Phụ nữ Nghĩa Lộ năng động thoát nghèo
Chủ tịch Hội Phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ, Lò Thị Ánh Nguyệt cho biết: “Với đặc thù của địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, gần 50% là đồng bào Thái, lực lượng chị em phụ nữ đông, trên 6.100 hội viên, 8 cơ sở hội, trình độ nhận thức của phụ nữ không đồng đều, đất sản xuất nông nghiệp ít, nhiều hội viên còn thiếu kiến thức KHKT để áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Một số hội viên được vay vốn nhưng không biết áp dụng vào cuộc sống để phát triển kinh tế nên đồng vốn không phát huy hiệu quả. Vì vậy, ngoài cầm tay chỉ việc cần phải trang bị cho họ có kiến thức cơ bản nhất để phát triển kinh tế gia đình”.
Do vậy, việc khảo sát, phân loại hộ nghèo và xác định công tác chuyển giao KHKT, dạy nghề, hỗ trợ vốn và cách thức tổ chức sinh hoạt để trang bị cho hội viên vươn lên thoát nghèo là mục tiêu hàng đầu. Chính vì vậy, mỗi năm, các cấp hội đều phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, chuyển giao KHKT, giải ngân vốn vay cho các chị em phụ nữ.
Nhờ đó, 5 năm qua, các cấp Hội Phụ nữ toàn thị xã đã mở 145 lớp tập huấn chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi cho 4.878 lượt hội viên, phụ nữ khu vực nông nghiệp tham gia; phối hợp với NHCSXH thị xã giúp trên 2.100 hội viên vay trên 47 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Từ đó, có 102 hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo và ổn định đời sống, trên 500 hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ có thu nhập từ 70 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng/năm.
Chị Hoàng Thị Thơm ở thôn Pá Làng, xã Nghĩa Phúc là điển hình trong việc vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Năm 2011, thông qua Hội Phụ nữ xã, chị Thơm được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH thị xã. Với số tiền được vay, chị Thơm đầu tư làm dịch vụ máy xay xát, dịch vụ vật tư nông nghiệp, dịch vụ cưới hỏi và chăn nuôi thêm lợn, gà, cá. Từ một hộ nghèo, đến nay, cuộc sống gia đình chị Thơm đã khá lên trông thấy, thu nhập bình quân mỗi năm tới cả trăm triệu đồng.
Gia đình chị Hà Thị Ứng ở thôn Pá Làng, xã Nghĩa Phúc cũng vậy. Vốn là hộ nghèo, ruộng đất ít, mặc dù cố gắng rất nhiều nhưng cuộc sống của gia đình chị cũng không khá hơn chút nào. Năm 2011, chị Ứng được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH thị xã. Chị Ứng đã mạnh dạn đầu tư nuôi 20 con lợn thịt, chuyển đổi 500m2 ruộng sang đào ao thả cá và nuôi chim bồ câu Pháp.
Sau gần 3 năm có thêm chút tiền lãi, chị Ứng lại đầu tư thêm để bán hàng tạp hóa, mở rộng quy mô chăn nuôi. Trong chuồng lúc nào cũng có 20 - 50 con lợn thịt, 100 đôi bồ câu Pháp, một cửa hàng tạp hóa, thu nhập bình quân mỗi năm từ 60 - 100 triệu đồng, nhờ vậy mà gia đình chị Ứng đã thoát nghèo.
Không chỉ năng động, dám nghĩ, dám làm mà nhiều chị em phụ nữ còn tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế trọng tâm của thị xã như chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Trong 5 năm qua, đã có trên 700 hộ gia đình hội viên phụ nữ tích cực tham gia các mô hình phát triển kinh tế của thị xã như dự án 500 ha lúa hàng hóa chất lượng cao, mô hình trồng ngô tím, chuối tiêu hồng, chăn nuôi, thả cá xen lúa, trồng hoa công nghệ cao, tổ thêu dệt thổ cẩm…
Đồng thời, các tổ chức hội hướng dẫn về kiến thức, tạo cơ hội để chị em tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Nhờ đó, số hội viên phụ nữ nghèo giảm nhanh qua các năm.
Phong trào phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo của chị em phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ 5 năm qua đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Những kết quả đạt được của phụ nữ thị xã nhiệm kỳ vừa qua góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ trên địa bàn toàn thị xã, đồng thời hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ lần thứ IV đề ra.
Bài và ảnh Lê Thanh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Mang vốn chính sách đến với bản làng
- » Làm lại cuộc đời từ đồng vốn nhỏ
- » Giảm nghèo bền vững ở vùng miền núi Đồng Xuân
- » Chung tay giảm nghèo bền vững ở huyện Kim Bôi
- » Tín dụng chính sách trên quê hương “Điệu hò khoan”
- » Vốn về “đánh thức” đồi rừng
- » Tín dụng chính sách ở Vị Xuyên
- » Dự án CHOBA cải thiện điều kiện vệ sinh cho 35.000 hộ dân nông thôn
- » Vay vốn ưu đãi giảm nghèo bền vững ở huyện 30a
- » Khi đồng vốn vay ra hoa, kết trái