Chung tay giảm nghèo bền vững ở huyện Kim Bôi

28/09/2016
(VBSP News) Những năm gần đây, tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh Hòa Bình, huyện Kim Bôi đã tập trung thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững. Theo đó, cùng với nhiều chương trình kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất... thì nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Gia đình ông Hoàng Tiến Quang có được như ngày hôm nay là nhờ vào nguồn vốn vay chính sách

Gia đình ông Hoàng Tiến Quang có được như ngày hôm nay là nhờ vào nguồn vốn vay chính sách

Thời điểm này huyện Kim Bôi đã hoàn thành phủ xanh đất trống đồi trọc nhờ phát triển những vùng sản xuất hàng hóa, đó là vùng trồng cây ăn quả như ở các xã Mỹ Hòa, Sơn Thuỷ, vùng trồng cây vụ đông ở Vĩnh Đồng, Hạ Bì, Nam Thượng, trồng rừng thương mại ở Đú Sáng, Kim Sơn, Vĩnh Đồng… Đặc biệt, hiện có đến 20 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện được vay 13 chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện mỗi năm trên 7%. Năm 2011, toàn huyện có 13.029 hộ nghèo, tỷ lệ 53,79%, đến cuối năm 2015 giảm còn 4.323 hộ, tỷ lệ 16,45% (theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo của Kim Bôi hiện nay là 23,4%).

Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi, Đới Văn Chính cho biết, từ khi NHCSXH hoạt động, người nghèo và các đối tượng chính sách đã có chỗ dựa khi được vay vốn sản xuất. Hiện nay dư nợ trên địa bàn đạt xấp xỉ 300 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo đạt 109 tỷ đồng, hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 32 tỷ đồng, cho hộ nghèo vay làm nhà ở 28,3 tỷ đồng,… Qua kiểm tra, đánh giá, các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại kết quả thiết thực, giúp người dân có vốn kịp thời đầu tư vào SXKD, từng bước ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Điểm nổi bật của tín dụng chính sách ở huyện miền núi Kim Bôi là nguồn vốn được ủy thác qua các hội, đoàn thể và kết hợp lồng ghép với các chương trình, dự án ưu đãi, hỗ trợ của các cấp hội, đoàn thể nên rất phù hợp với nhu cầu sản xuất của từng thành viên tham gia. Các hộ vay được thực hiện bình xét công khai, dân chủ ở Tổ tiết kiệm và vay vốn nên đồng vốn ưu đãi đã thực sự đến đúng đối tượng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Nhờ vay vốn thuận lợi và có sự tư vấn, giúp đỡ về phương hướng cách thức sản xuất, đa số hộ nghèo sử dụng vốn vay hiệu quả, vươn lên làm ăn khá giả.

Hội Nông dân xã Vĩnh Đồng là một trong số đoàn thể làm tốt vai trò cầu nối giữa NHCSXH với hội viên của mình. Thời gian qua hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở 12 Tổ tiết kiệm và vay vốn vay 3,7 tỷ đồng để chuyển đổi  diện tích lúa năng suất thấp sang trồng cây ăn quả có múi như cam, quýt, bưởi và phát triển chăn nuôi gia súc, xây dựng các công trình cung cấp nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn.

Gia đình ông Hoàng Tiến Quang, người dân tộc Mường ở thôn Sống Dưới được Hội Nông dân xã Vĩnh Đồng giúp đỡ đã nhanh chóng tiếp cận tới 3 lần với nguồn vốn ưu đãi, để xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng rừng. Đến hôm nay, cơ ngơi của gia đình ông đã có đàn trâu tới 7 con, đàn lợn thịt 20 con, trọng lượng trung bình 70kg/con và 2ha rừng keo đang vào mùa khai thác, trị giá trên 600 triệu đồng.

Ở thôn Sống Dưới, còn có gia đình chị Bùi Thị Xuyến sử dụng 20 triệu vốn vay ưu đãi mua đủ giống cây và phân bón trồng và chăm sóc 5 sào đồi trồng cam, 2 sào đất vườn trồng chanh. Với bản tính chịu khó làm ăn, năm 2015, gia đình chị thu lãi từ những cây ăn quả trên 100 triệu đồng, thoát hẳn nghèo. Đây được coi là hai trong những hộ điển hình sử dụng vốn tín dụng ưu đãi có hiệu quả tại xã Vĩnh Đồng.

Có thể khẳng định, nguồn vốn ưu đãi đã “khoác chiếc áo mới” cho vùng đất Kim Bôi, cho những hộ nghèo, đồng bào DTTS từng bước hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Giám đốc NHCSXH huyện Kim Bôi cho biết “NHCSXH đang tiếp tục nỗ lực tranh thủ tối đa mọi nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đồng thời phối hợp với các đơn vị nhận ủy thác để giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, góp phần thực hiện hiệu quả về công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi”.

Bài và ảnh Đông Hà

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác