Có trâu để nuôi, có nước sạch để dùng

04/11/2016
(VBSP News) Những năm qua, Hội Nông dân xã Nam Tiến, huyện Nam Trực (Nam Định) đã thực hiện tốt công tác uỷ thác cho vay vốn ưu đãi từ NHCSXH. Nhờ được vay vốn chính sách, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn xã đã vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Đàn bò từ “vốn chính sách” của gia đình chị Ngô Thị Ngoan

Đàn bò từ “vốn chính sách” của gia đình chị Ngô Thị Ngoan

Vững tin nuôi con ăn học

Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Tiến, Vũ Văn Ngoan cho biết, xác định nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH là kênh cấp vốn quan trọng cho hội viên nông dân để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống nên hội đã đẩy mạnh việc tập huấn nâng cao kiến thức về hoạt động ủy thác vay vốn cho cán bộ thôn, xóm. Hội Nông dân xã tích cực phối hợp NHCSXH huyện Nam Trực tạo điều kiện thuận lợi trong giải ngân nguồn vốn, nâng cao năng lực quản lý và sử dụng vốn vay cho hội viên.

“Bên cạnh việc giải ngân, Hội Nông dân còn thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ theo đúng quy định, đảm bảo không có nợ quá hạn phát sinh. Nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH đã góp phần tạo ra nhiều việc làm mới và giúp 100 -150 hộ hội viên nông dân thoát nghèo mỗi năm…”, ông Vũ Văn Ngoan khẳng định.

Gia đình chị Ngô Thị Ngoan ở xóm 16, xã Nam Tiến là một trong rất nhiều hộ nghèo của địa phương đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. Chị Ngoan kể: “Năm 2013, thông qua Hội Nông dân xã, gia đình tôi được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH. Kết hợp với số vốn tích góp được, gia đình tôi mua cặp bò và 2 con lợn nái về nuôi. Đến nay, đàn bò đã nhân lên thành 4 con. Có vốn đầu tư cho chăn nuôi, gia đình tôi lại còn được tạo điều kiện vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; vay vốn ưu đãi cho các con học đại học… Cái khó nào cũng được NHCSXH tạo điều kiện cho vay vốn khiến gia đình tôi và nhiều hộ vững tin hơn… ”.

Cũng giống như chị Ngoan, 3 năm trước hộ bà Đỗ Thị Nhờ, thôn Cổ Giả, xã Nam Tiến cũng được vay 30 triệu đồng chương trình tín dụng hộ nghèo để mua 2 con trâu và mua giống, phân bón trồng 3 sào rau. “Nguồn thu từ 3 sào rau đủ gia đình chi tiêu hàng ngày. Còn cặp trâu đã lớn rồi, sắp tới tôi sẽ bán, dùng một phần mua nghé về chăm, phần còn lại trả nợ ngân hàng và sửa sang lại nhà cửa…”, bà Nhờ tính toán.

Dẫn vốn kết hợp tập huấn kỹ thuật

Chị Nguyễn Thị Thìn - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 16, xã Nam Tiến cho hay: “Việc cho vay vốn qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp cho kênh vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng được thụ hưởng, minh bạch, an toàn và nhanh chóng. Trước khi vốn đến với bà con, chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, sinh hoạt tổ để tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới, qua đó các hộ có thể trao đổi kinh nghiệm, đề xuất phát triển các ý tưởng mới, mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện của mỗi gia đình và tình hình địa phương..

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Tiến là cầu nối giữa người dân với NHCSXH, Hội Nông dân xã luôn sát sao hoạt động của các Chi hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thông qua đó, hội nắm bắt nhu cầu vay vốn, tình hình sử dụng vốn, kị thời tham gia đề xuất, kiến nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách.

Hiện nay, Hội Nông dân xã Nam Tiến đang quản lý 18 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ ủy thác từ NHCSXH là 17,7 tỷ đồng cho 709 hộ vay vốn phát triển SXKD.

Trong thời gian tới, để đồng vốn chính sách phát huy hiệu quả hơn, Hội Nông dân xã Nam Tiến sẽ tăng cường tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, khuyến nông cho hội viên nông dân.

Bài và ảnh Kiều Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác