Trở thành tỷ phú nhờ vốn ưu đãi

14/10/2016
(VBSP News) “Nhờ nguồn vay ưu đãi từ NHCSXH đến kịp thời, tôi đã có điều kiện mở rộng quy mô nuôi lên 400 con lợn/năm, trở thành một trong những hộ có trang trại nuôi lợn lớn nhất xã”. Đó là thổ lộ của ông Hoàng Văn Đặng ở xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì (Bắc Kạn).
Trang trại nuôi lợn của gia đình ông Hoàng Văn Đặng

Trang trại nuôi lợn của gia đình ông Hoàng Văn Đặng

Đầu tư trang trại khép kín

Trang trại nuôi lợn của ông Đặng nằm cách xa khu dân cư. Lối đi duy nhất vào khu trang trại được rắc vôi bột và có chứa dung dịch khử trùng. Ông Đặng giải thích: “Nuôi lợn quan trọng nhất là khâu phòng dịch bệnh. Ngoài tiêm phòng vaccine định kỳ, người nuôi lợn phải phòng tránh dịch bệnh lây lan từ bên ngoài”.

Chỉ vào khu chuồng trại đang xây dở, ông Đặng chia sẻ thêm, hiện ông đang đầu tư nuôi lợn nái siêu nạc với quy mô lên đến 100 con, chuồng trại có máy lạnh, máng ăn bán tự động, ước tính chi phí đầu tư lên đến cả tỳ đồng. Nhớ lại những ngày khởi nghiệp đầy gian nan, ông Đặng khẳng định có sự giúp sức từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. “Tôi bắt đầu nuôi lợn từ năm 2008. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, lại ít vốn nên chỉ nuôi nhỏ lẻ vài con. Từ năm 2012 đến nay, tôi được NHCSXH tỉnh Bắc Kạn cho vay 2 lần chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn với số tiền lên đến 70 triệu đồng. Có vốn, tôi mở rộng dần quy mô nuôi lợn. Lời lãi lứa này lại để đầu tư lứa sau”.

Cùng với việc mở rộng quy mô nuôi lợn, ông Đặng xây thêm 2 hầm biogas với tổng thể tích 70m³ để xử lý chất thải và tận dụng khí đốt phục vụ sinh hoạt. “Gần chục năm nuôi lợn, tôi chưa bao giờ để xảy ra dịch bệnh. Với quy mô nuôi 200 con lợn thịt/lứa, 2 lứa/năm, gia đình tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Tới đây, tôi nuôi thêm lợn nái, chủ động được con giống, chắc chắn thu nhập gia đình sẽ còn cao hơn nữa”, ông Đặng khẳng định.

13 chương trình tín dụng ưu đãi

Cũng được vay vốn chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, gia đình anh Đồng Văn Chiêm, người dân tộc Tày ở xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể lại đầu tư nuôi trâu, bò. Anh Chiêm thổ lộ: “Một buổi chiều cuối đông năm 2015, khi đàn trâu trở về thấy thiếu mất con trâu đực to đẹp nhất đàn, gia đình tôi vội vã chia nhau đi tìm nhưng cả đêm không thấy. Ba hôm sau, tôi thấy xác con trâu rơi xuống vực sâu dãy núi cách nhà khá xa…”.

Nhà anh Chiêm ở sâu phía trong lòng hồ Ba Bể, đường sá đi lại “ngăn sông cách núi”, mỗi lần đến kỳ phối giống cho đàn trâu bò rất vất vả. Cả trâu cả người đều phải lênh đênh trên hồ Ba Bể cả tiếng đồng hổ rồi phải cuốc bộ cả chục km đường rừng. Nếu không có trâu đực sẽ rất bất lợi. May mắn, đầu năm 2016, anh Chiêm được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng. Có tiền, ngay hôm sau anh Chiêm đi mua ngay 1 con trâu đực và 1 bò đực để chăm sóc. “NHCSXH đã tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi thì mình phải giữ được chữ tín của người vay vốn. Bây giờ, ngoài chú trọng công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn trâu, bò mà những ngày thời tiết bất lợi mình phải chăn dắt chúng nhằm tránh những rủi ro”, anh Đồng Văn Chiêm tâm sự.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Kạn, Hà Sỹ Côn cho biết: “Hiện, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đang thực hiện cho vay 13 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ hơn 1.774 tỷ đồng với 78.615 lượt hộ vay vốn, trong đó chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn có dư nợ 626 tỷ đồng với 23.148 lượt hộ vay. 

Bài và ảnh Thu Hà

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác