Tín dụng chính sách trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Trị

21/04/2016
(VBSP News) Tổng dư nợ các chương trình cho vay chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến nay đạt trên 2.000 tỷ đồng, với 70.515 hộ vay. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, người nghèo và các đối tượng chính sách đã có cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Tín dụng chính sách được người dân xã Gio Sơn vay về làm nghề nấm

Tín dụng chính sách được người dân xã Gio Sơn vay về làm nghề nấm

Thực hiện cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Quảng Trị có 117/141 xã, phường thị trấn được đầu tư xây dựng nông thôn mới. NHCSXH tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể gắn công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển SXKD, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường, điều kiện sống của người dân với chương trình xây dựng nông thôn mới. Chi nhánh đã tập trung thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách đến 117 xã xây dựng nông thôn mới với doanh số cho vay chiếm 81,2% trên tổng dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đóng góp tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới, thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn trên địa bàn Quảng Trị.

Mặc dù không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, huyện nhưng Gio Sơn lại là xã đầu tiên của huyện Gio Linh đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới vào năm 2015. Kết quả này có được một phần quan trọng nhờ vào nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH ủy thác qua các hội, đoàn thể. Với một địa phương vùng gò đồi, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, nguồn vốn vay ưu đãi gần 7 tỷ đồng là khoản đầu tư không nhỏ để người dân có cơ sở phát triển các mô hình sản xuất, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đất đai. Tính đến nay, toàn xã Gio Sơn đã có 537 lượt hộ được vay vốn lãi suất ưu đãi để SXKD. Nhiều gia đình vay vốn từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm đã đầu tư các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng như anh Nguyễn Văn Tý, thôn Nam Đông trồng cây hồ tiêu, cao su và chăn nuôi bò; anh Lê Đức Hùng, thôn Phú Ốc đầu tư trồng nấm sò, nấm rơm; anh Trần Văn Đới, thôn Phú Ốc nuôi bồ câu Pháp…

Phát triển kinh tế hộ là tiền đề quan trọng để Gio Sơn phát huy sức mạnh nội lực xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu SXKD và sinh hoạt của nhân dân. Đến nay 100% số hộ được dùng điện, hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư hoàn thiện. Các công trình hồ đập thủy lợi, kênh mương được xây dựng kiên cố; hệ thống trường lớp các cấp, trạm y tế được xây dựng khang trang; 98,6% nhà dân được xây kiên cố, bán kiên cố; không còn nhà ở tạm bợ, dột nát; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 2% - 2,5%, đến nay hộ nghèo toàn xã chỉ còn 3,01%.

Lãnh đạo xã Gio Sơn khẳng định: “Đường làng ngõ xóm, các thiết chế văn hóa cũng như đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng khởi sắc. Kết quả trên một phần là nhờ các hộ dân đã sử dụng đúng mục đích vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho gia đình”.

Quảng Trị được xem là địa bàn nằm trong vùng thiếu nước ngọt bởi sự khắc nghiệt của thời tiết. Vùng trung du, gò đồi địa hình nhiều dốc, núi cao khó có mạch nước ngầm trong khi vùng đồng bằng lại nhiễm phèn, mặn. Vì vậy, việc đưa nguồn nước sinh hoạt về cho người dân nông thôn được xem là thành công trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Đóng góp này có phần không nhỏ của đồng vốn tín dụng chính sách, đến nay NHCSXH tỉnh Quảng Trị đã cho vay 109 tỷ đồng với 26 nghìn hộ được vay vốn đầu tư xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn.

Nhận xét về hiệu quả các chương trình tín dụng từ NHCSXH đối với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị, Trần Văn Thu cho biết: “Các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ có vai trò hết sức quan trọng. Đồng vốn đã tạo điều kiện cho hàng vạn hộ dân phát triển SXKD, tạo việc làm và nâng cao đời sống; đã tác động tích cực làm thay đổi bộ mặt nông thôn, kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đời sống vật chất và tinh thần người dân được cải thiện đáng kể, giúp cho các xã sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới”.

Bài và ảnh Chi Mai

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác