“Cần câu vàng” cho đồng bào nơi biên ải

29/09/2016
(VBSP News) Đồng bào các dân tộc vùng biên ải thuộc huyện Mường Tè (Lai Châu) không phải là những người lười nhác, nhưng bao năm nay cái đói, cái nghèo cứ lẵng nhẵng phủ cái bóng lê thê của nó lên bao kiếp người nơi đây, bởi họ còn thiếu một “cây cầu vàng” nối đến với ấm no. Chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi mà NHCSXH đang thực hiện chính là nhịp cầu còn thiếu trên hành trình vươn lên no ấm ấy.
Chị Pờ Lỳ De ở bản Mù Cả, xã Mù Cả, huyện Mường Tè phát triển chăn nuôi lợn nhờ vay vốn chính sách

Chị Pờ Lỳ De ở bản Mù Cả, xã Mù Cả, huyện Mường Tè phát triển chăn nuôi lợn nhờ vay vốn chính sách

Chúng tôi đến thăm gia đình triệu phú vùng biên mới nổi người dân tộc Hà Nhì, chị Pờ Lỳ De ở bản Mù Cả, xã Mù Cả, huyện Mường Tè. Nhìn ngôi nhà vững chãi, với những vật dụng đắt tiền trong nhà cộng với mấy chiếc xe máy dựng ở cửa chúng tôi chẳng dám tin rằng trước đây gia đình chị De là hộ khó khăn nhất nhì của bản. Theo thông tin từ Hội Nông dân xã, hàng năm gia đình chị De thu nhập trên 100 triệu đồng từ tiền bán vật nuôi. Con số 100 triệu đồng có lẽ chẳng thấm vào đâu nếu đem về miền xuôi mà so sánh nhưng giữa chốn rừng núi bao quanh này, nơi mà nhiều người vẫn ăn bữa sáng lo bữa tối thì đó quả là một giấc mơ dài. Đưa chúng tôi đi thăm khu chăn nuôi vịt, chuồng lợn nguồn thu nhập chính của gia đình, chị De chia sẻ: “Trước đây tôi cũng biết rằng chăn nuôi là hướng để thoát nghèo không có kỹ thuật sau nhiều trận dịch bệnh, mất cả chì lẫn chài, thua lỗ nặng tôi không có vốn để tiếp tục tái đàn, phát triển trên quy mô lớn. Năm 2015, sau khi được trang bị kiến thức chăn nuôi từ các lớp tập huấn do huyện, xã cùng các ngành mở, tôi lại được NHCSXH huyện Mường Tè cho vay ưu đãi để làm vốn chăn nuôi. Có vốn, tôi đầu tư chuồng, trại, mua lợn, vịt về nuôi. Có kỹ thuật, tôi chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Đến nay sau vài lứa xuất chuồng tôi đã trả nợ ngân hàng và đang tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi…

Chị De là gương mặt khá điển hình nhưng không phải là duy nhất của huyện Mường Tè sử dụng thành công nguồn vốn vay ưu đãi để vươn lên làm giàu. Con số hơn 6.700 hộ dân tham gia vay vốn tại NHCSXH huyện có tổng dư nợ gần 160 tỷ đồng là minh chứng rõ nhất cho thấy ý nghĩa của những đồng vốn mà ngân hàng cung cấp. Có thể trong số đó có những hộ chưa biết tính toán làm ăn, vẫn còn hộ khó hoàn vốn, nhưng theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Mường Tè, Lưu Mạnh Thắng nói thì: “Với những người nghèo có khát khao vượt lên số phận, một đồng, một hào làm vốn như là nắng hạn gặp mưa rào. Hiện nay, toàn huyện có trên 2.600 hộ nghèo và hộ cận nghèo được vay vốn phát triển kinh tế là một minh chứng cho những khát khao bứt phá đó. Những mô hình có thể chẳng có gì là hoành tráng bởi có thể đó chỉ là một con trâu, mấy chục con lợn, gà, ngan, vịt… nhưng đó cũng giống như những hạt mầm đầu tiên để đem đến những bữa cơm thêm tươm tất, những ngôi nhà bớt xiêu vẹo”.

Để nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến khắp các bản làng, thôn xóm, hỗ trợ người nghèo khó, từ trung tâm thị trấn tới các bản làng vùng biên của huyện Mường Tè hầu như ở đâu cũng có các đầu mối là 166 Tổ tiết kiệm và vay vốn và 14 Điểm giao dịch tại xã. Nhờ mạng lưới rộng khắp không chỉ nguồn vốn được quản lý, thu hồi hiệu quả mà việc hỗ trợ người vay tiền sử dụng đúng mục đích của đồng vốn, phát huy tối đa hiệu quả cũng được thực hiện khá nghiêm túc. Ông Lưu Mạnh Thắng chia sẻ thêm: Là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất vẫn là trình độ dân trí, tập quán canh tác, chăn nuôi còn chưa tiến bộ, bởi vậy, dù đã cho người dân vay vốn nhưng cán bộ của NHCSXH huyện Mường Tè vẫn phải thường xuyên lội suối băng đèo đến tận nhà người dân để xem họ sử dụng vốn đã đúng mục đích, đã hiệu quả chưa. Nhiều khi cán bộ tín dụng còn phải cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn tỉ mỉ, tận tình cho người dân cách thức sử dụng đồng vốn sinh lời để không chỉ hoàn vốn cho Nhà nước mà còn giúp đồng bào nghèo hơn mình thay đổi số phận.

Quan điểm cho cái cần câu chứ không phải con cá của Nhà nước một phần thể hiện ở các chương trình tín dụng của NHCSXH. Từ nguồn vốn cộng với sự theo dõi, giúp đỡ tận tình của cán bộ tín dụng cũng như những chương trình đào tạo tập huấn của Nhà nước, nhiều gia đình đã thoát được nghèo, giấc mơ về bát cơm đầy và cái bụng no đã hiện rõ. Còn đối với huyện Mường Tè, nguồn vốn ưu đãi được NHCSXH là một nguồn lực quan trọng giúp huyện thực hiện thành công nhiệm vụ giảm nghèo. Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, Trần Đức Hiển cho hay: “Trong những năm qua, NHCSXH huyện đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể các cấp triển khai hiệu quả nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, duy trì tốt hoạt động giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn và tăng cường kiểm tra giám sát nhằm giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích và phát triển kinh tế. Nhờ đó hàng năm đã có từ 5 - 6% số hộ được vay vốn thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 61,5% (theo tiêu chí mới)”.

Từ “chiếc cần câu” mà NHCSXH cung cấp, đã có những mẻ cá đầu tiên được thu về trong niềm vui thắng lợi của không chỉ người dân mà cả những cán bộ ngân hàng. Từ chiếc cần câu ấy, ắt hẳn rồi sẽ có thêm nhiều triệu phú, tỷ phú vùng biên xuất hiện giúp bức tranh kinh tế vùng biên viễn này ngày càng khởi sắc. 

Bài và ảnh Dư Khánh Kiên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác