Linh hoạt trong thực thi chính sách giảm nghèo

31/10/2016
(VBSP News) Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ 2017, Chính phủ cho biết sẽ đẩy mạnh giảm nghèo nhanh, bền vững theo chuẩn mới. Riêng các huyện nghèo, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm. Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu Quốc hội (ĐQBH) ghi nhận hiệu quả của tín dụng chính sách, nhất là trong việc thực hiện Nghị quyết 76/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững đến năm 2020 tại địa phương; đồng thời, đề xuất giải pháp sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn này.

Chính sách tín dụng đã thay đổi tư duy, cuộc sống người nghèo

Theo đánh giá của đại biểu Nguyễn Thị Phúc - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, tín dụng chính sách đã có những đóng góp thiết thực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bằng cách thức, thủ tục cho vay đơn giản, mạng lưới rộng khắp kết hợp với hướng dẫn sử dụng vốn vay phù hợp khả năng và điều kiện của hộ vay, NHCSXH đã thay đổi cuộc sống của nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và tái nghèo mà Quốc hội đã đặt ra trong giai đoạn 2011 - 2015.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Thị Phúc

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Thị Phúc

Tại Bình Thuận, qua giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh cho thấy, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện tốt các chương trình cho vay ưu đãi. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ kịp thời về vốn đã có thay đổi về tư duy, tập quán sản xuất, có thu nhập ổn định. Trên địa bàn tỉnh, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình SXKD mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt khá, từ 9,09% (cuối năm 2010) xuống còn 2,53% (cuối năm 2015), bình quân mỗi năm giảm 1,31%, vượt chỉ tiêu Trung ương giao.

Tuy nhiên, để giảm nghèo bền vững hơn rất cần các nguồn lực hỗ trợ ưu đãi từ Trung ương. Cùng với các tín dụng chính sách từ NHCSXH, các địa phương cần sáng tạo, tìm tòi cơ chế trợ giúp người nghèo. Đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với ứng dụng tiến bộ KHKT nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi để thúc đẩy công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hội nhập sâu rộng và bền vững, nhất là đối với các sản phẩm lợi thế của tỉnh như thanh long, nước mắm, hàng hải sản…

Giảm lãi suất linh hoạt

Đại biểu Phương Thị Thành - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết: Tại Bắc Kạn, tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh tăng hơn 66 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015 do thực hiện chuẩn nghèo mới và nâng mức cho vay tối đa một số chương trình tín dụng. Đã có gần 5.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để SXKD, học tập, xuất khẩu lao động, chuyển đổi nghề nghiệp… Qua đó giúp 112 lượt hộ đã thoát nghèo và có việc làm ổn định.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Phương Thị Thành

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Phương Thị Thành

Để giảm nghèo nhanh và bền vững, Chính phủ nên xem xét việc áp dụng một mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo. Ngoài ra, NHCSXH tỉnh cần ban hành cơ chế phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác trong việc thực hiện các  tín dụng chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý hoạt động vay vốn, bảo đảm các hộ vay vốn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách ưu đãi; tăng cường công tác thẩm định tín dụng nhằm hạn chế nợ xấu xảy ra. Tiếp tục chủ động trong huy động các nguồn vốn để thực hiện các tín dụng chính sách cho nhiều đối tượng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội, Nguyễn Hoàng Mai

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội, Nguyễn Hoàng Mai

Công cụ tốt chưa đủ, cần phải có người thực hiện tốt

Qua thực hiện Nghị quyết 76/2014 của Quốc hội, có rất nhiều chính sách giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Trong đó, tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện là công cụ giảm nghèo vô cùng hiệu quả. Cách thức tổ chức hiện nay của NHCSXH không chỉ giúp phần lớn các hộ vay sử dụng tốt đồng vốn mà còn giảm tỷ lệ nợ quá hạn xuống mức rất thấp.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, việc gắn kết giữa sử dụng vốn vay với chuyển giao khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu nền nông nghiệp chưa thực sự được quan tâm sát sao. “Nếu chúng ta làm tốt khâu này, dứt khoát nguồn vốn vay ưu đãi sẽ phát huy hiệu quả hơn nhiều. Một vấn đề nữa, trong thời gian tới, nhu cầu vốn rất lớn nhưng chúng ta đang thiếu nguồn để thực hiện. Một số chính sách đã ban hành nhưng thiếu nguồn lực để bổ sung cho NHCSXH triển khai, thậm chí, Nhà nước còn chậm cấp vốn điều lệ. Trong dự kiến ngân sách giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã bố trí nguồn vốn bổ sung cho NHCSXH - đây là tín hiệu vui đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách và cả những người làm công tác tín dụng ưu đãi”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội, Nguyễn Hoàng Mai cho biết.

Tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện trở thành công cụ giảm nghèo hiệu quả của Đảng và Nhà nước

Tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện trở thành công cụ giảm nghèo hiệu quả của Đảng và Nhà nước

Riêng đối với vùng lõi nghèo Tây Bắc - khu vực có địa hình, điều kiện tự nhiên khó khăn thì giảm nghèo cần có một giải pháp đồng bộ. Nhìn lại chương trình giảm nghèo cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ giảm nghèo, tỷ lệ các xã đạt nông thôn mới ở vùng Tây Bắc rất thấp. Nguyên nhân có nhiều, nhưng trước tiên là thói quen trông chờ vào nguồn lực từ bên ngoài, nhận thức và trình độ dân trí chưa cao. Do đó, để phát triển các vùng này thì điều đầu tiên phải khơi dậy ý thức vươn lên, ý thức làm giàu cho cả lãnh đạo lẫn người dân. Nhiều người khá, thôn, bản sẽ khá. Nhiều thôn, bản khá sẽ có xã, huyện khá. Thứ nữa là phải xây dựng tốt các mô hình giảm nghèo, với đồng bào, thay vì nói lý thuyết thì nên cầm tay chỉ việc sẽ hiệu quả hơn. Quan trọng hơn, phải xây dựng những điển hình, những người thủ lĩnh từ chính cộng đồng dân cư qua việc triển khai các mô hình để từ đó, đồng bào sẽ học theo, làm theo.

“Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của NHCSXH như một công cụ giảm nghèo hiệu quả nhưng nếu công cụ tốt thôi chưa đủ, quan trọng vẫn là con người thực hiện”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội nhấn mạnh.

Thái Bình thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác