Đắk Lắk sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 40

17/03/2016
(VBSP News) Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để đối tượng chính sách phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Gia đình anh Trương Văn Trường thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Gia đình anh Trương Văn Trường thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Lắk, Nguyễn Tử Ân cho biết: Ngay sau khi Chỉ thị 40 được ban hành, chi nhánh đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện tới toàn thể đảng viên, cán bộ để xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể. Đồng thời, tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND triển khai thực hiện.

Để Chỉ thị sớm đi vào cuộc sống, Tỉnh uỷ ban hành văn bản chỉ đạo HĐND, UBND tỉnh, Ban Thường vụ các huyện, thị ủy, thành ủy trực thuộc, UBMTTQ và các đoàn thể quần chúng, các Sở, ban, ngành liên quan, bố trí dành một phần vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho các đối tượng chính sách trên địa bàn vay. Tính đến nay, tổng dư nợ của chi nhánh đạt trên 3.000 tỷ đồng, với trên 200 nghìn hộ gia đình đang còn dư nợ. Chất lượng tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng được nâng lên, nợ quá hạn giảm từ 0,45% năm 2014 xuống còn 0,3% cuối năm 2015.

Bên cạnh đó, nhờ được quán triệt đầy đủ Chỉ thị của 40, trong năm 2015 có 15/15 huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh Đắk Lắk đã dành số tiền gần 15 tỷ đồng ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, nâng tổng số vốn ngân sách địa phương lên 134 tỷ đồng.

NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể cơ sở tập trung củng cố kiện toàn chất lượng hoạt động của mạng lưới 4.472 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đơn vị cũng tập trung đổi mới nội dung các cuộc họp giao ban của NHCSXH tại Điểm giao dịch xã với sự có mặt đông đủ của đại diện cấp ủy, chính quyền. Thực tế tại huyện Cư Kuin địa phương không chỉ chuyển vốn ngân sách ủy thác cho NHCSXH mà cấp ủy, chính quyền nơi đây còn có trách nhiệm tăng cường đôn đốc thu hồi nợ đến hạn; hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; xây dựng và nhân rộng các mô hình SXKD điển hình, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu… Điều này được minh chứng qua việc huyện Cư Kuin đã giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 2 - 3%, đến cuối năm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn dưới 5%.

Điển hình như gia đình nghèo Trương Văn Trường ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, có 5 nhân khẩu nhưng nguồn thu nhập chỉ trông vào tiền làm thuê và thu hoạch từ 4 sào cà phê mới kinh doanh được 3 năm. Thông qua Hội Nông dân, anh Trường đã được vay 24 triệu đồng để phát triển kinh tế. Anh Trường cho biết, từ nguồn vốn vay, anh mua một đôi dê sinh sản và đầu tư vào vườn cà phê. Nhờ được chăm sóc tốt, dê sinh sản nhanh, mấy năm qua cà phê lại được mùa, nên kinh tế của gia đình anh dần ổn định. Đến nay, gia đình anh đã thoát khỏi diện hộ nghèo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Đắk Lắk, Nguyễn Hải Ninh cho biết, tỉnh luôn xác định hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp, các ngành, địa phương và đơn vị. Do vậy, phát huy những kết quả bước đầu, trong thời gian tới, Đắk Lắk sẽ tiếp tục chỉ đạo các huyện làm tốt công tác tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước để mọi người dân biết và cùng thực hiện; thực hiện công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ vay, lồng ghép giữa các chương trình tạo điều kiện cho hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, thực hiện tốt hơn nữa để Chỉ thị tiếp tục đi vào cuộc sống.

Bài và ảnh Giang Nam

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác