Đồng hành cùng hộ nghèo tại Chiêm Hóa

10/09/2016
(VBSP News) Những năm qua, NHCSXH huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã đồng hành cùng hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn, giúp họ có nguồn vốn để đầu tư phát triển SXKD vươn lên thoát nghèo bền vững.
Anh Đặng Văn Thăng ở thôn Tông Bình vay vốn chính sách mở xưởng cơ khí và sửa chữa xe máy

Anh Đặng Văn Thăng ở thôn Tông Bình vay vốn chính sách mở xưởng cơ khí và sửa chữa xe máy

Chủ tịch UBND xã Kim Bình, Đào Ngọc Vang cho biết, cùng với việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, mức sống cho nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Thực hiện mục tiêu này, trong những năm qua nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Chiêm Hóa được ví như là chiếc “phao cứu sinh” giúp bà con trong xã có vốn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập. Tính đến nay xã Kim Bình có dư nợ cho vay 15 tỷ đồng. Nguồn vốn đó đã giúp cho hàng trăm hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 6,36% vào cuối năm 2015 theo tiêu chí cũ. Còn theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, toàn xã hiện còn có tỷ lệ hộ nghèo là 24,5% và 6,8% là hộ cận nghèo. Chính vì vậy, giai đoạn 2016 - 2020 xã đề nghị NHCSXH huyện Chiêm Hóa tiếp tục đồng hành cùng hộ nghèo trên địa bàn, giúp cho họ có nguồn vốn để đầu tư phát triển SXKD, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Được biết trước năm 2015, cuộc sống của gia đình anh Đặng Văn Thăng ở thôn Tông Bình, xã Kim Bình gặp khó khăn do thiếu vốn để phát triển sản xuất. Đầu tháng 4/2015, anh được Hội Nông dân địa phương giới thiệu, đề nghị NHCSXH cho vay 30 triệu đồng mở xưởng cơ khí và sửa chữa xe máy. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Thăng có thu nhập vài ba chục triệu đồng. Cũng như gia đình anh Thăng, anh Ma Đình Văn ở thôn Đồng Ẻn, xã Kim Bình cũng đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi. Trong căn nhà cấp 4 mới được xây kiên cố, anh Văn vui vẻ nói, năm 2014, gia đình được NHCSXH cho vay 25 triệu đồng hộ nghèo để cải tạo chăm sóc 2ha chuối và nuôi gà thả vườn. Đến nay, riêng vườn chuối mỗi năm xuất bán ra thị trường được trên 10 tấn quả, sau khi trừ hết chi phí gia đình thu về trên 40 triệu đồng.

Tại xã Tân An, NHCSXH huyện Chiêm Hoá cũng đã cho vay tới tất cả hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Chủ tịch UBND xã Tân An, Đinh Ngọc Yên cho biết, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm 30,11% với 464 hộ; hộ cận nghèo 110 hộ chiếm 7,3%. Trong những năm qua bằng nguồn vốn ưu đãi, kịp thời của NHCSXH huyện, hộ nghèo đã có nguồn vốn vay đầu tư phát triển kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, thoát được nghèo. Năm 2010, gia đình anh Hà Kim Quỳnh ở thôn An Thịnh vay 10 triệu đồng mua trâu và phụ tùng sửa chữa xe máy. Chỉ hai năm sau làm ăn khấm khá, gia đình đã hoàn trả hết nợ cho ngân hàng và thoát hẳn nghèo. Hộ anh Hà Văn Thập ở thôn An Vượng vay 7 triệu đồng cũng để mua trâu và cây giống trồng rừng, đến nay gia đình anh đã thoát được nghèo và trở thành hộ có thu nhập khá của xã. Hiện mỗi năm gia đình anh Thập có nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng và thả cá.

Giám đốc NHCSXH huyện Chiêm Hóa, Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, có được kết quả trên là ngoài sự nỗ lực của cán bộ NHCSXH còn có sự đóng góp không nhỏ của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, triển khai kịp thời các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi. Đặc biệt, công tác quản lý vốn vay được quan tâm, chỉ đạo sát sao từ khâu thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn đến việc bình xét cho vay nên nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã được triển khai nhanh chóng, kịp thời, đến đúng đối tượng.

Tính đến hết tháng 8/2016, thông qua 499 Tổ tiết kiệm và vay vốn, huyện Chiêm Hoá có 7.307 hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ 138 tỷ đồng. Hầu hết các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả, làm giàu chính đáng cho gia đình và quê hương.

Bài và ảnh Nguyễn Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác