã chứng minh điều đó. Rời xã Thành Long, huyện Hàm Yên, rời Tuyên Quang trong một chuyến đi tìm hiểu về tín dụng ngân hàng, tôi còn nhớ như in những lời tâm sự của đồng chí Chẩu Văn Lâm, Uỷ viên BCH TW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang về ngành Ngân hàng trên quê hương Cách mạng. Đó là bên cạnh dòng vốn tín dụng đến với các doanh nghiệp, dòng vốn tín dụng còn được mở rộng đến 100% các xã trong tỉnh, đặc biệt là dòng vốn chính sách của Chính phủ được NHCSXH triển khai thực hiện. Vốn tín dụng chính sách đã cho vay tới 105 nghìn hộ, góp phần giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Đây cũng chính là chữ tình, tính nhân văn trong hoạt động của hệ thống Ngân hàng hiện nay trong việc thực hiện chủ trương nhân văn của Đảng và Nhà nước.

Bài và ảnh Ngọc Cảnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác