Tạo “cần câu” cho hộ nghèo huyện Tân Thành

11/11/2016
(VBSP News) Thời gian qua, huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp hộ nghèo vươn lên, trong đó việc hỗ trợ vốn, chuyển đổi ngành nghề cho các hộ nghèo đã thực sự phát huy hiệu quả. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Vườn rau trồng theo tiêu chuẩn VietGap của gia đình chị Trần Thị Ngọc

Vườn rau trồng theo tiêu chuẩn VietGap của gia đình chị Trần Thị Ngọc

Công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở huyện Tân Thành coi là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xác định rõ nguyên nhân dẫn đến cái nghèo là do người dân thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, trong những năm qua, huyện Tân Thành đã tập trung hỗ trợ vốn, chuyển đổi ngành nghề cho các hộ nghèo.

Là một trong những hộ nghèo theo chuẩn nghèo của địa phương giai đoạn 2011 - 2015, năm 2011, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Lĩnh ở ấp Phước Lộc, xã Tân Phước được Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp vay vốn của NHCSXH để phát triển sản xuất. Với số tiền vay ban đầu 20 triệu đồng, chị Lĩnh đã xây chuồng và mua 2 con heo nái về chăn nuôi. Nhờ khéo léo chăm sóc, lại tận dụng được rau, bắp trồng trong vườn, sau hơn một năm, 2 con heo nái đã sinh sản được 15 heo con. Từ tiền bán heo con, chị Lĩnh đã trả hết số nợ vay ban đầu, đồng thời làm hồ sơ vay tiếp 30 triệu đồng để tăng đàn và nuôi thêm gà, trồng rau màu. Nhờ đó, mỗi năm, chị có thu nhập 60 - 70 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng trọt. Năm 2013, gia đình chị được công nhận thoát nghèo bền vững.

Tương tự, gia đình chị Trần Thị Ngọc ở tổ 13, thôn Láng Cát, xã Tân Hải cũng là hộ nghèo theo chuẩn của địa phương, cuộc sống của 3 người trong gia đình chỉ dựa vào 4 sào đất trồng rau. Năm 2013, Hội Nông dân xã Tân Hải đứng ra tín chấp giúp gia đình chị Ngọc vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH. Với số vốn này, chị Trần Thị Ngọc đã đầu tư trồng rau theo chuẩn VietGAP. Vườn rau nhà chị được đầu tư hệ thống nhà màng, tưới phun tự động nên rau phát triển tốt và được một Công ty ở Vũng Tàu ký hợp đồng thu mua ổn định 6 tấn rau/tháng. Với giá bán 9.000 đồng/kg rau, sau khi trừ chi phí, chị Ngọc thu lãi hơn 20 triệu đồng/tháng. Chỉ sau một năm chuyển sang trồng rau theo hướng VietGAP, thu nhập của gia đình chị Ngọc tăng gấp 4 - 5 lần so với trước và được công nhận thoát nghèo. “Làm rau theo chuẩn VietGAP đạt hiệu quả rất cao, tôi dự định sẽ vay thêm vốn để mở rộng diện tích trồng rau theo mô hình này”, chị Ngọc nói.

Tính đến nay, dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân huyện Tân Thành đạt gần 98 tỷ đồng, với 4.242 lượt hộ hội viên vay. Trong 10 tháng năm 2016, qua bình xét, đã có hơn 100 hộ hội viên nông dân vay vốn sản xuất hiệu quả và thoát nghèo.

Ông Hoàng Trọng Nghĩa - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Thành cho biết, thời gian qua, Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương thường xuyên điều tra nắm tình hình SXKD của hộ nghèo. Qua đó, kịp thời phát hiện những mô hình sản xuất tốt, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao để nhân rộng trong cộng đồng. Đồng thời, có kế hoạch bổ sung nguồn vốn vay cho từng trường hợp cụ thể.

Theo ông Nghĩa, để phát huy hiệu quả đồng vốn, Hội Nông dân huyện thường xuyên phối hợp với các địa phương, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả như nuôi heo thịt, nuôi gà ta sinh học, nuôi dê… Qua đó, giúp các hội viên có thêm kiến thức ứng dụng vào sản xuất hoặc lựa chọn hướng đầu tư hiệu quả phù hợp với điều kiện từng gia đình. Nhờ triển khai nhiều giải pháp, đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Tân Thành chỉ còn 6,27%.

Bài và ảnh Ngô Thanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác