Động lực để thoát nghèo bền vững
Năm 2011, gia đình ông Nguyễn Văn Chính ở thôn Viên Du, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương được vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo của NHCSXH để đầu tư chăn nuôi gia cầm. Nhờ chăm chỉ làm ăn và tiết kiệm, đến năm 2013, gia đình đã trả hết nợ ngân hàng và được xét thoát nghèo. Cuối năm 2015, gia đình ông Chính lại được vay vốn hộ mới thoát nghèo để củng cố kinh tế gia đình. Phấn khởi trước chính sách ưu đãi của Nhà nước, ông Chính hồ hởi cho biết: “Mặc dù đã thoát nghèo nhưng vốn liếng để đầu tư con giống vẫn rất eo hẹp. Nghe thông tin Nhà nước cho vay ngay cả khi đã thoát nghèo gia đình ông rất vui. Cuối năm 2015, ông đã làm thủ tục và được vay thêm 30 triệu đồng. Với số tiền được vay, ông đã mua một cặp bò sinh sản. Hiện, gia đình có đàn gà hơn 700 con, 2 con lợn và một cặp bò sắp cho thu lợi nhuận, dự kiến đến cuối năm gia đình tôi có thu nhập khoảng 20 triệu đồng”.
Cũng là hộ được xét thoát nghèo trong 2013 ở thôn Viên Du, gia đình bà Đỗ Thị Thụy luôn canh cánh nỗi lo tái nghèo, nay được thụ hưởng nguồn vốn vay mới bà không giấu được niềm vui.“Sau khi trả nợ đến hạn theo quy định tôi rất lo vì nguồn vốn tái sản xuất chẳng còn là bao, nếu không may làm ăn “thất bát” hay gia đình có người ốm đau sẽ quay lại tái nghèo. Được tin, NHCSXH cho vay ưu đãi đối với các hộ mới thoát nghèo, gia đình tôi đăng ký và được Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn làm hồ sơ. Tới đầu năm 2016, gia đình tôi được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng. Có vốn trong tay, tôi gom thêm tiền mua 1 cặp bò sinh sản. Giờ gia đình không còn lo lắng sẽ tái nghèo vì nguồn vốn đã tiếp sức giúp chúng tôi có cơ hội đầu tư phát triển kinh tế tránh tái nghèo”.
Theo thống kê của UBND xã Thanh Vân, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 26,2 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng/người/năm so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã năm 2011 là 6,18%, giảm còn 2,42% năm 2015 (tính theo chuẩn nghèo mới năm 2016 là 3,57%). Nhờ nguồn vốn của NHCSXH, nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư sản xuất, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Chính sách cho vay hộ mới thoát nghèo trên địa bàn đã bước đầu có hiệu ứng tốt; các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Vốn vay chủ yếu được đầu tư chăn nuôi lợn, trâu bò, gia cầm, chăn nuôi trang trại vừa và nhỏ.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Vân, Hoàng Thị Mơ cho biết: “Thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân xã đã phối hợp với NHCSXH huyện triển khai đúng quy trình, đúng thủ tục, giúp hộ mới thoát nghèo sớm có vốn đầu tư sản xuất. Đến nay, toàn xã có 19 hộ được vay với tổng dư nợ là 570 triệu đồng. Các đối tượng được vay vốn đều rất phấn khởi và hăng say sản xuất”.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh, Tạ Ngọc Thảo cho biết: Nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo được coi là một trong những chương trình tín dụng có sức lan tỏa lớn, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là các hộ dân. Nguồn vốn này kịp thời tiếp sức cho hộ mới thoát nghèo tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 3.818 hộ mới thoát nghèo được vay vốn để SXKD với tổng số tiền trên 154 tỷ đồng, mức vay bình quân 40,5 triệu đồng/hộ.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, công tác điều tra, rà soát tại một số địa phương còn hạn chế; một số hộ nghèo, hộ cận nghèo đã thoát nghèo nhưng chưa được đưa vào danh sách nên chưa được xem xét cho vay. Nguồn vốn cho vay đối với hộ mới thoát nghèo còn hạn chế, vẫn còn một số hộ mới thoát nghèo có nhu cầu chưa được vay vốn.
Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng cho hộ mới thoát nghèo, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh ban hành các văn bản để chỉ đạo UBND cấp xã lập danh sách các hộ mới thoát nghèo, tổng hợp báo cáo UBND cấp huyện phê duyệt làm cơ sở cho việc bình xét, cho vay. Các Phòng giao dịch cấp huyện xây dựng kế hoạch nguồn vốn hàng năm cho vay các chương trình tín dụng chính sách, trong đó có cho vay đối với hộ mới thoát nghèo, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ cho vay hộ mới thoát nghèo cán bộ ngân hàng, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và Ban Quản lý các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Lưu giữ đầy đủ danh sách các hộ mới thoát nghèo của xã đã được UBND huyện phê duyệt làm cơ sở thực hiện việc cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Chủ động phối hợp chặt chẽ với hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp để phối hợp triển khai thực hiện. Công khai chủ trương, chính sách, công khai quy trình, thủ tục cho vay, công khai danh sách các hộ được vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo tại Điểm giao dịch các xã.
Bài và ảnh Trung Huy
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » An tâm trong những ngôi nhà vượt lũ ở Quảng Bình
- » Ayun Pa chuyển mình
- » Có trâu để nuôi, có nước sạch để dùng
- » Linh hoạt trong thực thi chính sách giảm nghèo
- » Tín dụng chính sách: KÊNH KẾT NỐI DÂN - CHÍNH - ĐẢNG
- » Vì mục tiêu giảm nghèo bền vững
- » NHCSXH tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thi nghiệp vụ giỏi năm 2016
- » Vốn vay chính sách ở Bảo Thắng
- » “Khóa đào tạo giúp cho mỗi cán bộ cải thiện đáng kể về phương pháp tập huấn”
- » Linh hoạt trong cách tạo nguồn vốn cho vay ưu đãi tại Quảng Trị