Đi lên từ gian khó

31/08/2016
(VBSP News) Từ một hộ nghèo khó lâu năm của thôn Nam Thái, xã Nam Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình), nhưng với ý chí quyết tâm làm giàu bằng được từ nguồn vốn nhỏ, bà Phạm Thị Hải đã gây dựng nên cơ ngơi được ví như “nông trường thu nhỏ” với nhiều loại cây trái đặc sản của địa phương, mang lại thu nhập cả trăm triệu mỗi năm cho gia đình.
Bà Phạm Thị Hải dẫn chúng tôi đi thăm diện tích cam mới trồng

Bà Phạm Thị Hải dẫn chúng tôi đi thăm diện tích cam mới trồng

Đúng 12 năm trước, gia đình bà Phạm Thị Hải còn là một trong số 258 hộ nghèo ở Nam Phong, một xã khó khăn trong 13 xã, thị trấn thuộc huyện miền núi Cao Phong (Hòa Bình). Khởi đầu với 2 sào đất vạt chân đồi trồng cây mía tím từ nguồn vốn vay chương trình hộ nghèo của NHCSXH, đến nay cơ ngơi của gia đình bà đã phát triển giống như một “nông trường thu nhỏ” với bao gồm 2.000m2 mía tím, 1.000m2 ngô lai, 500 cây cam đã thu hái hai năm qua và 2ha cam giống mới đang lên xanh tốt, cùng với chuồng gà, lợn đã tạo nguồn thu hàng năm cho gia đình lên đến ngót nghét 300 triệu đồng.

Bà Phạm Thị Hải đang chăm sóc vườn cam của gia đình

Bà Phạm Thị Hải đang chăm sóc vườn cam của gia đình

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh, thăm “nông trường nhỏ” của gia đình, bà Phạm Thị Hải kể rằng: “Năm 2005, ngay khi được vay 5 triệu đồng vốn ưu đãi, tôi liền mua hom cây giống, phân bón đủ trồng 2 sào mía. Nhờ số tiền vay kịp thời và cũng nhờ Hội Nông dân, Trạm khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, rồi có công sức chịu khó lao động của cả nhà, cây mía đã cho thu hoạch khá tốt, mở đường để gia đình thoát dần cảnh nghèo túng”.

Bà Hải còn cho biết, sau 9 năm cùng 3 lần được tiếp cận với nguồn vốn vay của NHCSXH huyện Cao Phong, từ lần đầu tiên vẻn vẹn 5 triệu đồng vay dành cho hộ nghèo đến 15 triệu đồng sau đó 3 năm và gần đây là 47 triệu đồng của chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, bà Hải đã sử dụng đồng vốn ưu đãi vào việc đầu tư phát triển kinh tế vườn đồi, chuyển diện tích cấy lúa một vụ sang trồng cây ăn quả có múi, kết hợp chăn nuôi gia súc gia cầm. Suốt thời gian qua, thông qua việc đọc báo, xem tivi, tham gia các lớp học tập huấn do đoàn thể và cơ quan khuyến nông tổ chức, mọi người trong gia đình bà Hải còn chịu khó, hăng hái ứng dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nhờ vậy kinh tế gia đình ngày thêm khấm khá, con cái có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, chồng bà cũng được tín nhiệm tham gia công tác xã hội với vai trò Trưởng thôn.

Ba năm trở lại đây, không còn là hộ nghèo và có cuộc sống no đủ hơn, bà Hải đã chủ động chia sẻ, giúp đỡ những bà con nghèo khó Trong thôn, ngoài xã bằng cách tận tình trao đổi kinh nghiệm sử dụng vốn vay ưu đãi vào sản xuất sao cho có hiệu quả, cũng như bán chịu không tính lãi nhiều cây, con giống tốt.

Hiện nay, mô hình sản xuất giỏi và sự đổi đời, thoát nghèo bền vững của bà Phạm Thị Hải đã được các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương lựa chọn nhân rộng. Bà con địa phương đã mắt thấy tai nghe, cùng học hỏi kinh nghiệm của gia đình bà về cách sử dụng vốn vay NHCSXH như thế nào cho có hiệu quả.

Ông Bùi Xuân Tươi - Chủ tịch UBND xã Nam Phong cho biết: “Hiện tại toàn xã có nhiều mô hình sản xuất tương tự như gia đình bà Phạm Thị Hải. Chúng tôi cũng đang phát động phong trào, tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng vốn ưu đãi tích cực đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu cây mía tím, cây cam Cao Phong”.

Bài và ảnh Hà Minh Đông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác