Tín dụng chính sách ở Phú Yên đã được nâng cao
Chủ tịch xã tham gia quản lý vốn
“Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo từ năm 2016 và các năm tiếp theo, hàng năm tùy vào tình hình thực tế của nguồn ngân sách, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí và chuyển từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng ủy thác cho NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm, nhằm tạo việc làm và giảm nghèo bền vững của địa phương giai đoạn 2016 - 2020”. |
Ngay sau khi Chỉ thị 40 được ban hành, đầu năm 2015 UBND tỉnh Phú Yên chính thức triển khai và nhận được sự hưởng ứng của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp. Ngay sau đó, các huyện, thị, thành ủy cùng đồng loạt ban hành các văn bản triển khai thực hiện trên địa bàn.
Một trong những điểm mới và quan trọng sau khi Chỉ thị 40 được ban hành là việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Đây là điều kiện tăng thêm thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã trong việc trực tiếp theo dõi, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách ngay tại cơ sở.
Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hà, Nguyễn Văn Hồng cho biết: “Từ khi là thành viên của Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, tôi nhận thấy trách nhiệm của mình được nâng cao hơn. Hàng tháng giao ban với NHCSXH huyện nắm được chủ trương, chính sách liên quan cũng như doanh số cho vay, thu nợ, tình hình nợ quá hạn… để có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Bên cạnh đó, yêu cầu các hội, đoàn thể xã mở sổ sách theo dõi và lưu trữ đầy đủ các mẫu theo quy định của ngân hàng, đồng thời tích cực huy động hộ vay thực hiện tiết kiệm hàng tháng để giảm áp lực trả nợ khi vốn vay đến hạn”.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Đồng Xuân, Nguyễn Hữu Từ, huyện đã bổ sung 11 Chủ tịch UBND xã, thị trấn trên địa bàn vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, nâng số lượng thành viên lên 22 người. Việc bổ sung này thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò của Ban đại diện trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở địa phương, nhất là trong việc tuyên truyền chương trình tín dụng chính sách, tham gia đối chiếu, phân tích nợ vay, tháo gỡ khó khăn, thu hồi nợ đọng. “Nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của NHCSXH huyện, đến cuối năm 2015, tổng dư nợ cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn đạt gần 220 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,18% tổng dư nợ. Với con số này, Đồng Xuân là địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn thấp thứ hai so với các địa phương khác trong tỉnh”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Từ thông tin.
Tại huyện Tuy An, thực hiện Chỉ thị 40, lãnh đạo địa phương yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn đề cao trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động chính sách xã hội. Các xã, thị trấn thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; đồng thời tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đôn đốc kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, Phạm Ngọc Thanh cho biết: Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên, năm 2015, toàn huyện đã có hơn 4.900 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với số tiền gần 112 tỷ đồng, dư nợ bình quân 17,7 triệu đồng/hộ, giúp các hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo nhiều việc làm tại địa phương và góp phần giúp các hộ có nguồn vốn để chăn nuôi, sản xuất.
Dành một phần ngân sách địa phương để cho vay
Bên cạnh việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, UBND tỉnh Phú Yên và một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã trích ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để thực hiện cho vay giải quyết việc làm. Cụ thể, trong năm 2015, UBND tỉnh bổ sung 2 tỷ đồng, TP Tuy Hòa 1 tỷ đồng, TX Sông Cầu 1 tỷ đồng, huyện Tây Hòa và huyện Phú Hòa mỗi địa phương ủy thác 500 triệu đồng.
Được vay 15 triệu đồng ưu đãi từ Chương trình tín dụng GQVL, ông Hà Văn Lập ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa dồn tiền mua đót để dự trữ làm dần. Ông cho biết, hiện cơ sở bó chổi của ông giải quyết việc làm cho gần 20 lao động với mức lương bình quân từ 1,8 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ông mong muốn được vay thêm vốn để xây nhà kho trữ thêm nhiều đót hơn và tạo thêm việc làm cho người dân trong vùng vì đót nguyên liệu chỉ có vào những tháng đầu năm.
Còn chị Nguyễn Thị Thảo ở phường 9, TP Tuy Hòa cho hay, trước tết, gia đình chị được NHCSXH giải ngân 20 triệu đồng từ Chương trình tín dụng GQVL để đầu tư trồng quất, mai. Số tiền vay được đã kịp thời giải quyết “cơn khát” vốn trong lúc gia đình cần tiền đầu tư SXKD cho vụ tết.
Theo Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Phú Yên, Hồ Văn Thục: Qua hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị 40, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nguồn vốn cho vay ưu đãi của NHCSXH hiệu quả, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân Phú Yên trong năm 2015 cũng như giai đoạn 2011 - 2015.
Bài và ảnh Lê Hảo
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Món vay nhỏ, lập nên cơ nghiệp lớn
- » Khi người nghèo gửi tiết kiệm
- » Đắk Lắk sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 40
- » Cùng hộ nghèo ở Điện Biên khắc phục hậu thiên tai
- » Tín dụng chính sách ở Bạch Thông được nâng cao
- » Vốn chính sách trên cao nguyên Kon Tum
- » “Có vốn chính sách, tôi tin sớm vượt qua khó khăn”
- » Giữ chữ tín từ đồng vốn nhân văn
- » Hộ dân tộc thiểu số nghèo tiếp tục được vay vốn NHCSXH
- » Kiên Giang giảm nghèo ở các xã 135