Tọa đàm trực tuyến về tín dụng chính sách đồng hành với bà con vùng lũ

25/11/2016
(VBSP News) Với người nghèo ở dải đất hẹp miền Trung, cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều lam lũ, khó nhọc. Những trận mưa, bão, lũ, rồi sự cố môi trường biển càng làm cho đời sống, sản xuất của bà con khó khăn gấp bội. Cùng giúp bà con miền Trung vượt qua chặng đường gian khó, những ngày qua NHCSXH đã có những hành động thiết thực: Tặng quà cho bà con; Khẩn trương rà soát, đánh giá thiệt hại sản xuất từ nguồn đầu tư tín dụng để đề xuất khoanh nợ, giảm, giãn nợ, đồng thời tích cực triển khai cho vay mới để tái sản xuất... Để đánh giá và làm rõ vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách trong việc giúp ổn định đời sống nhân dân, cũng như giải đáp vướng mắc, băn khoăn của các đối tượng vay vốn tại khu vực trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách phát triển kinh tế gia đình, giúp họ vượt qua khó khăn, giảm nghèo bền vững, NHCSXH vừa phối hợp với Báo Thanh niên tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Tín dụng chính sách đồng hành cùng bà con vùng lũ”.
Các khách mời tham gia trực tuyến được đại diện Báo Thanh niên tặng hoa

Các khách mời tham gia trực tuyến được đại diện Báo Thanh niên tặng hoa

Các khách mời tham gia buổi tọa đàm trực tuyến gồm Giám đốc Ban Quản lý nợ và Xử lý rủi ro NHCSXH Nguyễn Thị Liễu; Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH Hồ Lan Hương; Phó Giám đốc Ban Kế hoạch nguồn vốn NHCSXH Đinh Xuân Hùng và Phó Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông NHCSXH Nguyễn Việt Hải.

Sau đây là nội dung buổi tọa đàm trực tuyến đã được phóng viên VBSP News lược ghi lại.

Bạn đọc Thu Thủy (Quảng Trị) hỏi: Đợt lũ lụt vừa qua đã có hàng trăm nghìn hộ dân bị ngập lụt, hàng chục nghìn héc-ta hoa màu, ruộng vườn bị mất trắng, thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nguy cơ tái nghèo đang hiện hữu. Đến thời điểm này, NHCSXH đã có giải pháp như thế nào để hỗ trợ người dân vùng lũ?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo (TDNN) Hồ Lan Hương: NHCSXH đã kịp thời phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương và khách hàng vay vốn tại NHCSXH nắm bắt những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Căn cứ theo mức độ của từng khoản vay, NHCSXH nơi cho vay phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ và đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định. Đồng thời, NHCSXH Trung ương đã thông báo bổ sung tăng chỉ tiêu dư nợ để các chi nhánh tiếp tục cho vay vốn khôi phục SXKD, từng bước ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội.

Phó Giám đốc Ban TDNN Hồ Lan Hương trả lời bạn đọc

Phó Giám đốc Ban TDNN Hồ Lan Hương trả lời bạn đọc

 

Bạn đọc Minh Phương (Phú Yên) hỏi: Tôi nghe nói NHCSXH có chính sách hỗ trợ người nghèo vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt xây nhà tránh lũ. Mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay, vậy tôi cần những thủ tục gì, và đến đâu để được hướng dẫn làm thủ tục vay vốn?

Phó Giám đốc Ban TDNN Hồ Lan Hương: Để được tiếp cận nguồn vốn vay chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt, trước hết hộ vay phải có tên trong danh sách hộ nghèo được vay vốn tại Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt do UBND cấp huyện phê duyệt.

Tại các thôn, bản, hiện có các Tổ tiết kiệm và vay vốn do Trưởng thôn hoặc các hội, đoàn thể tại địa phương thành lập để kết nạp và bình xét đối tượng được vay vốn NHCSXH, do đó hộ có nhu cầu vay vốn sẽ gặp Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn nơi cư trú để gia nhập tổ hoặc hộ có thể hỏi tại Phòng giao dịch của NHCSXH trên địa bàn để được hướng dẫn các trình tự và thủ tục vay vốn.

Bạn đọc Hoàng Hà (TP Hà Nội) hỏi: Thiên tai lũ lụt, mất nhà cửa, mất ruộng vườn là điều không ai mong muốn. Trong trường hợp nào thì người dân được khoanh nợ, trường hợp nào được xóa nợ?

Giám đốc Ban Quản lý nợ và xử lý rủ ro (QLN&XLRR) Nguyễn Thị Liễu: Khách hàng bị thiên tai lũ lụt, mất nhà cửa, mất ruộng vườn được xem xét khoanh nợ, xóa nợ trong các trường hợp sau:

Trường hợp được xem xét khoanh nợ: khi khách hàng gặp rủi ro do thiên tai lũ lụt với mức độ thiệt hại về vốn và tài sản từ 40% đến 100%. Trong đó: khoanh nợ tối đa 3 năm nếu mức độ thiệt hại về vốn và tài sản từ 40% đến dưới 80%, khoanh nợ tối đa 5 năm nếu mức độ thiệt hại từ 80% đến 100%.

Trường hợp được xem xét xóa nợ khi rủi ro xảy ra liên quan đến con người như: khách hàng chết, mất tích, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt không nơi nương tựa mà không còn tài sản để trả nợ, không có người thừa kế hoặc người thừa kế thực sự không có khả năng trả nợ thay cho khách hàng.

Giám đốc Ban QLN&XLRR Bà Nguyễn Thị Liễu giải đáp những thắc mắc của độc giả

Giám đốc Ban QLN&XLRR Bà Nguyễn Thị Liễu giải đáp những thắc mắc của độc giả

 

Bạn đọc Phương Anh (TP Hồ Chí Minh) hỏi: Tôi hiện đang vay vốn 30 triệu đồng hộ nghèo của NHCSXH để nuôi lợn và gia cầm. Đợt lũ vừa qua, nhà cửa, vườn tược, gia súc, gia cầm đều trôi theo dòng nước lũ. Không biết sẽ được hỗ trợ và sẽ gia hạn nợ thế nào? Quy trình xử lý nợ rủi ro ra sao?

Giám đốc Ban QLN&XLRRNguyễn Thị Liễu:Các biện pháp xử lý nợ bị rủi ro: Khi gặp rủi ro như trên khách hàng có thể được NHCSXH hỗ trợ thông qua hai biện pháp gia hạn nợ hoặc khoanh nợ.

- Khách hàng được xem xét gia hạn nợ khi mức độ thiệt hại về vốn và tài sản dưới 40%, khách hàng có thể được gia hạn nợ một hay nhiều lần đối với một khoản vay nhưng tổng số thời gian được gia hạn nợ không quá 12 tháng đối với cho vay ngắn hạn và không quá 1/2 thời hạn cho vay ghi trên Sổ tiết kiệm và vay vốn đối với cho vay trung hạn.

- Khách hàng được xem xét khoanh nợ tối đa 3 năm nếu mức độ thiệt hại về vốn và tài sản từ 40% đến dưới 80%, khoanh nợ tối đa 5 năm nếu mức độ thiệt hại từ 80% đến 100%.

Quy trình xử lý nợ bị rủi ro:

- Khi gặp rủi ro khách hàng điền các thông tin cần thiết vào Đơn đề nghị xử lý nợ theo mẫu có sẵn của NHCSXH nêu rõ nguyên nhân thiệt hại, mức độ thiệt hại, khả năng trả nợ gửi NHCSXH nơi vay vốn.

- NHCSXH nơi cho vay kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp các giấy tờ do khách hàng gửi; phối hợp với khách hàng, Chủ tịch UBND cấp xã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, đại diện cơ quan chuyên ngành (cơ quan thú y, phòng chống bão, lụt,…) lập Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản bị thiệt hại.

Bạn đọc Văn Minh (Bình Định) hỏi: Đề nghị NHCSXH thông tin cho bà con chúng tôi sẽ phải làm những thủ tục như thế nào để gia hạn nợ, tiếp tục được vay vốn tái sản xuất đầu tư SXKD?

Phó Giám đốc Ban TDNN Hồ Lan Hương: Để tạo điều kiện cho các hộ gia đình có dư nợ vay bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua và những khách hàng vay vốn NHCSXH để SXKD bị rủi ro do nguyên nhân khách quan như: thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn,… có vốn tái sản xuất đầu tư SXKD, NHCSXH đang hướng dẫn thực hiện cho vay bổ sung vốn để khôi phục SXKD đối với những chương trình thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng quản trị NHCSXH. Đối với những chương trình thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH sẽ kiến nghị trình trong cơ chế xử lý nợ rủi ro của NHCSXH (dự kiến trong đầu năm 2017).

Bạn đọc Kiều Thanh (TP Đà Nẵng) hỏi: Có thể thấy rõ hiệu quả của Chương trình cho vay nhà tránh lũ, sau đợt lũ vừa qua. Được biết, hết năm 2016 thì chương trình sẽ kết thúc. Theo khảo sát, về phía người dân vẫn mong muốn được vay nhưng để được ngôi nhà an toàn thì mức vay còn thấp, ý kiến của NHCSXH về vấn đề này?

Phó Giám đốc Ban TDNN Hồ Lan Hương: Những ý kiến của người dân mong muốn vẫn được vay chương trình cho vay nhà tránh lũ và nâng mức cho vay để ngôi nhà an toàn là chính đáng. Tuy nhiên, đây là chương trình tín dụng hỗ trợ, do đó ngoài nguồn vốn vay NHCSXH, còn có sự tham gia đóng góp của hộ gia đình và huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng để đảm bảo xây dựng đúng quy mô và chất lượng theo quy định.

Những kiến nghị của bà con, NHCSXH xin tiếp thu và sẽ tiếp tục cùng với các Bộ, ngành nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ để kéo dài thời gian thực hiện chương trình và tăng mức cho vay.

Bạn đọc Thùy Dương (TP Hà Nội) hỏi: Đề nghị NHCSXH thông tin cho bà con chúng tôi sẽ phải làm những thủ tục như thế nào để gia hạn nợ?

Giám đốc Ban QLN&XLRR Nguyễn Thị Liễu: Thủ tục để gia hạn nợ rủi ro như sau:Khách hàng điền các thông tin cần thiết vào Đơn đề nghị xử lý nợ theo mẫu có sẵn của NHCSXH nêu rõ nguyên nhân thiệt hại, mức độ thiệt hại, khả năng trả nợ;Khách hàng cùng với NHCSXH, Chủ tịch UBND cấp xã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, đại diện cơ quan chuyên ngành liên quan (cơ quan thú y, phòng chống bão lụt…) lập Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản bị thiệt hại.

Bạn đọc Lan Anh (Quảng Bình): NHCSXH cho bà con biết rõ hơn thế nào là rủi ro do nguyên nhân khách quan?

Giám đốc Ban QLN&XLRR Nguyễn Thị Liễu: Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì rủi ro do nguyên nhân khách quan gồm: Thiên tai và các tác động do biến đổi khí hậu gây thiệt hại đến vốn, tài sản của khách hàng gồm: bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, sạt lở đất, rét đậm rét hại, cháy rừng, địch họa, hỏa hoạn; Các dịch bệnh liên quan đến gia súc, gia cầm, thủy hải sản, động vật nuôi khác và cây trồng.

Bạn đọc Nguyễn Thu Quỳnh (TP Hà Nội) hỏi: Thế nào là rủi ro xảy ra trên diện rộng và diện đơn lẻ, cục bộ?

Giám đốc Ban QLN&XLRR Nguyễn Thị Liễu: Rủi ro diện rộng là rủi ro xảy ra trên nhiều địa phương trên toàn quốc. Rủi ro diện đơn lẻ, cục bộ là rủi ro xảy ra trên một địa bàn nhỏ lẻ. Hiện nay NHCSXH không phân chia việc xử lý nợ bị rủi ro theo diện rộng hoặc diện đơn lẻ, cục bộ.

Một bạn đọc ở Hải Dương hỏi: Để được xử lý nợ bị rủi ro, người vay phải bảo đảm những điều kiện gì?

Giám đốc Ban QLN&XLRR Nguyễn Thị Liễu: Để được xử lý nợ bị rủi ro, khách hàng phải đảm bảo những điều kiện như sau: Khách hàng phải thuộc đối tượng được vay vốn của NHCSXH theo quy định, đã sử dụng vốn vay đúng mục đích ghi trong hợp đồng tín dụng;Khách hàng bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan làm mất một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản;Khách hàng gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa có khả năng trả được nợ hoặc không trả được nợ cho ngân hàng.

Bạn đọc Tuyết Trinh (Thanh Hóa) hỏi: Đợt mưa, lũ vừa qua tại các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ, Công đoàn NHCSXH đã có những chương trình hành động cụ thể, kịp thời như thế nào đối với bà con vùng lũ?

Phó Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông (HTQT&TT) Nguyễn Việt Hải: Chủ động tổ chức kênh cung cấp và xử lý thông tin về tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra; kịp thời tham mưu cho Đảng ủy NHCSXH Trung ương, Tổng Giám đốc, đề xuất các phương án cứu trợ cho các hộ gia đình bị thiệt hại tại các tỉnh. Khi tiếp nhận thông tin từ cơ sở gửi về, Công đoàn NHCSXH đã chỉ đạo Công đoàn cơ sở tại các tỉnh bị thiệt hại có biện pháp đảm bảo an toàn về con người, tài sản của NHCSXH và hỗ trợ giải quyết những khó khăn của cán bộ đoàn viên, người lao động tại đơn vị bị thiệt hại; Tổ chức kịp thời các đợt thăm hỏi, động viên tới những gia đình cán bộ đoàn viên công đoàn và người lao động trong vùng bị thiệt hại; Tham mưu cho Đảng ủy NHCSXH Trung ương và Tổng Giám đốc tổ chức các Đoàn công tác xuống tận cơ sở tại các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ngành động viên, thăm hỏi, chia sẻ cùng bà con. Tại các tỉnh bị ảnh hưởng, Công đoàn NHCSXH đã ủng hộ cho 3.300 hộ gia đình bị thiệt hại do mưa lũ gây ra (trong đó có 45 gia đình có người thân bị chết) với tổng số tiền là 1 tỷ 988 triệu đồng.

 

Phó Giám đốc Ban HTQT&TT Nguyễn Việt Hải trao đổi thông tin với bạn đọc

Phó Giám đốc Ban HTQT&TT Nguyễn Việt Hải trao đổi thông tin với bạn đọc

 

Bạn đọc Quốc Trung (Thanh Hóa) hỏi: Trường hợp nào thì người dân được xóa nợ? Cấp nào xóa và số tiền được xóa nợ?

Giám đốc Ban QLN&XLRR Nguyễn Thị Liễu cho biết:

- Khách hàng được xem xét xoá nợ trong các trường hợp sau:Khách hàng vay vốn bị rủi ro do các nguyên nhân khách quan theo quy định đã được khoanh nợ nhưng sau khi đã hết thời gian khoanh nợ (kể cả trường hợp được khoanh nợ bổ sung) mà vẫn không có khả năng trả nợ và NHCSXH đã áp dụng các biện pháp tận thu mọi nguồn có khả năng thanh toán; Khách hàng vay vốn bị rủi ro do các nguyên nhân: khách hàng vay vốn, học sinh, sinh viên hoặc người đi lao động tại nước ngoài vay vốn thông qua hộ gia đình: bị mất năng lực hành vi dân sự; người lao động bị tai nạn nghề nghiệp trong quá trình lao động ở nước ngoài; ốm đau thường xuyên, mắc bệnh tâm thần, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt không nơi nương tựa; chết; mất tích hoặc bị tuyên bố là chết, mất tích mà không còn tài sản để trả nợ, không có người thừa kế hoặc người thừa kế thực sự không có khả năng trả nợ thay cho khách hàng và NHCSXH đã áp dụng các biện pháp tận thu mọi nguồn có khả năng thanh toán.

- Số tiền xoá nợ (gốc, lãi) cho khách hàng bằng số tiền khách hàng còn phải trả cho ngân hàng sau khi ngân hàng đã áp dụng các biện pháp tận thu.

- Thẩm quyền và trách nhiệm xử lý nợ bị rủi ro:Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ (gốc, lãi) cho khách hàng đối với trường hợp quy mô của đợt xóa nợ vượt quá Quỹ dự phòng rủi ro tại NHCSXH trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính; Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH quyết định việc khoanh nợ, xóa nợ cho khách hàng (đối với trường hợp quy mô của đợt xóa nợ không vượt quá Quỹ dự phòng rủi ro tại NHCSXH); Tổng Giám đốc NHCSXH quyết định việc gia hạn nợ đối với khách hàng.

Bạn đọc Minh Thu hỏi: Khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, người vay cần phải làm thủ tục gì để được xem xét xử lý?

Giám đốc Ban QLN&XLRR Nguyễn Thị Liễu:Khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, người vay cần phải thực hiện: Điền các thông tin cần thiết vào Đơn đề nghị xử lý nợ theo mẫu có sẵn của NHCSXH nêu rõ nguyên nhân thiệt hại, mức độ thiệt hại, khả năng trả nợ. Cùng với NHCSXH, Chủ tịch UBND cấp xã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, đại diện cơ quan chuyên ngành liên quan (cơ quan thú y, phòng chống bão lụt…) lập Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản bị thiệt hại.

