Cần ban hành lãi suất đặc thù cho hộ nghèo vùng khó khăn

23/11/2016
(VBSP News) Theo đánh giá của Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum A PỚT (ảnh), thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, thay đổi nhận thức để vươn lên thoát nghèo và xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, đối với hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Chính phủ cần quy định mức lãi suất cho vay thấp hơn so với mặt bằng chung để giúp bà con thêm cơ hội thoát nghèo bền vững.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum A PỚT

Vốn tín dụng giúp người dân xây dựng cuộc sống mới

Phóng viên: Qua giám sát thực tế, ông đánh giá thế nào về hoạt động của NHCSXH tỉnh Kon Tum, nhất là trong việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững đến năm 2020 theo Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội?

Trả lời: Chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước được triển khai thông qua hệ thống NHCSXH được nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất là với địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống và điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn như Kon Tum. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, thay đổi nhận thức để vươn lên thoát nghèo và dựng xây cuộc sống mới.

Những năm qua, NHCSXH tỉnh Kon Tum luôn bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là kế hoạch giảm nghèo từng năm, từng giai đoạn để tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh trong chỉ đạo và điều hành các Sở, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ. Đến nay, đã có 213 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh được vay vốn từ NHCSXH; 370 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; hơn 15.500 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng hơn 48.500 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn… Qua đó, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển về kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Phóng viên: Công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian vừa qua được triển khai như thế nào, thưa ông?

Trả lời: Trong những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có những chuyển biến tích cực. Ngoài các chương trình, dự án hỗ trợ từ Trung ương, sự vào cuộc mạnh mẽ của NHCSXH tỉnh, chúng tôi đã ban hành một số chính sách hỗ trợ đặc thù, sử dụng ngân sách địa phương như: Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chính sách phát triển sản xuất ở 20 xã trọng điểm đặc biệt khó khăn với mức 3,5 tỷ đồng/xã/năm và cấp bù lãi suất 0,3%/tháng cho hộ nghèo DTTS ở 20 xã này; Hỗ trợ hộ nghèo cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc; hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền; động viên, khuyến khích 5 triệu đồng/hộ cho hộ thoát nghèo bền vững…

Nhờ vậy, giai đoạn 2010 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 4,62%/năm (từ 33,36% vào năm 2010 xuống còn 10,26% vào năm 2015). Bình quân tỷ lệ hộ DTTS nghèo giảm 0,58%/năm (từ 5,9% vào năm 2010 xuống còn 3,01% vào năm 2015). Đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng ít nhất 1,75 lần so với đầu năm 2011.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao. Đến cuối năm 2015, tổng số hộ nghèo theo chuẩn mới là 31.496 hộ, chiếm tỷ lệ 26,11%; tổng số hộ cận nghèo 7.671 hộ, chiếm tỷ lệ 6,36%.

Lãi suất cho hộ nghèo vùng sâu phải thấp hơn

Phóng viên: Được biết, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3% - 4%/năm, riêng các huyện nghèo giảm từ 6% - 8%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, đảm bảo đến cuối năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng gấp 2 lần so với 2015. Xin ông cho biết, tỉnh đã có những chính sách gì để hỗ trợ cũng như thực hiện mục tiêu này?

Trả lời: Trong Đề án giảm nghèo tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh xác định và đặc biệt ưu tiên hộ nghèo trong các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách, dự án của Đề án để các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chỉ đạo triển khai thực hiện tốt, kiên quyết khắc phục và ngăn chặn tình trạng phát sinh hộ nghèo. Tăng cường lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hộ nghèo phát triển sản xuất, đặc biệt là nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường của hộ nghèo. Chú trọng thực hiện chính sách dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ; xây dựng Đề án hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất gắn với giữ vững an ninh biên giới. Thực hiện phân cấp, trao quyền tối đa cho các cấp, nhất là cấp cơ sở nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong điều hành và tổ chức thực hiện. Coi trọng vai trò và có chính sách cho già làng và người có uy tín ở vùng đồng bào DTTS trong công tác giảm nghèo…

Phóng viên: Theo ông, trong giai đoạn tiếp theo tín dụng chính sách cần điều chỉnh như thế nào để đạt hiệu quả cao hơn?

Trả lời: Để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn và sử dụng có hiệu quả vốn vay để SXKD của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, theo tôi cần tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tổ chức tốt việc lồng ghép, phối hợp có hiệu quả giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn; giữa hoạt động tín dụng của NHCSXH với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm giúp các đối tượng thụ hưởng sử dụng hiệu quả các nguồn vốn. Tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân, kịp thời phát hiện, chỉnh sửa những sai sót, tồn tại trong hoạt động tín dụng.

Đặc biệt, Chính phủ cần quy định mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thấp hơn so với mặt bằng chung.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Thái Bình thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác