Làm giàu từ món vay nhỏ

28/09/2016
(VBSP News) Thoát nghèo ở vùng đồng bằng đã khó, ở vùng núi cao còn khó hơn. Vậy nhưng, nhiều người dân nghèo ở Bắc Kạn đã không đầu hàng số phận. Với tinh thần lạc quan và quyết tâm làm giàu, họ đã có đời sống sung túc hơn với sự trợ giúp từ đồng vốn ưu đãi được NHCSXH cho vay.
Ông Hoàng Văn Tiệp khoe “sản phẩm” có được từ đồng vốn vay ưu đãi

Ông Hoàng Văn Tiệp khoe “sản phẩm” có được từ đồng vốn vay ưu đãi

Quyết tâm làm giàu

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, bố mất sớm, anh Hoàng Văn Lịnh ở thôn Nà Kẹn, xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn đã có ý thức tự lập từ nhỏ. Nghị lực ấy càng được hun đúc khi anh gặp được Tiểu đoàn Phó Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 210, Quân khu I Nguyễn Văn Chiến trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chính người thủ trưởng này đã dạy anh sống phải biết cống hiến. Đem tinh thần ấy trở lại quê hương, một lần nữa anh được các cán bộ tín dụng của NHCSXH tiếp sức, hiện thực hóa ước mơ thoát nghèo.

Năm 2008, anh Lịnh kết hôn. Hai vợ chồng được ông bà ngoại cho mảnh đất vườn làm kế sinh nhai. Với 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH tỉnh Bắc Kạn, anh Lịnh đầu tư trồng 150 gốc quýt đang được thị trường các tỉnh lân cận ưa chuộng. Cuộc sống bắt đầu đi vào ổn định thì năm 2010, anh Lịnh không may mắc bệnh u não. Từ đó đến nay, qua 3 lần phẫu thuật, căn bệnh quái ác đã lấy đi phần lớn sức khỏe và trí nhớ của anh. Không đầu hàng số phận, trừ lúc phải đi thăm khám định kỳ, thời gian còn lại anh dành hết tâm huyết cho vườn quýt, ao cá những mong xây dựng cho người vợ và hai đứa con một trai, một gái kháu khỉnh của mình một cuộc sống đủ đầy sung túc. Nghị lực ấy đã giúp anh có thêm sức khỏe để lao động và 2 năm sau trả hết khoản vay cho NHCSXH.

Cuối năm 2015, vợ chồng anh Hoàng Văn Lịnh tiếp tục được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH. Có thêm vốn, anh lại đào ao thả cá, mở rộng vườn quýt về Nà Kẹn và trở thành người đầu tiên trồng thành công giống quýt Quang Thuận tại địa bàn. Hiện tại, thu nhập từ quýt, cá… cũng khá nhưng cũng chỉ đủ để trang trải chi phí cho việc mổ và điều trị bệnh, khiến cuộc sống của gia đình 4 người vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, khi được hỏi về những kế hoạch dài hơi trong tương lai, Hoàng Văn Lịnh khoe: “Giờ gia đình em đã tạo dựng được một nền cơ bản, quýt, cá cũng bắt đầu cho thu hoạch, chúng em tập trung vào chăm sóc và mở rộng sản xuất, phấn đấu đến năm 2018 sẽ trả hết nợ”. Có lẽ ước mơ này không quá khó đối với một người nghị lực như Lịnh và quan trọng hơn, phía sau anh luôn tình yêu, sự đồng hành và ủng hộ hết mình của người vợ Nông Thị Đậm.

Một điển hình nữa mà chúng tôi có dịp trò chuyện là hộ cận nghèo Hoàng Văn Tiệp ở thôn Nà Diểu, TP Bắc Kạn. May mắn hơn Lịnh, ông Tiệp dù tuổi không còn trẻ nhưng bù lại có sức khỏe ít ai bì kịp. Thêm vào đó, ông luôn có sự trợ giúp của vợ và các con. Lần lượt vay của NHCSXH chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và hộ cận nghèo, ông Tiệp đầu tư trồng keo, nuôi cá, nuôi lợn giống. Đến nay, các mô hình này đã bắt đầu cho thu nhập. “Riêng năm nay, chúng tôi vượt kế hoạch năm khi chưa hết 9 tháng chúng tôi đã có 100 triệu đồng để gửi ngân hàng”, ông Tiệp phấn khởi khoe.

Chị Vũ Thị Hoa - cán bộ tín dụng phụ trách khu vực xã Nông Thượng cho biết, dù trình độ dân trí chưa cao, nhiều hộ vay không biết ký tên mình nhưng tất cả đều ý thức việc có vay, có trả và tìm mọi cách sinh lời cho đồng vốn. Hiện toàn xã có hơn 500 hộ đang còn dư nợ, với dư nợ hơn 1,7 tỷ đồng, nợ quá hạn rất thấp.

Nhiều trăn trở

Những điển hình chúng tôi gặp lần này, dù mỗi người mỗi hoàn cảnh, xuất phát điểm khác nhau nhưng ở họ đều có điểm chung là luôn lạc quan và quyết tâm làm giàu. Có người đã sung túc nhờ những đồng vốn nhỏ vay từ NHCSXH nhưng không ngừng mở rộng SXKD. “Đây cũng là cách mà chúng tôi đóng góp vào công cuộc giảm nghèo chung của tỉnh”, ông Hoàng Văn Tiệp chia sẻ.

Đánh giá về hoạt động của NHCSXH trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong công tác giảm nghèo và thực hiện Nghị quyết 76 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng cho hay, NHCSXH là một kênh giảm nghèo hữu hiệu của tỉnh. Các chương trình tín dụng do ngân hàng thực hiện đã góp phần giúp hơn 2.700 hộ vay vốn thoát khỏi ngưỡng nghèo, 1.100 hộ thoát khỏi cận nghèo, 5.000 hộ cải thiện đời sống, thu hút trên 800 lao động có việc làm, tạo điều kiện cho hơn 1.000 HSSV có tiền trang trải chi phí học tập…

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Phạm Duy Hưng, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao, đời sống của người dân nông thôn khu vực miền núi còn nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chưa sâu rộng nên nhận thức của một bộ phận cán bộ cơ sở và một số hộ nghèo còn hạn chế, có biểu hiện trông chờ, ỷ lại và không muốn thoát nghèo; các chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo hiệu quả còn thấp. Công tác rà soát, bình xét hộ nghèo còn nhiều bất cập về tiêu chí và biện pháp thực hiện, còn nể nang, né tránh, chưa phản ánh đúng đối tượng.

Thời gian tới, để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, Bắc Kạn xây dựng, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh mong muốn Chính phủ tiếp tục quan tâm tăng mức hỗ trợ đầu tư đối với tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách và các các huyện nghèo để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ phát triển sản xuất và tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Bài và ảnh Vũ Thái Bình

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác