“Nhịp cầu” dẫn vốn tới phụ nữ nghèo

20/10/2016
(VBSP News) Theo báo cáo, Hội LHPN Việt Nam hiện đang quản lý 72.684 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ nhận thác của NHCSXH gần 60.000 tỷ đồng.
Có vốn trong tay, chị em phụ nữ đã tích cực chăn nuôi, tạo ra nhiều của cải cho gia đình và xã hội

Có vốn trong tay, chị em phụ nữ đã tích cực chăn nuôi, tạo ra nhiều của cải cho gia đình và xã hội

Khi chị em được vay vốn ưu đãi

“Trao tiền cho chị em thì ngân hàng rất yên tâm” - đó là chia sẻ rất chân tình của hầu hết các cán bộ NHCSXH tại các địa phương trong cả nước. Chia sẻ đó cũng phần nào minh chứng cho việc Hội LHPN Việt Nam là tổ chức có số vốn nhận ủy thác lớn nhất của NHCSXH trong số các đoàn thể khác.

Tính đến 30/9/2016, Hội LHPN Việt Nam đang quản lý 72.684 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ nhận thác của NHCSXH là gần 60.000 tỷ đồng, để cho 2.652.796 hộ gia đình phụ nữ nghèo vay. Trong đó tập trung ở các chương trình cho vay hộ nghèo (14.000 tỷ đồng); hộ cận nghèo (12.000 tỷ đồng); hộ thoát nghèo (4.000 tỷ đồng); HSSV có hoàn cảnh khó khăn (8.100 tỷ đồng) và cho vay giải quyết việc làm (2.500 tỷ đồng).

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Nguyễn Thị Tuyết cho biết: Thông qua ủy thác vốn vay của NHCSXH, Hội Phụ nữ đã thu hút thêm hội viên, phát huy vai trò trong việc tạo điều kiện cho chị em phụ nữ nghèo làm chủ hộ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi, kịp thời, giúp họ tự chủ trong việc phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, chị em còn chủ động hơn trong việc khai thác thế mạnh và điều kiện gia đình, địa phương, mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gắn sản xuất với thị trường, áp dụng KHKT, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.

Những đánh giá này đã được chúng tôi kiểm chứng trong chuyến công tác địa phương qua nhiều mô hình thoát nghèo bền vững của đồng bào từ vốn vay ưu đãi. Có thể khẳng định, tín dụng chính sách đã tiếp thêm sức mạnh, giúp cho nhiều chị em phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt chương trình giảm nghèo của địa phương.

Đơn cử như hộ gia đình phụ nữ nghèo Chu Thị Hồng, người dân tộc Tày ở thôn Mai Hạ, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên (Lào Cai) là điển hình về sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. Thông qua Hội Phụ nữ xã, năm 2009 gia đình bà Hồng được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng để mua nuôi trâu sinh sản. Có đồng vốn trong tay, cộng với khát vọng đổi đời bao đời nay, gia đình bà Hồng đã trở thành hộ khá giả. Bây giờ nhà bà đã có xe ô tô tải chở hàng, mở đại lý bán lẻ phân bón và có cả xưởng gỗ thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động quanh vùng.

Cũng với số tiền 30 triệu đồng được NHCSXH cho vay, gia đình chị Trần Thị Phíp ở thôn Giao Bình, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã đầu tư trồng tới 3ha rừng sản xuất (trồng cây mỡ) kết hợp với chăn nuôi gia súc. Đến nay, ngoài rừng mỡ sắp đến kỳ khai thác, chị Phíp còn có trang trại lợn 160 con. Hàng năm thu nhập từ sản phẩm rừng trồng và chăn nuôi khoảng 150 triệu đồng.

Đối với hội viên phụ nữ nghèo, nguồn vốn chính sách còn mở ra nhiều cơ hội cho chị em được tham gia sinh hoạt đầy đủ tại Tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua các buổi sinh hoạt như vậy, họ có cơ hội vượt qua rào cản về tập quán, thói quen lạc hậu của gia đình, của cộng đồng để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Nhiều chị em mạnh dạn tham gia thảo luận, trao đổi, học hỏi để nâng cao kiến thức, kỹ năng sống và phát triển sản xuất. Hoạt động tín dụng ưu đãi còn góp phần quan trọng nâng cao dân trí, phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ ở các vùng khó khăn.

Tiếp tục nâng cao chất lượng sử dụng vốn

Theo đánh giá của Hội LHPN Việt Nam, để đưa nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, tập trung ưu tiên cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở các huyện nghèo, các cấp Hội Phụ nữ cơ sở luôn luôn gắn vốn vay với chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp; các chương trình dạy nghề, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, định hướng thị trường,…

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là việc sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả là một bài toán khó đối với những đối tượng vay vốn, bởi nguyên nhân của sự đói nghèo đều xuất phát từ việc thiếu kiến thức, KHKT và cả công tác quản lý tài chính của từng hộ vay. Vì vậy, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo các cấp hội tập trung hướng dẫn chị em phụ nữ những kiến thức cơ bản về tài chính vi mô, phối hợp mở các lớp tập huấn kiến thức KHKT trồng trọt, chăn nuôi để chị em vận dụng vào phát triển sản xuất.

Đáng chú ý, ở một số địa phương, chị em còn tập hợp, liên kết với nhau để phát huy sức mạnh nội lực. Cụ thể như tập hợp nhau lại thành các Tổ hợp tác, các Tổ sản xuất, lấy đó làm ưu thế để tạo thương hiệu cho sản phẩm của mình. Từ đầu năm 2012 đến nay, đã có 4.583 mô hình Tổ hợp tác/Tổ liên kết được các cấp hội hỗ trợ thành lập, trong đó nguồn kinh phí Đề án 295 về Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015 đã hỗ trợ thành lập 217 mô hình (135 Tổ hợp tác, 82 Tổ liên kết). Đã có 68/217 mô hình hoạt động hiệu quả; có sự liên kết đầu vào, đầu ra và hỗ trợ quy trình sản xuất máy móc thiết bị hiện đại hơn, tổ chức sản xuất, trích khấu hao, xây dựng quỹ phát triển sản xuất và luân chuyển vốn để nhân rộng mô hình; duy trì việc làm thu nhập cho các thành viên.

Hầu hết chị em phụ nữ nghèo được vay vốn chính sách được hướng dẫn tham gia các Hợp tác xã, Tổ liên kết để mở rộng quy mô sản xuất, giảm chi phí SXKD, tăng vị thế trong đàm phán, ký kết hợp đồng, nhờ đó tăng giá trị sản phẩm. Hoạt động này góp phần không nhỏ trong việc khuyến khích ngày càng nhiều chị em phụ nữ tham gia mô hình kinh tế tập thể. Cùng với đó, các cấp hội chủ động phối hợp với NHCSXH tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội phụ trách hoạt động uỷ thác và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn những kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra giám sát nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro. Các cán bộ của hội và ngân hàng cùng phối hợp hướng dẫn hộ vay áp dụng những kiến thức KHKT vào sản xuất, tạo ra chuỗi sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao.

Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục phối hợp với NHCSXH tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ hội các cấp cơ sở và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Bên cạnh đó, Hội sẽ chú trọng đến công tác vận động hội viên ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS nhằm xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước, giúp hộ vay nhận thức, hiểu rõ trách nhiệm có vay, có trả, sử dụng đồng vốn thực sự hiệu quả cho gia đình và xã hội.

Bài và ảnh Đan Khuê

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác