Giúp các hộ cận nghèo phát triển kinh tế

23/04/2016
(VBSP News) Sau 3 năm triển khai chương trình tín dụng ưu đãi với hộ cận nghèo, tổng dư nợ cho vay chương trình trên địa bàn TP Hải Phòng không ngừng tăng qua các năm, góp phần tạo sinh kế, hỗ trợ các hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.
Hộ cận nghèo Mạc Văn Tuấn sử dụng vốn vay phát triển gia trại

Hộ cận nghèo Mạc Văn Tuấn sử dụng vốn vay phát triển gia trại

Trước năm 2013, khi các hộ nghèo được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về tín dụng, hộ cận nghèo lại chưa được thụ hưởng. Những hộ cận nghèo thường không có tiềm lực về kinh tế, thiếu vốn sản xuất nên họ mới chỉ đủ điều kiện thoát nghèo. Trong khi đó, ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo khá mong manh. Đôi khi chỉ sau một đợt dịch bệnh, thiên tai, có người đau ốm… là hộ vừa thoát khỏi diện nghèo không còn vốn để đầu tư vào SXKD, rất dễ tái nghèo. Vì vậy, khi Quyết định 15/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo được ban hành và triển khai, cấp ủy, chính quyền địa phương và đông đảo nhân dân vui mừng đón nhận.

Cách đây 5 năm, gia đình anh Mạc Văn Tuấn ở thôn 10, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên vẫn thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Khi đó, gia đình anh được vay 20 triệu đồng hộ nghèo để đầu tư phát triển kinh tế. Trên cơ sở số vốn này và huy động thêm từ bạn bè, người thân, anh Tuấn đấu thầu 2.000m2 đầm trũng không có khả năng canh tác của địa phương để xây dựng gia trại. Trên diện tích này, anh đào ao thả cá, nuôi gà, lợn, vịt.

Chắt chiu, dành dụm, đến năm 2013, gia đình anh cũng thoát nghèo, tuy nhiên cuộc sống còn bấp bênh. Không được vay vốn ưu đãi do không còn trong diện hộ nghèo, những cũng không thể tiếp cận nguồn vốn vay từ các NHTM do lãi suất cao. Kế hoạch mở rộng sản xuất tưởng chừng phải bỏ dở do thiếu vốn thì Quyết định 15 ra đời, trở thành “phao cứu sinh” cho những hộ cận nghèo như gia đình anh. Sau khi chương trình được triển khai, anh được các hội, đoàn thể địa phương và NHCSXH cho vay vốn hộ cận nghèo. Đến nay, trong chuồng của gia đình lúc nào cũng có 500 con gà, 500 con vịt/lứa, 50 con lợn nái, ao nuôi cá và trồng cây ăn quả. Ngoài ra, anh cấy gần 1 mẫu ruộng để lấy thóc làm thức ăn chăn nuôi. Hiện, tính trung bình, mỗi năm gia đình anh thu được 70 - 80 triệu đồng (chưa trừ chi phí).

Chương trình cho vay hộ cận nghèo ngay từ khi mới triển khai đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Hiện dư nợ cho vay chương trình hộ cận nghèo của TP Hải Phòng đạt gần 537 tỷ đồng, cho 20.000 hộ vay. Đây là chương trình có dư nợ cao nhất trong các chương trình cho vay ưu đãi chi nhánh đang thực hiện (chiếm 25% tổng dư nợ của toàn chi nhánh). Nguồn vốn chương trình được chuyển tải tới 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Tuy số tiền vay còn nhỏ nhưng cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu và có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của hộ gia đình. Tính riêng trong quý I/2016, có hơn 7.000 lượt hộ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận đồng vốn tín dụng ưu đãi để hoạt động dịch vụ, SXKD. Qua kiểm tra, giám sát, các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, bước đầu phát huy được hiệu quả.

Giám đốc NHCSXH TP Hải Phòng, Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, nhu cầu vay vốn của hộ cận nghèo cao hơn so với các chương trình khác, chính vì vậy, để đảm bảo nguồn vốn cho vay, chi nhánh linh hoạt điều chỉnh nguồn vốn từ các chương trình khác sang cho vay hộ cận nghèo. Đồng thời, chi nhánh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các hội, đoàn thể, Ban giảm nghèo, Tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn; kịp thời bình xét cho những hộ khó khăn có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình. 

Bài và ảnh Minh Châm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác