Đổi thay ở Trường Yên

06/10/2016
(VBSP News) Những năm qua, xã Trường Yên thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã phát huy lợi thế của địa phương, xây dựng nhiều giải pháp, việc làm thiết thực giúp người dân giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Nông dân Trường Yên sử dụng vốn vay phát triển mô hình cá – lúa

Nông dân Trường Yên sử dụng vốn vay phát triển mô hình cá - lúa

Góp phần giải quyết việc làm cho lao động mất đất

Xã Trường Yên nằm trong khu quần thể danh thắng Tràng An, trong đó có khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư. Theo quy hoạch của tỉnh, để phục vụ cho các dự án phát triển du lịch, xã có trên 1.000 hộ nằm trong diện bị thu hồi hơn 200ha đất.Nhằm tạo việc làm cho lao động địa phương, xã đã phối hợp với các ngành, đoàn thể trong huyện mở các lớp dạy nghề khâu chăn bông cho trên 100 lao động có nhu cầu học nghề.

Trước đây, thôn Trường An là một trong những thôn được coi là địa bàn khó thực hiện tiêu chí giảm nghèo, bằng nỗ lực của nhân dân trong thôn, sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, hiện nay hộ nghèo của thôn giảm đáng kể. Bà Dương Thị Chúc - Trưởng thôn cho biết: Thôn có địa hình chạy dài, số hộ dân sống quanh các thung núi, đường đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, sự giao lưu kinh tế, chính trị, xã hội của nhân dân trong thôn hạn chế rất nhiều. Nhân dân trong thôn chủ yếu làm nông nghiệp. Vì thế, đời sống của nhân dân trong thôn khó khăn, nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo. Từ khi Nhà nước thu hồi đất 313 xây dựng Khu du lịch sinh thái Tràng An (chiếm 85% đất sản xuất nông nghiệp trong thôn), nên mỗi khẩu chỉ còn 100m2 đất sản xuất. Như thế, nếu chỉ dựa vào nông nghiệp một năm 2 vụ lúa thì mỗi khẩu sẽ chỉ có 60 - 80kg thóc/năm, đời sống nhân dân rất khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, các hộ trong thôn đã tìm nhiều hướng đi trong phát triển kinh tếgia đình. Một số hộ có khả năng kinh tế đã xây dựng các nhà hàng dịch vụ du lịch, nhiều người tham gia chở đò tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, chuyển đổi hình thức phát triển kinh tế nông nghiệp hộ gia đình như nuôi dê, trâu, bò, lợn phục vụ du lịch… Đồng thời, cùng với các chính sách cho vay vốn của NHCSXH, hỗ trợ xây, sửa nhà cho người nghèo, hỗ trợ KHKT trong sản xuất, chăn nuôi… đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Đổi thay rõ nhất của thôn đến nay 95% gia đình có nhà cao tầng kiên cố, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, kiên cố; an ninh trật tự thôn, xóm ổn định; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt gần 90%; hộ nghèo của xã năm 2013 còn 15 hộ, năm 2014 còn 7 hộ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Phích là một ví dụ. Ông là một trong nhiều hộ ở thôn Trường Yên, toàn bộ ruộng đất nằm trong diện thu hồi. Năm 2010, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, ông được Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân cho vay vốn và được vay 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của NHCSXH. Có vốn, ông đầu tư xây dựng mô hình kinh tế VAC. Với diện tích 2.000m2, ông đào ao nuôi cá, trồng rau 1.700m2; mở rộng chuồng trại chăn nuôi từ 40m2 lên 300m2, đàn lợn thường xuyên có từ 120 - 150 con. Trung bình mỗi năm ông xuất chuồng từ 70 - 80 tấn thịt lợn, đạt doanh thu 160 - 180 triệu đồng. Cùng với lợn, ông phát triển đàn dê, từ 15 con, đến nay đã có trên 100 con. Mỗi năm xuất chuồng 700 - 800kg, thu cả triệu đồng/năm.

Năm 2015 Trường Yên được công nhận xã nông thôn mới với thu nhập bình quân đạt 26 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,7%; hơn 91% lao động có việc làm thường xuyên…

Góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường

Không chỉ đồng hành cùng người dân thoát nghèo bền vững, NHCSXH còn hướng tới tín dụng xanh. Sào Khê, là con sông nhánh nối giữa 2 sông Hoàng Long và sông Vân, chảy qua khu di tích cố đô Hoa Lư và các làng cổ Trường Yên. Trước đây, con sông này bị ô nhiễm nặng, do nhiều hộ dân ở dọc hai bên bờ chăn nuôi lợn, xả thải trực tiếp xuống sông.

Dưới sự chỉ đạo của NHCSXH tỉnh, Phòng giao dịch huyện Hoa Lư đã phối hợp với xã Trường Yên, khảo sát thực tế, nhu cầu vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của các hộ thuộc 10 thôn dọc sông Sào Khê. Qua khảo sát 285 hộ có nhu cầu vay vốn. Theo chương trình, mỗi hộ được vay tối đa 12 triệu đồng/2 công trình.

Bà Hoàng Thị Vang ở thôn Tân Hoa, xã Trường Yên chia sẻ: “Gia đình tôi là một trong những hộ khó khăn, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Ngoài cấy mấy sào ruộng, tôi còn tận dụng vườn tược xây chuồng trại nuôi lợn, gà để cải thiện cuộc sống. Do khó khăn về kinh tế nên gia đình tôi chưa có điều kiện đầu tư kiên cố công trình vệ sinh, hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi nên môi trường chưa sạch sẽ và ảnh hưởng đến cảnh quan dòng sông Sào Khê. Nhờ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn triển khai vừa qua, gia đình tôi được vay 12 triệu đồng/2 công trình. Có vốn vay ưu đãi, tôi đã vay thêm tiền của anh em, họ hàng đầu tư xây dựng công trình vệ sinh và hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi. Từ ngày có hầm biogas, môi trường xung quanh được cải thiện rõ rệt, không còn mùi hôi thối của phân gia súc, gia cầm, hơn nữa gia đình tôi còn tiết kiệm đáng kể chất đốt nhờ dùng gas từ công trình này”.

Cũng được hưởng lợi từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gia đình chị Ngô Thị Hương được vay vốn với lãi suất ưu đãi để xây công trình nước sạch, công trình vệ sinh. Chị cho biết: “Trước đây, gia đình tôi dùng nước mưa và nước giếng phục vụ cho tất cả các sinh hoạt hàng ngày. Nguồn nước mưa hạn chế và phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, nước giếng chất lượng không đảm bảo, có thời điểm chuyển sang màu ố vàng và có mùi tanh dễ gây ra các dịch bệnh. Bên cạnh đó, công trình vệ sinh sơ sài, có mùi hôi làm ô nhiễm môi trường xung quanh, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của gia đình. Từ ngày được vay vốn ưu đãi, gia đình tôi đã lắp đặt đường ống dẫn, xây bể chứa, có nước sạch về tận nhà, công trình vệ sinh sạch sẽ phục vụ sinh hoạt hàng ngày của các thành viên trong gia đình”.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình, ông Nguyễn Văn Sang - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết: Đến nay, 100% hộ chăn nuôi dọc sông Sào Khê đã có hầm biogas. Chương trình không chỉ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho các hộ dân, mà còn góp phần cải tạo, giữ gìn, bảo vệ môi trường sông Sào Khê, trở thành tuyến du lịch đường sông vào các danh thắng của quần thể di sản Tràng An.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác