Khá giả nhờ vốn vay ưu đãi
Gia đình ông Trần Hiệp ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh trước đây thuộc diện hộ nghèo. Cả nhà 4 miệng ăn chỉ trông nhờ vào công việc làm thuê làm mướn của ông Hiệp và gánh cá chợ buổi sớm của vợ ông. Năm 2011, ông Hiệp làm đơn vay 20 triệu đồng của NHCSXH huyện Vạn Ninh, đầu tư 5 lồng bè nuôi tôm hùm.
Lứa đầu xuất bán, ông thu lời hơn 100 triệu đồng. Có vốn, ông tiếp tục mở rộng ô nuôi. Nhờ đó, đến nay, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giả, nhà cửa được xây dựng mới khang trang, con cái được đi học đàng hoàng. “Để mở rộng quy mô nuôi tôm, năm 2015, gia đình tôi vay thêm NHCSXH 30 triệu đồng. Đến nay, gia đình đã có 15 ô lồng, thả nuôi hơn 1.000 con tôm hùm. Hiện tôm đã đạt trọng lượng hơn 1,5kg/con, nuôi thêm một vài tháng nữa là xuất bán, ước tính đợt nuôi này sẽ thu lời hơn 200 triệu đồng. Gia đình tôi có được cuộc sống khá giả hôm nay là nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH”, ông Hiệp cho hay.
Còn cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Thứ cũng ở thôn Đầm Môn, giờ cũng đã bớt khó khăn hơn trước nhờ vay vốn ưu đãi đầu tư đóng mới ghe thuyền đánh bắt hải sản. Ông Thứ kể: Trước đây, gia đình sống bằng nghề thu gom sắt vụn, ve chai. Năm 2000, trong lúc thu gom, một quả đạn phát nổ khiến ông bị cụt mất bàn tay phải và mù một mắt.
Điều trị khỏi vết thương, ông bỏ hẳn nghề lượm ve chai, sắt vụn rồi xin đi ghe đánh bắt hải sản cùng với người anh họ. Thế nhưng, nghề đi biển cũng thất thường, thu nhập thấp, đứa con trai đầu của gia đình ông học đến lớp 7 phải bỏ ngang vì không có tiền đóng học phí. Năm 2015, chính quyền xã đã hướng dẫn cho gia đình ông làm thủ tục vay hơn 20 triệu đồng từ nguồn vốn của NHCSXH, đầu tư đóng mới chiếc ghe 20CV và mua sắm lưới đánh bắt hải sản ven bờ. Giờ đây, bằng nghề đánh lưới, mỗi tháng, gia đình ông thu nhập ổn định hơn. Nhờ đó, cuộc sống vơi bớt khó khăn.
Giám đốc NHCSXH huyện Vạn Ninh, Nguyễn Thành Long cho biết, đến nay, dư nợ 8 chương trình cho vay đạt 235 tỷ đồng, với 15 nghìn hộ vay vốn. Từ đầu năm 2016 đến nay, đơn vị đã giải ngân 76 tỷ đồng, cho 4.000 hộ vay vốn. “Dự kiến đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục giải ngân khoảng 2 tỷ đồng. Trong đó, 1 tỷ đồng dành cho hộ nghèo và 1 tỷ đồng dành cho những hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn”, ông Long nói.
Ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của huyện phát triển ổn định. Số lượng hộ nghèo từng năm giảm đáng kể, đời sống của người dân dần được nâng cao. Có được kết quả đó nhờ sự góp sức không nhỏ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ phía NHCSXH.
Bài và ảnh Văn Giang
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thay đổi tư duy làm kinh tế của đồng bào vùng cao Mường Lát
- » Nỗ lực trong công tác giảm nghèo
- » Mang yêu thương đến với học sinh khuyết tật vượt khó học giỏi tại Nghệ An và Hà Tĩnh
- » Thoát nghèo trên đất “tọa độ lửa”
- » “Chìa khóa” cứu sinh cho người nghèo ở Quảng Bình
- » Chuyện “Ba không” ở xã Vĩnh Đồng
- » Tạo “cần câu” cho hộ nghèo huyện Tân Thành
- » Chính sách phải đi đôi với nguồn lực
- » Khi người nghèo được trao “cần câu”...
- » Những “trợ thủ” đưa vốn đến trúng đích