Bạn đọc Nguyễn Thanh hỏi: Tôi là chủ doanh nghiệp vật liệu xây dựng, đợt lũ vừa qua, Công ty tôi mất trắng hơn 4 triệu viên gạch. Toàn bộ máy móc nhà xưởng bị đình đốn, công nhân thiếu việc làm. Chúng tôi rất cần sự chia sẻ và hỗ trợ từ phía ngân hàng. Ngoài hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp thiệt hại do lũ có trong diện được ngân hàng hỗ trợ vốn để khôi phục SXKD hay không?

Phó Giám đốc Ban HTQT&TT Nguyễn Việt Hải: Theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, quy định: Về đối tượng vay vốn gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất kinh doanh); Về điều kiện vay vốn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh gồm: (i) Được thành lập và hoạt động hợp pháp; (ii) Có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định; (iii) Dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án; (iv) Có bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.

Do đó, Doanh nghiệp của bạn nếu thuộc các đối tượng và đáp được các điều kiện vay vốn theo quy định nêu trên, có th được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo Nghị định số 61 của Chính phủ.

Bạn đọc Thu Thủy (Nam Định) hỏi: Đề nghị NHCSXH cho biết kết quả cho vay vốn sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung đến thời điểm hiện tại.

Phó Giám đốc Ban Kế hoạch nguồn vốn (KHNV) Đinh Xuân Hùng: Tính đến hết tháng 10/2016, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH tại 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đạt 10.545 tỷ đồng, với 376.000 hộ còn dư nợ.

Gần 6 tháng hỗ trợ bà con sau sự cố môi trường biển, NHCSXH tại 4 tỉnh trên đã cho vay với doanh số đạt 2.328 tỷ đồng, giúp trên 120 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn vay vốn chuyển đổi ngành nghề, khôi phục SXKD để ổn định cuộc sống.

 

Phó Giám đốc Ban KHNV Đinh Xuân Hùng đang trả lời bạn đọc

Phó Giám đốc Ban KHNV Đinh Xuân Hùng đang trả lời bạn đọc

 

Bạn đọc Huy Hoàng (TP Hồ Chí Minh) hỏi: NHCSXH có đủ vốn để cho vay giúp bà con ổn định cuộc sống sau lũ?

Phó Giám đốc Ban KHNV Đinh Xuân Hùng: NHCSXH khẳng định đảm bảo đủ nguồn vốn để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các tỉnh bị mưa lũ vừa qua. Để giúp các hộ dân bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua nhanh chóng khôi phục SXKD, ổn định cuộc sống, NHCSXH đã kịp thời bổ sung nguồn vốn cho các tỉnh chịu ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt, đặc biệt là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế,…

Bạn đọc Trần Quỳnh (TP Hồ Chí Minh) hỏi: Hiện, NHCSXH có những quy định, hỗ trợ gì về vốn dành cho vùng bị ảnh hưởng thiên tai lũ lụt?

Phó Giám đốc Ban KHNV Đinh Xuân Hùng: NHCSXH thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hiện nay, NHCSXH đang thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48 ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo trong vùng thường xuyên bị thiên tai bão, lụt khu vực miền Trung xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt để có chỗ ở an toàn, ổn định; từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững. NHCSXH khẳng định đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định 48.

Ngoài ra, NHCSXH cũng luôn ưu tiên tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách cho các tỉnh bị ảnh hưởng của thiên tai, bão, lụt để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn khôi phục SXKD.

Bạn đọc Minh Châu hỏi: Em hiện là sinh viên đại học năm thứ 2. Nhà ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) không thuộc diện hộ nghèo, nhưng trong đợt lũ vừa qua nhà em lâm vào cảnh tay trắng. Em rất lo, không biết học kỳ tới sẽ phải xoay xở thế nào để có tiền đóng học phí. Em phải làm gì để có thể tiếp tục đi học?

Phó Giám đốc Ban HTQT&TT Nguyễn Việt Hải: Theo Điều 2 Quyết định số 157 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên thì đối tượng được vay vốn tín dụng đối với học sinh, sinh viên là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm:

1. Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.

2. Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật; Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật.

3. Học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Như vậy, nếu gia đình em có xác nhận của UBND cấp xã do gia đình gặp khó khăn về tài chính vì bị thiên tai thì em thuộc đối tượng được vay vốn. Em liên hệ với nhà trường để lấy giấy xác nhận sinh viên gửi về cho bố mẹ làm thủ tục vay vốn với NHCSXH nơi gia đình cư trú.

Xuân - Anh thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác