Kênh tín dụng quan trọng trên hành trình giảm nghèo tại Yên Bái

19/09/2016
(VBSP News) Yên Bái là một tỉnh miền núi, điều kiện phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ là hết sức cần thiết đối với sự phát triển kinh tế của địa phương. Trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách đã phát huy vai trò là công cụ hữu hiệu thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội; đồng thời đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chị Giàng Thị Chu vay vốn ưu đãi nuôi bò sinh sản

Chị Giàng Thị Chu vay vốn ưu đãi nuôi bò sinh sản

Đưa vốn lên bản

Là tỉnh miền núi, trình độ dân trí không đồng đều, Yên Bái lại có 2/9 huyện nghèo nhất nước và 53/180 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ dân số sinh sống ở khu vực nông thôn chiếm trên 80%. Mức sống của đồng bào các dân tộc tỉnh còn thấp, nhất là đồng bào các DTTS vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Do vậy, việc đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với người dân đã khó, để nguồn vốn phát huy hiệu quả lại càng khó hơn.

Xác định rõ điều đó, NHCSXH tỉnh Yên Bái đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền về chính sách vay vốn ưu đãi như bình xét công khai đúng đối tượng vay vốn; thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay, niêm yết công khai các chính sách tín dụng ưu đãi tại các Điểm giao dịch, đảm bảo giao dịch tại 180/180 xã, phường, thị trấn…

Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh Yên Bái đã triển khai có kết quả mô hình “Xã điểm về tín dụng chính sách” tạo lực đẩy mới, mạnh mẽ, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tăng thêm thu nhập và nâng cao mức sống”. Điển hình trong việc thực hiện mô hình “Xã điểm về tín dụng chính sách” là xã Yên Thái, huyện Văn Yên. Đến nay, 100%  các gia đình người Tày, Nùng, Dao… trên địa bàn xã đã biết cách sử dụng vốn vay ưu đãi lồng ghép với chăn nuôi để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Ngoài ra, các Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng với các hội, đoàn thể cơ sở ở vùng núi cao này không chỉ làm tốt “cầu dẫn vốn” về đúng địa chỉ từng đối tượng được thụ hưởng, mà còn quản lý nguồn vốn ưu đãi đúng quy định, không còn thôn, xóm nào để nợ quá hạn, lãi tồn đọng, hay tình trạng vay ké cũng được chấm dứt.

Riêng trong giai đoạn 2011 - 2015, NHCSXH tỉnh Yên Bái đã thực hiện cho vay 117.349 lượt hộ với doanh số cho vay là 2.334 tỷ đồng; tỷ lệ tăng trưởng dư nợ bình quân mỗi năm 14%. Đến hết năm 2015, tổng dư nợ cho vay đạt 2.016 tỷ đồng, tăng 847 tỷ đồng so với năm 2010 (tăng 72%).

Nguồn vốn ưu đãi trong 5 năm qua đã được đầu tư đúng hướng, góp phần phát triển 27.194ha rừng, 1.540ha chè, 235ha cây ăn quả; từ đồng vốn chính sách đồng bào nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo mua được 30.790 con trâu, bò; 50.265 con giống gia súc khác, xây dựng được 21.141 công trình nước sạch, 20.493 công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; 11.697 lượt HSSV có điều kiện trang trải chi phí học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; hỗ trợ 2.852 hộ nghèo làm nhà ở…

Trao đồng bào cơ hội đổi thay

Trên đỉnh non ngàn Hoàng Liên Sơn, xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải thuộc xã đặc biệt khó khăn với hầu hết hộ nghèo là người dân tộc Mông. Giờ đây, đã không còn hình ảnh đồng bào cuộn tiền bỏ vào ống tre do không biết sử dụng. Thay vào đó là những gia đình đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình với nỗ lực vượt khó, thoát nghèo. Gia đình chị Giàng Thị Chu là một ví dụ. Được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng gia đình chị đã đầu tư nuôi bò sinh sản. Cuối năm 2015, thu về gần 100 triệu đồng. Cuộc sống dần đổi thay, gia đình chị đã không còn ý định du canh, du cư mà quyết tâm đổi đời trên chính mảnh đất quê hương mình.

“Nhờ có vốn vay của NHCSXH mà gia đình tôi thoát hết nghèo, trả xong nợ cho ngân hàng, biết phát triển kinh tế, chăn nuôi trâu bò có kết quả. Tôi mong sao nhiều bà con trong bản cũng sử dụng vốn vay đúng mục đích vào sản xuất thì sẽ nhanh chóng thoát nghèo đó”, chị Chu cho biết.

Cũng nhờ đồng vốn chính sách mà gia đình chị Sùng Thị Chư ở xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn đã có cuộc sống khấm khá hơn; đôi trâu vừa sinh sản, vừa làm sức kéo, chuồng lợn được xây kiên cố, lúc nào cũng duy trì 7 đến 10 đầu lợn thịt; bể nước, nhà vệ sinh sạch sẽ giúp ăn ở vệ sinh, con cái bớt đau bụng, đau mắt. Chị Chư phấn khởi lắm, chị bảo: “Cuộc sống no ấm hơn, tiến bộ hơn là nhờ một phần quan trọng từ đồng vốn chính sách xã hội”.

Nhờ có đồng vốn vay mà cuộc sống của đồng bào DTTS xã Dế Xu Phình đã ổn định

Nhờ có đồng vốn vay mà cuộc sống của đồng bào DTTS xã Dế Xu Phình đã ổn định

Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, Giám đốc NHCSXH tỉnh Yên Bái, Nguyễn Thanh Hải khẳng định, vốn tín dụng ưu đãi trong những năm qua là công cụ đắc lực của Đảng và Nhà nước trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Đồng thời, các chương trình tín dụng chính sách đã đáp ứng tốt nhu cầu vốn ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Từ đó, họ có cơ hội vươn lên tự thay đổi cuộc sống của mình. Để làm được điều đó, không chỉ có sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động trong toàn chi nhánh mà còn có sự giúp đỡ, đồng tình ủng hộ của các cấp chính quyền, của tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác, của các Tổ tiết kiệm và vay vốn do nhân dân tự nguyện thành lập.

Trong thời gian tới, để đảm bảo cho những hộ vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn, NHCSXH tỉnh Yên Bái sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền, hội, đoàn thể các cấp kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các hộ vay vốn sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích.

Bài và ảnh Trần Ngọc Lê

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác