Tín dụng chính sách: KÊNH KẾT NỐI DÂN - CHÍNH - ĐẢNG

31/10/2016
(VBSP News) Hoạt động tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện được Quốc hội Khóa XIII đánh giá là “điểm sáng” trong hệ thống chính sách giảm nghèo của Việt Nam. Bước sang giai đoạn mới, “kênh tín dụng này tiếp tục là công cụ giảm nghèo hiệu quả của Đảng, Nhà nước” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại Hội nghị triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra tại Hà Nội trung tuần tháng 10 vừa qua.
NHCSXH thực hiện giao dịch ngay tại UBND xã, phường, thị trấn giúp người nghèo dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

NHCSXH thực hiện giao dịch ngay tại UBND xã, phường, thị trấn giúp người nghèo dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

Không chỉ gần dân

Nói về mức độ bao phủ của NHCSXH, Trưởng nhóm tư vấn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Mariano Cordero cho biết, ông rất ngạc nhiên về mức tiếp cận sâu rộng, hiện diện ở tất cả các xã, phường, thị trấn vùng nông thôn, miền núi của hệ thống tín dụng này: 7 triệu khách hàng vay, chiếm 71% thị phần khách hàng; dư nợ cho vay người nghèo và đối tượng chính sách đạt trên 7 tỷ USD, chiếm 77% thị phần về cho vay. “Song, đáng nể hơn cả đó là việc các bạn đã kết nối và thu hút được các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và cả chính quyền các địa phương tham gia trong mạng lưới - điều mà không phải quốc gia nào cũng làm được”, ông Mariano Cordero cho biết.

Hiện nay, với 63 chi nhánh cấp tỉnh, 629 Phòng giao dịch cấp huyện và gần 11 nghìn Điểm giao dịch tại xã/phường/thị trấn trên cả nước; gần 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn do các hội, đoàn thể nhận ủy thác quản lý tại các thôn, xóm, bản, làng, đến tận vùng sâu, vùng xa, hải đảo; Chủ tịch UBND xã, huyện, tỉnh đều tham gia vào Ban đại diện HĐQT của NHCSXH tại địa phương… đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo, đồng bào DTTS tiếp cận dễ dàng, nhanh gọn với nguồn vốn chính sách của Nhà nước. Theo các đại biểu Quốc hội Khóa XIII, cách làm của NHCSXH đã đưa chính sách của Đảng, Nhà nước đến với dân; củng cố niềm tin trong dân và là điều kiện tiên quyết để xoá tình trạng “xã trắng về tín dụng”.

Chính vì vai trò quan trọng và sức lan tỏa rộng rãi của kênh tín dụng chính sách này mà Đảng ban hành Chỉ thị số 40 yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường sự lãnh đạo của mình đối với tín dụng chính sách xã hội. Trong buổi làm việc đầu năm Bính Thân với NHCSXH, khi còn là Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những kết quả đặc biệt xuất sắc của NHCSXH trong việc giảm nghèo nhanh, bền vững. Và nay, khi đã ở cương vị người đứng đầu Chính phủ, ông lại một lần nữa nhấn mạnh tới hoạt động của NHCSXH như là một bài học kinh nghiệm quý trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Kinh nghiệm ấy giúp người nghèo tự vươn lên, thoát nghèo bền vững.

… mà còn ở trong dân

9 tháng qua, tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho trên 119 nghìn lao động; giúp gần 22 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 1 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn; xây dựng hơn 7.500 căn nhà ở cho hộ nghèo, trong đó có trên 3.500 căn nhà phòng, tránh bão, lụt cho hộ nghèo tại các tỉnh miền Trung…

Hơn 14 năm thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước giao phó, NHCSXH đã kịp thời chuyển tải hơn 153 nghìn tỷ đồng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách; góp phần giúp hơn 28,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển SXKD; giúp trên 4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 3,2 triệu lao động, trong đó trên 107 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,4 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 8,1 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; trên 7,5 nghìn căn nhà tránh lũ cho hộ nghèo tại các tỉnh miền Trung; trên 104 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng ĐBSCL và gần 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc…

Cán bộ tín dụng NHCSXH thường xuyên trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra hiệu quả vốn vay trong dân

Cán bộ tín dụng NHCSXH thường xuyên trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra hiệu quả vốn vay trong dân

Những đóng góp của NHCSXH được thể hiện qua những con số ấn tượng về giảm nghèo, an sinh xã hội trên toàn quốc. Nếu ở Tây Bắc, bà con sử dụng vốn tín dụng chăn nuôi, kết hợp trồng hoa màu để thoát nghèo thì ở Tây Nguyên, đồng bào ổn định cuộc sống nhờ được hỗ trợ kịp thời nguồn vốn ưu đãi cho những vườn cà phê, hồ tiêu, cao su… Còn ở Tây Nam Bộ, vốn tín dụng cũng giúp phủ xanh những cánh đồng góp phần cho vay xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người dân, góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 con số xuống còn 4% - 5%. Cũng từ cách làm sáng tạo, tâm huyết của các thế hệ cán bộ tín dụng toàn hệ thống, đã xuất hiện hàng trăm mô hình thoát nghèo, hàng nghìn tấm gương sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi như: hộ gia đình hộ ông Lường Văn Tranh ở Mường Lay (Điện Biên); gia đình anh Tống Thanh Phúc ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp); hộ chị Rơ Chăm HĐưng ở Ia Pa (Gia Lai)… - những người không chỉ làm giàu cho chính gia đình mình mà còn tận tâm giúp đỡ những hộ cùng cảnh ngộ thoát khỏi đói nghèo.

Trở lại những bản, làng đặc biệt khó khăn của đất nước sẽ thấy, những câu chuyện đồng bào sử dụng vốn chính sách xóa đói bằng vài ba bữa rượu thịt đã không còn. Cảnh mang tiền vay về cho vào ống tre để “bảo toàn vốn” đến ngày trả nợ ngân hàng cũng ít nghe thấy. Đi đến đâu, cụm từ cán bộ tín dụng cũng được bà con nhắc đến với đầy yêu thương và tin tưởng. Câu chuyện “dân vận bầu cử” hồi giữa tháng 5 vừa qua là một minh chứng cho sự kết nối giữa Dân - Chính - Đảng của cán bộ toàn hệ thống NHCSXH. Và mới đây, khi mưa, lũ gây thiệt hại nặng nề cho đồng bào các tỉnh miền Trung, thành viên trong Ban điều hành đã kịp thời có mặt tại hiện trường để cùng chi nhánh địa phương động viên, giải quyết các vấn đề trong và sau lũ. Hơn 1.200 suất quà đã được trao tận tay bà con các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh - “đó là một miếng khi đói bằng một gói khi no” - những người dân ở Cẩm Xuyên, Hương Khê (Hà Tĩnh) và Tuyên Hóa, Ba Đồn Quảng Bình xúc động cho biết.

Xuyên suốt 14 năm thực hiện nhiệm vụ, vào những lúc khó khăn nhất, hoang mang nhất, người nghèo luôn có NHCSXH sát cánh. Các cán bộ ngân hàng không chỉ gần dân mà thực sự ở trong dân. Có lẽ bởi vậy mà công việc của các “cán bộ áo hồng” đã vượt ra khỏi nhiệm vụ của một tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, để kênh tín dụng vi mô này hoạt động hiệu quả hơn nữa, nên chăng trong quyết định ngân sách hàng năm, Quốc hội nên giao trực tiếp, tăng vốn và linh hoạt vốn cho NHCSXH. UBTVQH cần quy định một tỷ lệ nhất định từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương hàng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách.

Bài và ảnh Bình Nhi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác