“Đòn bẩy” tài chính giúp dân nghèo Đơn Dương vươn lên
Mặc dù Tây Nguyên đang vào mùa mưa dầm đầu tháng 11 nhưng cũng không ngăn cản được những bước chân của cán bộ NHCSXH đến những vùng sâu, vùng xa để trao nguồn vốn đến với những hộ dân còn khốn khó.
Xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương là vùng có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, tỷ lệ nghèo những năm trước cao nhưng nhờ có nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ có kinh tế khá. Tiêu biểu như gia đình bà Ka Sel ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Ròn chia sẻ: Gia đình bà Ka Sel trước đây rất nghèo do đông con, đất sản xuất ít, thu nhập chính của gia đình chủ yếu từ những đồng tiền ít ỏi đi làm thuê nhưng không ổn định. Mấy năm gần đây, nhờ được vay vốn đầu tư nuôi bò cùng sự chăm chỉ, chịu khó làm ăn nên thu nhập của gia đình đã bứt phá lên rất nhiều. Đặc biệt từ nguồn thu nhập của gia đình, gia đình bà bắt đầu tham gia gửi tiết kiệm tại NHCSXH với số tiền 2 triệu đồng/tháng.
Bà Ka Sel cho biết: “Tôi may mắn được các cấp chính quyền cùng NHCSXH quan tâm tạo điều kiện và tôi luôn luôn cố gắng làm sao để nhanh chóng trả hết vốn vay được từ nguồn ưu đãi của Nhà nước”.
Cùng làng với bà Ka Sel cũng có nhiều hộ đã vươn lên khá giả từ nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi bò sữa hay sản xuất hoa màu. Căn nhà khang trang vừa mới hoàn thành của CCB Lê Văn Khanh ở thôn Suối Thông B2, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương cũng là một minh chứng cho hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi này.
Thông qua Hội CCB đứng ra tín chấp với NHCSXH, ông Khanh đã được vay 30 triệu đồng (năm 2012) để đầu tư chăn nuôi bò sữa. Từ 1 - 2 con bò sữa hiện nay gia đình đã phát triển lên 17 con bò, trong đó 10 con đang khai thác sữa.
Ông Lê Văn Khanh cho biết: Chăn nuôi bò sữa hiện được xem là nghề đem lại thu nhập khá ổn định cho người nuôi. Với 10 con bò đang khai thác sữa, cho năng suất 2 tạ sữa/ngày, giá bán 14.000 đồng/kg, doanh thu mỗi ngày bình quân 3 triệu đồng.
Trong khi đó, gia đình anh Trần Nam Phi ở thôn Suối Thông B2, xã Đạ Ròn, trước đây cũng là hộ cận nghèo, sau khi được vay 30 triệu đồng để đầu tư trồng chuối đặc sản Laba. Hiện doanh thu từ bán chuối Laba bình quân mỗi tháng từ 50 - 60 triệu đồng.
“Mỗi gia đình, mỗi cách làm riêng, nhưng điểm chung là họ không chỉ đã thoát nghèo mà còn trở nên khá giả”, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Ròn cho biết.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, Nguyễn Thị Huệ cho biết, 14 năm qua, thông qua 13 chương trình tín dụng ưu đãi, chi nhánh đã chuyển tải hơn 2.572 tỷ đồng cho hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn để phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, giảm nghèo…
Hoạt động cho vay vốn ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội trong những năm qua của đơn vị đã có những tác động tích cực vào các chính sách, chương trình, dự án lớn của Trung ương, của tỉnh đang triển khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; chương trình xây dựng nông thôn mới… Đồng thời, góp phần không nhỏ vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đặc biệt là đối với vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Tại Hội nghị giảm nghèo năm 2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá công tác giảm nghèo của tỉnh trong những năm qua có sự đóng góp tích cực của NHCSXH. NHCSXH là người bạn đồng hành đáng tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách, đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 12,6% năm 2011 xuống còn 1,74% vào cuối năm 2015, phấn đấu hết năm nay giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 1,9%. Nếu so với tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới điều tra vào đầu năm 2016, thì tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 gần bằng 53% của năm 2011, cho thấy tính hiệu quả, bền vững trong việc triển khai các chương trình giảm nghèo tại các địa phương trong toàn tỉnh. |
“Để có được kết quả tốt như vậy, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến chính quyền cấp xã để chuyển tải vốn đến các đối tượng chính sách. Thông qua đó, đã bình xét đúng đối tượng, đôn đốc thu hồi nợ khó đòi, bố trí giao dịch thuận lợi…”, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Huệ nhấn mạnh.
Điều đặc biệt, trong cộng đồng người nghèo vay vốn của NHCSXH sau đó kinh tế ổn định và chính họ lại tiết kiệm gửi tại NHCSXH. Hiện nay, số dư tiền gửi tiết kiệm toàn tỉnh Lâm Đồng đạt trên 11 tỷ đồng, trong đó có 95% hộ có vay vốn của NHCSXH”, bà Nguyễn Thị Huệ cho hay.
Trong quá trình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, đơn vị không chỉ cho vay mà còn tư vấn, định hướng các hộ sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích; phối hợp với chính quyền, các hội, đoàn thể các cấp tổ chức phổ biến, hướng dẫn các hộ áp dụng KHKT vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, nâng cao thu nhập; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tại các địa phương, hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay vốn…
Có thể nói, với phương thức cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng không những chuyển kịp thời đồng vốn đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách để tổ chức sản xuất, vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu mà còn góp phần vào việc củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia các phong trào khác.
Bài và ảnh Đặng Tuấn
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đồng bào DTTS ở Kiên Giang vay vốn chính sách phát triển kinh tế gia đình
- » Người nghèo ở U Minh vay vốn làm giàu
- » Khá giả nhờ vốn vay ưu đãi
- » Thay đổi tư duy làm kinh tế của đồng bào vùng cao Mường Lát
- » Nỗ lực trong công tác giảm nghèo
- » Mang yêu thương đến với học sinh khuyết tật vượt khó học giỏi tại Nghệ An và Hà Tĩnh
- » Thoát nghèo trên đất “tọa độ lửa”
- » “Chìa khóa” cứu sinh cho người nghèo ở Quảng Bình
- » Chuyện “Ba không” ở xã Vĩnh Đồng
- » Tạo “cần câu” cho hộ nghèo huyện Tân Thành