Tín dụng chính sách ở vùng núi non Cao Bằng
Vùng cao nguyên đá vôi này rộng hơn 6.700 km2 và có đến 333km đường biên giới vốn được xem là nơi nghèo nhất và nằm ở vị trí cuối bảng về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh so với 63 tỉnh, thành trong cả nước. Cụ thể đến nay, Cao Bằng vẫn còn tới 6 huyện nghèo nhất nước, có tới 2/3 tổng số xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS nghèo chiếm tới 31%.
Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút sự đầu tư trong, ngoài nước, tập trung mọi nguồn lực khai thác, phát huy lợi thế của địa phương, đồng thời đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư tín dụng, khoa học kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Đồng chí Triệu Đình Lê - Phó Bí thư Thường trực tỉnh uỷ Cao Bằng cho biết: “Nhìn một cách tổng thể và khách quan nhất, gần 14 năm hoạt động, tín dụng chính sách được NHCSXH tỉnh Cao Bằng thực hiện đã đạt được những kết quả rất thiết thực, góp phần quan trọng về giảm nghèo, tạo việc làm trên địa bàn. Nguồn vốn hàng năm đều được tăng, với 10 chương trình cho vay và tổng dự nợ đến nay đạt trên 2.000 tỷ đồng. Hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đều được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận dễ dàng nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Đặc biệt thời gian gần đây, các cấp các ngành trong tỉnh Cao Bằng đã quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng chính sách xã hội; đồng thời tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của Ban chỉ đạo Tây Bắc cùng NHCSXH Việt Nam nên tín dụng chính sách ở Cao Bằng đã và đang tạo nên bước chuyển biến rõ rệt. Các cấp uỷ, chính quyền cùng các Sở, ngành và hội, đoàn thể đã quan tâm sâu sát, cụ thể hơn đến hoạt động của NHCSXH trên từng địa bàn như cấp đất, chuyển giao nhà dôi dư để NHCSXH sửa chữa, xây mới trụ sở làm việc; đồng thời chuyển một phần ngân sách qua NHCSXH để thực hiện tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay”.
Có thể nói những người làm tín dụng chính sách ở tỉnh Cao Bằng đã luôn bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cùng sự chỉ đạo của ngành, kiên trì giải ngân 2.026 tỷ đồng vốn ưu đãi của Chính phủ tới tận tay đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao…
Thông qua mạng lưới Điểm giao dịch tại xã, người nghèo ở Cao Bằng đã được vay vốn ưu đãi dễ dàng và cán bộ tín dụng cũng có địa bàn vững chắc để thực thi nhiệm vụ “3 cùng”: Cùng bám sát cơ sở; Cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn; Cùng hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.
Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ đồng bào DTTS ở vùng đất khó biên cương Hà Quảng, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Bảo Lạc, Bảo Lâm… không chỉ thoát nghèo mà còn lựa chọn làm một số loại hình kinh tế gia đình phù hợp, phát triển đàn gia súc, gia cầm, thâm canh các loại cây trồng, mở mang ngành nghề ở nông thôn. Công sức và sự đổi mới công tác của những cán bộ tín dụng vùng cao bỏ ra không uổng phí, góp phần giúp hơn 40 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút 42 nghìn lao động có việc làm ổn định, xây dựng được 30.475 công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn, làm mới 5.421 ngôi nhà ở vững chãi,…
Tiêu biểu ở xã Đoài Côn, nằm sát vành đai biên giới Việt Trung, nơi sinh sống của 100% hộ gia đình người dân tộc Tày, Nùng đã được NHCSXH huyện Trùng Khánh cho vay 12 tỷ đồng của 8 chương trình tín dụng. Gia đình chị Hoàng Thị Dung ở xóm Lũng Lo được vay tới 3 lần vốn đầu tư nuôi bò thịt, lợn nái và khơi thông nguồn nước phục vụ ruộng lúa, vườn rau để đến nay đạt mức thu nhập ngót 100 triệu đồng, thoát nghèo bền vững, xây được căn nhà 3 gian thoáng đãng.
Cũng ở vùng rẻo cao núi đá xa xôi này, còn có anh Nông Văn Đàn, chị Trương Thị Phèn sử dụng vốn vay của NHCSXH huyện Trùng Khánh mua giống con tốt, làm chuồng trại kiên cố trong lèn đá, nuôi đến cả trăm con dê. Đồng vốn sinh sôi, chăn nuôi, trồng trọt phát triển giúp cho hàng chục hộ thôn Pác Thàn có của ăn, của để, tạo được cuộc sống no đủ.
Trên vùng biên thuỳ Cao Bằng xa xôi, rộng lớn ngày nay, tín dụng chính sách đã được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm sâu sát hơn, các ban ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn, người nghèo và các đối tượng chính sách thêm tin yêu và nhu cầu vay vốn nhiều hơn. NHCSXH từ tỉnh đến huyện vẫn tiếp tục huy động nguồn vốn, đổi mới công tác đầu tư tín dụng, tập trung và ưu tiên cho vay có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn đối với việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, mở mang ngành nghề ở khu vực nông thôn, tạo ra sản phẩm hàng hóa giá trị và giảm nghèo nhanh, bền vững thực sự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở tỉnh vùng biên.
Bài và ảnh Xuân Dư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vốn vay ưu đãi giúp người khuyết tật vươn lên
- » Cho vay giải quyết việc làm - tiếp sức thanh niên lập nghiệp
- » Bước chuyển mình tích cực ở huyện nghèo Sơn Động
- » Người vùng cao “ưng bụng, ấm thân”
- » Tín dụng chính sách ở Thừa Thiên - Huế
- » Quản lý vận hành ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống NHCSXH
- » Đổi thay trên vùng ATK Yên Sơn
- » Tọa đàm trực tuyến về tín dụng chính sách đối với HSSV
- » “Phao” cứu sinh cho hộ dân vùng khó
- » Xuân Giao phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi