Phú Thọ giảm nghèo bền vững

06/10/2016
(VBSP) Sau 14 năm hoạt động, NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã cho vay trên 3.400 tỷ đồng với 12 chương trình tín dụng ưu đãi; đến nay đã có 42.389 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn thông qua 4.293 Tổ tiết kiệm và vay vốn trải khắp các thôn bản, khu dân cư từ miền trung du đến khu vực miền núi cao.
Tại Điểm giao dịch xã, phường, cán bộ tín dụng thuộc các Phòng giao dịch huyện, thị xã củaNHCSXH tỉnh Phú Thọ đang tận tình hướng dẫn người nghèo hoàn thiện thủ tục vay vốn

Tại Điểm giao dịch xã, phường, cán bộ tín dụng thuộc các Phòng giao dịch huyện, thị xã củaNHCSXH tỉnh Phú Thọ đang tận tình hướng dẫn người nghèo hoàn thiện thủ tục vay vốn

Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ, Trương Việt Phương thông tin, thời gian qua đơn vị đã tập trung huy động các nguồn lực tài chính, đồng thời tổ chức thực hiện chuyển tải nguồn vốn ưu đãi về đúng đối tượng thụ hưởng chính sách của Nhà nước. Cùng với sự tranh thủ nguồn vốn Trung ương, đơn vị đã huy động vốn từ ngân sách địa phương, từ các tổ chức, doanh nghiệp và huy động tiết kiệm thông qua qua Tổ tiết kiệm và vay vốn để bổ sung nguồn vốn ưu đãi cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Tinh thần chủ động của NHCSXH tỉnh Phú Thọ không chỉ thể hiện trong công tác huy động, tạo lập nguồn vốn hoạt động mà còn ở khâu tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội ở một địa bàn có 140/277 xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và 21% dân số miền núi.
Những năm qua, hầu hết các xã vùng sâu, vùng xa, xã điểm xây dựng nông thôn mới cùng hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào DTTS có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn ưu đãi, thuận tiện, kịp thời đầu tư vào SXKD, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Cùng hoạt động tín dụng chính sách được xã hội hóa công khai, NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã mở rộng phương thức cho vay uỷ thác qua các hội, đoàn thể, trong đó tập trung nâng cao chất lượng uỷ thác của các tổ chức hội, củng cố hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, hệ thống Điểm giao dịch tại xã. Nhờ vậy, vốn tín dụng ưu đãi được ưu tiên đầu tư tại những vùng nghèo, vùng kinh tế trọng tâm, trọng điểm và được người dân sử dụng đúng mục đích, đạt kết quả cụ thể.
Điển hình là các hội viên CCB các xã Yên Lương, Yên Lãng, Hương Cầm thuộc huyện Thanh Sơn vay vốn ưu đãi tham gia dự án phát triển đàn trâu bò 400 con; hội viên nông dân xã Văn Luông, huyện Tân Sơn đã sử dụng vốn vay hộ nghèo khôi phục và mở rộng 100ha vườn cây sơn, đến nay nâng mức thu nhập bình quân từ nghề nông lên 17 triệu đồng/người/năm. Còn ở xã Thượng Nông, huyện Tam Nông đồng vốn ưu đãi đã tạo sức bật cho nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Đào ở khu 5, xã Thượng Nông với 25 triệu đồng vay cách đây 5 năm đã đầu tư chăn nuôi lợn nái, gà thả đồi, cải tạo khu ruộng trũng cấy lúa 1 vụ thành vườn trồng đu đủ, chanh không hạt. Qua thời gian, vườn cây ăn quả xanh tốt, đàn gia súc phát triển đã giúp nhà chị Đào có nguồn thu nhập ổn đinh, trả nợ cho ngân hàng, tháng 5 vừa qua lại được vay tiếp 45 triệu đồng vốn ưu đãi chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo, thực hiện kế hoạch xây thêm chuồng trại, mua thêm cây con giống mở rộng cơ sở sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại.

Ông Trần Quang Hưng (ngoài cùng bên trái) đang giới thiệu sản phẩm của gia đình được sinh lời từ đồng vốn vay chính sách

Ông Trần Quang Hưng (ngoài cùng bên trái) đang giới thiệu sản phẩm của gia đình được sinh lời từ đồng vốn vay chính sách

Còn gia đình ông Trần Quang Hưng ở khu 4, xã Thượng Nông vay vốn chính sách phát triển nghề làm nấm và chăm lo chu đáo cho 2 người con theo học Đại học Bách khoa và Lâm nghiệp Hà Nội. Hiện gia đình ông có đàn bò 4 con và 20 giàn nấm sò, nấm mộc nhĩ cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động có mức thu nhập ổn định. Ông Hưng cho biết tất cả là “của dự trữ” để gia đình thực hiện ước mơ làm giàu ngay tại đồng đất quê hương bằng chính sức lao động của chính mình có sự hỗ trợ vốn vay của Nhà nước.
Để tín dụng chính sách hiệu quả hơn, NHCSXH tỉnh Phú Thọ sẽ bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, cấp uỷ, chính quyền địa phương tiếp tục đưa Chỉ thị 40 vào thực tiễn, tăng cường cho vay uỷ thác qua các hội, đoàn thể, duy trì nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, Điểm giao dịch xã, triển khai các giải pháp hữu hiệu để thu hồi nợ, lãi, đảm bảo chất lượng tín dụng phấn đấu tăng trưởng dư nợ cuối năm đạt 3.500 tỷ đồng, giảm tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,2%, góp phần phục vụ sự nghiệp giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh Tuấn Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác