Tín dụng chính sách ở Bạch Thông được nâng cao

16/03/2016
(VBSP News) Là một trong những huyện vùng cao của tỉnh miền núi Bắc Kạn, Bạch Thông có đến 54% dân số là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao. Hầu hết bà con đều sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, tập quán canh tác còn lạc hậu. Trước bối cảnh đó, cấp ủy và chính quyền địa phương triển khai nhiều chương trình dự án nhằm giúp dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, giảm nghèo. Một trong số đó là chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS đã và đang có tác dụng to lớn, thiết thực, tạo đòn bẩy giúp bà con nơi đây vươn lên phát triển sản xuất.
Người nghèo ở xã Quân Bình vay tiền về chăn nuôi Ảnh: Quốc Việt

Người nghèo ở xã Quân Bình vay tiền về chăn nuôi

Phương thức cho vay của NHCSXH là uỷ thác qua các hội, đoàn thể. 13 năm qua, NHCSXH huyện Bạch Thông và các hội, đoàn thể đã xây dựng được 185 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bản, qua đó giúp người dân ở 17 xã, thị trấn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi kịp thời. Tổng dư nợ cho vay của NHCSXH huyện Bạch Thông đến nay đạt hơn 185 tỷ đồng với 6.600 hộ đang vay, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 7,2% vào cuối năm 2015.

Có được kết quả này là sự cố gắng, nỗ lực của cả tập thể NHCSXH huyện Bạch Thông cùng sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp đã phối hợp nhịp nhàng, chỉ đạo triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ.

Chủ tịch UBND xã Quân Bình, Nông Thị Tuyết cho biết: Trước đây xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, diện tích đất trống đồi trọc nhiều, chăn nuôi trâu, bò còn chủ yếu theo tập quán cũ là thả rông trong rừng, nay cảnh đó đang bị đẩy lùi. Bà con đã biết vay vốn chính sách đầu tư thâm canh đồi rừng, phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể luôn gần gũi nhân dân nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giúp đỡ bà con vay vốn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Xin đơn cử gia đình anh Hà Văn Mận ở thôn Lủng Coóc, xã Quân Bình vay NHCSXH 20 triệu đồng để mua máy xay xát gạo và sao sấy chè phục vụ bà con trong thôn và giải quyết việc làm cho 6 lao động nông nhàn. Còn gia đình chị Bế Thị Tuyến ở thôn Mỏ, xã Quân Bình sử dụng 30 triệu đồng tiền vay về mua trâu sinh sản. Nhờ chịu khó chăm sóc và áp dụng kỹ thuật khoa học, chỉ sau 3 năm gia đình chị đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, trả hết nợ vay và mới đây được NHCSXH huyện Bạch Thông cho vay tiếp 45 triệu đồng vốn hộ mới thoát nghèo để mở rộng chăn nuôi đàn gia súc. “Được vay vốn thuận lợi, sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể, ngân hàng, gia đình rất phấn khởi và tích cực làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật như chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho trâu bò, làm chuồng chăn nuôi có mái che mưa nắng, gió rét để không bị dịch bệnh nữa”, chị Bế Thị Tuyền chia sẻ.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, bà con dân tộc xã vùng cao Quân Bình có ý thức vươn lên thoát nghèo, có một số hộ thu nhập tới cả trăm triệu đồng mỗi năm và đặc biệt là không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Không dừng lại ở đó, từ nguồn thu ổn định bà con còn chủ động mua sắm máy móc, công cụ phục vụ sản xuất, đồng thời phát triển nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao.

Để đồng vốn chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, trong năm nay, NHCSXH huyện Bạch Thông phối hợp chặt chẽ với chính quyền, hội, đoàn thể các xã trong công tác giải ngân nguồn vốn. Bên cạnh đó làm tốt hơn công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn đối tượng vay vốn phương án sử dụng vốn có hiệu quả, đúng mục đích vào SXKD, thoát nghèo bền vững.

Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác