Đồng hành cùng người nghèo

27/10/2016
(VBSP News) Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, Tuyên Quang đã thực hiện nhiều chính sách và đưa ra các giải pháp hiệu quả về giảm nghèo bền vững, trong đó nguồn vốn tín dụng ưu đãi góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Đa số người nghèo tại các xã của tỉnh Tuyên Quang vay vốn chính sách về nuôi trâu

Đa số người nghèo tại các xã của tỉnh Tuyên Quang vay vốn chính sách về nuôi trâu

Từ những giải pháp hữu hiệu, các cấp, các ngành trong tỉnh Tuyên Quang đã có cách làm khoa học, đưa tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm từ 34,83% năm 2011 xuống còn dưới 10% vào cuối năm 2015, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 giảm trên 5%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Bình Yên là xã khó khăn của huyện Sơn Dương, với 753 hộ, trong đó, 82% là đồng bào DTTS. Dân trí chưa cao, vốn cho SXKD lại thiếu, kinh tế chủ yếu là thuần nông, người dân đi làm thuê, làm mướn nhiều ở khắp các tỉnh, thành. Nỗi lo cơm áo không chỉ một mà là của rất nhiều hộ nghèo nơi đây.

Cuối năm 2015, Bình Yên có đến 400 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 54% dân số của xã. Trước tình hình đó, UBND xã Bình Yên đã xây dựng kế hoạch cụ thể giúp bà con giảm nghèo nhanh, trong đó có việc phối hợp với NHCSXH cho bà con vay vốn lãi suất thấp.

Đến thăm hộ gia đình nghèo Lương Thị Lành ở thôn Đồng Min, năm 2010, gia đình chị được vay 10 triệu đồng, nghĩ “con trâu là đầu cơ nghiệp” chị lấy cả số tiền vay mua ngay một con trâu vừa phục vụ ruộng đồng vừa để sinh sản. Sau 3 năm, làm ăn có lãi gia đình đã hoàn trả số tiền vay. Vừa qua, gia đình chị xin vay thêm 50 triệu đồng mua 3 con trâu để phát triển thành đàn. “Từ khi vay được vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh tế gia đình khá lên nhiều, sửa chữa được nhà, bếp và mua sắm được cả thiết bị nghe nhìn, phương tiện đi lại. Nếu không có NHCSXH đồng hành chắc gia đình không có cuộc sống như bây giờ”, chị Lành cho biết.

Giống như chị Lành, anh Nịnh Xuân Quế ở cùng thôn cũng gây dựng kinh tế từ nguồn vốn vay ưu đãi. Lớn lên trong hoàn cảnh gia đình rất nghèo, từ nhỏ anh đã phải lăn lộn đi làm phụ hồ. Anh chia sẻ: “Làm thuê, làm mướn cũng được 3 - 4 triệu đồng/tháng, nhưng để tiết kiệm sau đó làm việc lớn hơn sẽ rất khó”.

Thế rồi khi đang loay hoay trong những ngày tháng đi làm thuê xa nhà, năm 2014 anh được người thân trong gia đình thông tin NHCSXH là địa chỉ tin cậy cho người nghèo vay vốn ưu đãi. Suy nghĩ mãi, anh Quế mới quyết định nghỉ công việc làm thuê kiếm tiền, mạnh dạn đề xuất với tổ chức Hội Nông dân cho gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn, đề xuất NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng. Có tiền trong tay anh mua ngay 2 con trâu sinh sản. Nhờ chịu khó, cùng với việc chăm sóc đúng cách, cặp trâu của gia đình anh đã phát triển nhanh, béo khỏe.

Đưa chúng tôi tới thăm khu chuồng trại, anh Quế không giấu được sự vui mừng: “Cuộc sống giờ đã ổn định. Cặp trâu mới mua ngày nào sắp cho nghé con rồi đấy. Ngoài cặp trâu, tôi còn mua 5 sào đất đồi để trồng chè tăng thêm thu nhập. Nếu không có NHCSXH hỗ trợ về vốn, chắc tôi vẫn đi làm thuê thôi, không biết trông vào đâu và đến khi nào mới làm chủ được cuộc sống cho bản thân”.

Bà Lý Thị Nga - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đồng Min cho biết: “Hiện tại, thôn vẫn còn 62 hộ nghèo. Nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã và đang giúp cuộc sống của nhân dân bớt khó khăn hơn. Mong sao NHCSXH tiếp tục quan tâm đến bà con dân bản chúng tôi”.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Yên, Lương Thị Luyến cho biết: “Trong những chủ trương của địa phương để giúp bà con nhân dân giảm nghèo, thì việc kết hợp với NHCSXH là việc làm rất quan trọng. Vốn vay ưu đãi đã giúp những hộ nghèo tìm được hướng đi đúng trong phát triển kinh tế. Từ đó, đời sống được cải thiện, bộ mặt nông thôn cũng có nhiều đổi thay. Cái ăn, cái mặc không còn là nỗi lo của nhiều hộ gia đình trong xã nữa”.

Bài và ảnh Huyền Thu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác