Tín dụng chính sách ở Bắc Quang

20/10/2016
(VBSP News) Mặc dù hoạt động trên địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống, trình độ nhận thức còn hạn chế, lạc hậu nhưng NHCSXH huyện Bắc Quang (Hà Giang) đã đoàn kết vượt khó, tận tâm chuyển tải kịp thời 223 tỷ đồng đến với người nghèo ở các bản, làng vùng sâu, vùng xa; đồng thời còn động viên, hướng dẫn bà con sử dụng vốn vay hiệu quả.
Vốn vay ưu đãi tiếp sức cùng người nghèo Bắc Quang

Vốn vay ưu đãi tiếp sức cùng người nghèo Bắc Quang

Giám đốc NHCSXH huyện Bắc Quang, Hoàng Thị Hới cho biết, đến hết tháng 9/2016 dư nợ cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn đạt 250 tỷ đồng, với 13 nghìn hộ vay. Nguồn vốn ưu đãi được bà con đầu tư vào chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng phát triển trang trại chăn nuôi, thâm canh vườn cam sành đặc sản và trồng rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Cùng với tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng chính sách cũng được nâng lên rõ rệt, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,16% tổng dư nợ.

Đạt được kết quả trên, trước hết là do NHCSXH huyện Bắc Quang luôn bám sát định hướng hoạt động của ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính, đồng thời tổ chức giải ngân kịp thời, nhanh chóng các nguồn vốn chính sách, từ nguồn vốn được giao mới, được cấp bổ sung đến nguồn vốn thu hồi nợ đến đúng đối tượng được thụ hưởng.

Đơn cử như gia đình chị Hoàng Thị Sức ở thôn Tân Thành, xã Bảnh Hành được vay 30 triệu đồng để nuôi trâu sinh sản. Sau 3 năm chăm sóc, chuồng trâu của nhà chị có thêm 2 con nghé khoẻ mạnh, giúp gia đình hoàn trả toàn bộ tiền vay cho ngân hàng. Năm 2014, chị Sức vay thêm 30 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi lợn giống, gà đồi, trồng cây ăn quả. Chị còn được vay 12 triệu đồng để bắc đường ống dẫn nước sạch về dùng và cải tạo lại công trình vệ sinh khép kín. Hiện tại, gia đình chị Sức có 4 con trâu, đàn gà thịt 250 con và 3 dãy chuồng lợn giống.

Ở Bắc Quang còn nhiều điển hình thoát nghèo nhờ đồng vốn ưu đãi như gia đình chị Hoàng Thị Sức, Nguyễn Văn Toản, Hoàng Văn La ở thôn Minh Thành, thị trấn Việt Quang. Điều đó chứng tỏ hiệu quả nguồn vốn chính sách và sự đổi mới trong công tác quản lý của NHCSXH huyện Bắc Quang. Ngay từ đầu năm 2016, NHCSXH đã giao nhiệm vụ cho từng cán bộ tín dụng phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể nhận uỷ thác vay vốn chính sách và chính quyền cấp xã triển khai thực hiện nắm danh sách, xác định đối tượng để vay vốn sát với nhu cầu thực tế, đáp ứng kịp thời vốn trong sản xuất. Với công tác thu nợ, thu lãi, hàng tháng NHCSXH cũng giao chỉ tiêu cho cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn, thường xuyên đôn đốc các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tính đến nay, toàn huyện Bắc Quang có 12.118 thành viên của 350 Tổ tiết kiệm và vay vốn tự nguyện gửi được 3,1 tỷ đồng tiền tiết kiệm. Số tiền này đã được NHCSXH bổ sung vào nguồn vốn dành cho một số đối tượng khó khăn khác có nhu cầu cấp thiết được vay.

Việc huy động người nghèo gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn có lợi cho cả ngân hàng và các hộ vay vốn. Đây không chỉ giúp dân sử dụng đồng vốn phát triển kinh tế hiệu quả, hình thành ý thức tiết kiệm mà còn giảm nhẹ gánh nặng trả nợ gốc, lãi cho người vay, giúp ngân hàng giảm nợ quá hạn, bảo toàn vốn và nâng cao chất lượng tín dụng.

Phát huy những kết quả đạt được, NHCSXH huyện Bắc Quang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ trong huy động vốn, tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2016

Bài và ảnh Đông Khánh

Một bình luận cho bài viết "Tín dụng chính sách ở Bắc Quang"

  1. Gia Góp ý:

    Cho e sin sdt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác