Thay đổi tư duy làm kinh tế của đồng bào vùng cao Mường Lát

16/11/2016
(VPSB News) “Nguồn vốn tín dụng ưu đãi do NHCSXH triển khai thực hiện đã giúp người dân huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa) phát triển sản xuất, góp phần thay đổi tư duy từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; đưa những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần giảm nghèo tại địa phương ”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, Phạm Bá Điểm cho biết.

Được vay vốn của NHCSXH, cùng với sự hướng dẫn của hội, đoàn thể, đồng bào DTTS Mường Lát đã biết cách sử dụng đồng vốn vay phát triển kinh tế gia đình

Được vay vốn của NHCSXH, cùng với sự hướng dẫn của hội, đoàn thể, đồng bào DTTS Mường Lát đã biết cách sử dụng đồng vốn vay phát triển kinh tế gia đình

Tìm hiểu về hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, cùng với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Poọng, xã Quang Chiểu, chúng tôi tới thăm gia đình ông Lương Văn So, người dân tộc Thái. Được biết, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH Mường Lát, gia đình ông đã đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng rừng khá hiệu quả. Đến nay đã trở thành hộ kinh tế khá trong bản.

Ông So cho biết, năm 2010, gia đình ông nuôi 3 con bò sinh sản, do muốn mở rộng phát triển chăn nuôi ông tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn của bản Poọng, được vay 30 triệu đồng chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để mua thêm 1 con bò giống và mở rộng diện tích trồng rừng. Kinh tế phát triển, năm 2013, gia đình trả hết nợ cũ của ngân hàng và tiếp tục vay mới 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò. Đến nay, đàn bò của gia đình ông đã tăng lên 23 con, với tổng giá trị gần 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình ông So còn được ngân hàng cho vay 12 triệu đồng chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đầu tư xây dựng công trình phụ khép kín, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hay như gia đình Lâu Hơ Pó ở bàn Pù Toong, xã Pù Nhĩ đã sử dụng 30 triệu đồng vốn vay chính sách gieo cấy được 3 sào lúa nước cao sản, mỗi năm sản xuất 2 vụ thu 2 tấn thóc. Nhân đà thắng lợi, anh Pó vay tiếp vốn chính sách lần 2 để chăn nuôi bò thịt, trâu sinh sản. Hiện nhà anh thoát nghèo, còn dư dả mua sắm tủ lạnh, xe máy, máy vi tính cho con về thành phố học tập.

Để giúp người dân nghèo tiếp cận được với đồng vốn ưu đãi, theo chia sẻ của Giám đốc NHCSXH huyện Mường Lát, Trần Văn Hoàng, trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, NHCSXH huyện Mường Lát đã thông qua hoạt động ủy thác vay vốn với 4 tổ chức hội, đoàn thể. Đồng thời, duy trì hoạt động của các Điểm giao dịch tại tất cả các xã, thị trấn trong toàn huyện cũng như không ngừng củng cố, nâng cao hoạt động của gần 100 Tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức hội, đoàn thể quản lý ở cơ sở để giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực sự phát huy được vai trò trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách tại địa bàn các thôn, bản.

Có được vốn đã khó nhưng để đồng vốn sinh lời lại càng khó hơn, nhất là với các hộ nghèo vùng cao, đồng bào DTTS. Do đó, NHCSXH huyện Mường Lát không chỉ cho vay mà còn tư vấn, hỗ trợ các hộ sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích. Tích cực phối hợp với các đoàn thể phổ biến, hướng dẫn các hộ dân vay vốn áp dụng KHKT vào SXKD, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cùng với đó, NHCSXH huyện Mường Lát tăng cường kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tại các xã, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay vốn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; quy trình, chế độ nghiệp vụ, đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả sử dụng vốn theo đúng mục tiêu chương trình tín dụng đặt ra. Đến hết tháng 10/2016, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Mường Lát đạt trên 130 tỷ đồng, cho 5.000 hộ vay. Trong đó, cho vay hộ nghèo là 50 tỷ đồng, với 3.000 hộ vay; 1.296 hộ vay chương trình tín dụng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn với số tiền 33 tỷ đồng,…

Bài và ảnh Khánh Phương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác