Giảm nghèo bền vững ở vùng miền núi Đồng Xuân

28/09/2016
(VBSP News) Đồng Xuân là huyện miền núi nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Phú Yên, tiếp giáp với tỉnh Bình Định và Gia Lai bao gồm 11 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có hơn 10.000 người là đồng bào DTTS, chiếm hơn 17% dân số toàn huyện; với 17 dân tộc, chủ yếu là Chăm Hroi, Ba Na. Đây là địa bàn ở khu vực miền núi xa trung tâm huyện, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao, hơn 55% vào thời điểm cuối năm 2010.
Bà Mang Thị Phơi ở thôn Xí Thoại vay vốn chăn nuôi bò, nay đã thoát hẳn nghèo

Bà Mang Thị Phơi ở thôn Xí Thoại vay vốn chăn nuôi bò, nay đã thoát hẳn nghèo

Trước thực trạng đó, huyện uỷ, UBND huyện Đồng Xuân đã huy động các cấp, các đơn vị, tập trung các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ các xã có đông đồng bào DTTS triển khai công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Bám sát chủ trương của địa phương, NHCSXH huyện Đồng Xuân trong 5 năm qua đã chú trọng huy động tạo lập nguồn vốn, tổ chức chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng được thụ hưởng.

Tổng dư nợ cho vay của NHCSXH huyện Đồng Xuân đến nay đạt 234 tỷ đồng, đã giúp cho đồng bào DTTS ở 10 xã đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Nguồn vốn đã tập trung giúp bà con đầu tư vào các cây chủ lực như mía, sắn và nuôi bò lai, vì bò lai có hiệu quả kinh tế hơn bò thường nên được khuyến khích vay vốn và nhân rộng trong vùng. Hiện nay đã nuôi được trên 3.000 con, trong đó bò lai là trên 1.100 con, chiếm tỷ lệ 31% tổng đàn.

Cùng với đó, trong 8 tháng đầu năm 2016, NHCSXH còn phối hợp với ngành nông nghiệp và các hội, đoàn thể lồng ghép mở 11 lớp tập huấn về công tác khuyến nông, lâm, thu hút 644 gia đình DTTS nghèo tham gia thực hiện 2 mô hình thâm canh cây lúa trên diện tích gần 22ha, hỗ trợ nhiều cây con giống, phân bón, công cụ sản xuất, giúp đồng bào Ba Na, Chăm Hroi tiếp cận nhanh nguồn vốn và kỹ thuật thâm canh mới, tăng năng suất cây trồng, tăng giá trị vật nuôi. Đặc biệt, riêng các xã đặc biệt khó khăn vừa qua được NHCSXH đầu tư bổ sung 12 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình 30a đã góp phần thiết thực, hiệu quả cho việc giảm nghèo bền vững.

Nhờ có vốn ưu đãi, có hạ tầng kỹ thuật, bà con DTTS huyện Đồng Xuân đã chủ động phát triển sản xuất, nhiều hộ trước kia nghèo khó thì nay có thu nhập và mức sống được nâng lên đáng kể.

Tiêu biểu có gia đình anh La Lai Kia, người dân tộc Ba Na ở thôn Phú Lội xã Phú Mỡ đã sử dụng 30 triệu đồng hộ nghèo đầu tư xây chuồng trại chắc chắn, nuôi 4 con bò lai và trồng 1ha bắp giống mới. “Nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ, gia đình tôi xua tan cảnh túng bấn, nghèo khó. Đầu năm nay, gia đình tôi còn được vay tiếp 50 triệu đồng hộ mới thoát nghèo. Mọi thành viên trong gia đình rất phấn khởi, bàn bạc cùng tìm cách sử dụng vốn vay sao cho thật hợp lý, có ích lợi”, ông Kia tâm sự.

Bà Bà Mang Thị Phơi ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, 61 tuổi ở với cô con gái vì chồng đã mất. Nhà toàn đàn bà, con gái, chân yếu tay mềm, kinh tế cũng khó khăn. Được sự động viện của Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội phụ nữ xã, bà mạnh dạn vay 30 triệu đồng hộ nghèo và 8 triệu đồng hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để mua bò về nuôi và trồng 1ha sắn. Bà Phơi cho biết: “Tiền thu được từ trồng sắn, bà Phơi dành để trả lãi, trả vốn cho Nhà nước, tiền bán bò, bà sắm được ti vi, tủ lạnh. Cuộc sống cũng đã dần ổn định, chưa hẳn đã là giầu nhưng chắc chắn thoát nghèo”.

Còn ở thôn Kỳ Du, xã Xuân Quang 2 có 98% dân số là người Chăm Hroi đã được vay vốn của NHCSXH trên 4 tỷ đồng để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Trong 5 năm qua, thu nhập bình quân đầu người trong thôn tăng từ 7,8 triệu đồng năm 2009 lên 13 triệu đồng năm 2015. Hiện tại thôn có 90% nhà ở được sửa chữa, làm mới kiên cố và 75% hộ dân được dùng nước sạch hợp vệ sinh.

Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, Võ Cao Phi thông tin, để tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại vùng miền núi, huyện rất chú trọng đến công tác tín dụng chính sách, vận động đồng bào DTTS mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích để phát triển sản xuất giảm nghèo bền vững. Huyện phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8 - 9%, nâng thu nhập bình quân đầu người gấp 3 - 4 lần hiện nay. Mong rằng NHCSXH tiếp tục chung tay góp sức giúp huyện miền núi Đồng Xuân thực hiện được mục tiêu trên.

Bài và ảnh Ngọc Quang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác