Cho vay giải quyết việc làm - tiếp sức thanh niên lập nghiệp
Từ nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Đăk Tô, năm 2015, 10 đoàn viên thanh niên ở xã Văn Lem vay 200 triệu đồng để phát triển mô hình “Tổ chăn nuôi bò sinh sản”. Ngoài ra, những đoàn viên này còn được UBND xã Văn Lem hỗ trợ về giống cỏ, vật liệu để làm chuồng trại, kỹ thuật thú y. Sau gần một năm chăm sóc từ quy mô 10 con bò, đến nay đã phát triển lên 16 con, tạo ra cơ hội cho các đoàn viên thanh niên vươn lên thoát nghèo bền vững. Bí thư Đoàn xã Văn Lem, Chi Y Thủy nói: “Xã Đoàn đã lựa chọn những thanh niên ưu tú, có việc làm ổn định, tuyên truyền, lựa chọn làm cam kết để đăng ký vay vốn giải quyết việc làm. Từ tháng 9/2015 đã mang lại hiệu quả tốt”.
“Xã đã tạo điều kiện hỗ trợ giống cỏ cho gia đình tôi trồng. Vợ chồng tôi cũng có trách nhiệm chăm sóc bò cho tốt để phát triển kinh tế gia đình. Bò nuôi được 2 năm tuổi thì sẽ bán được và có lãi. Mình vay tiền phải có trách nhiệm trả cho ngân hàng”, Chị Y Đas - một hộ nuôi bò của mô hình này nói.
Nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên, đặc biệt là thanh niên khu vực nông thôn, đồng bào DTTS phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua các cấp bộ Đoàn ở Kon Tum đã nhận ủy thác cho gần 9.000 đoàn viên thanh niên vay vốn ưu đãi của NHCSXH thông qua 254 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Song song với việc nhận ủy thác, các cơ sở Đoàn còn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của đoàn viên thanh niên ở từng tổ, từng hộ gia đình, bảo đảm sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Kon Tum, Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: “Dư nợ ủy thác qua tổ chức Đoàn Thanh niên khoảng 250 tỷ đồng, với gần 9.000 hộ còn dư nợ. Việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đã giải quyết được công ăn việc làm cho đoàn viên thanh niên, phục tốt cho mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới hiện nay”.
Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều đoàn viên thanh niên nghèo, cận nghèo đã có điều kiện phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đưa các giống mới năng suất cao vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tạo thêm việc làm cho gia đình. Đặc biệt, nhiều đoàn viên thanh niên nghèo từ làm ăn nhỏ lẻ đã phát triển trở thành các chủ trang trại có quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, thu hút nhiều lao động và tạo việc làm ổn định, không chỉ xóa nghèo cho mình mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều đoàn viên thanh niên khác thoát nghèo.
Anh Huỳnh Quốc Huy - Bí thư Tỉnh Đoàn Kon Tum cho biết: “Trong tham gia phát triển kinh tế ở nông thôn, Tỉnh Đoàn tập trung tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ về trồng trọt và chăn nuôi cho đoàn viên thanh niên. Đẩy mạnh tín chấp cho thanh niên vay vốn để tham gia phát triển kinh tế; khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên. Đến nay đã thành lập và duy trì hiệu quả 5 tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên phát triển kinh tế, góp phần tạo việc làm ổn định cho thanh niên trên địa bàn tỉnh”.
Sự phối hợp giữa Đoàn Thanh niên với NHCSXH về uỷ thác vốn vay ưu đãi đã phát huy hiệu quả, ngày càng được nhân rộng và trở thành điểm tựa vững chắc giúp đoàn viên thanh niên vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Đức Thắng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vốn vay ưu đãi giúp người khuyết tật vươn lên
- » Bước chuyển mình tích cực ở huyện nghèo Sơn Động
- » Người vùng cao “ưng bụng, ấm thân”
- » Tín dụng chính sách ở Thừa Thiên - Huế
- » Quản lý vận hành ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống NHCSXH
- » Đổi thay trên vùng ATK Yên Sơn
- » Tọa đàm trực tuyến về tín dụng chính sách đối với HSSV
- » “Phao” cứu sinh cho hộ dân vùng khó
- » Xuân Giao phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » “Tích tiểu thành đại”