Tín dụng chính sách ở quê hương chị Sứ
Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) có nhiều thay đổi. Giao thông nông thôn được mở rộng, đời sống của người dân ngày được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm mạnh. Những thành công trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế của tỉnh, tạo công ăn việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội đã có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn vay ưu đãi mà những người làm tín dụng chính sách nơi đây đã chuyển tải đến đúng đối tượng, được người dân sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. NHCSXH huyện Hòn Đất hiện có tổng dư nợ đạt trên 240 tỷ đồng, đang cho 16 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay. Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp hàng chục nghìn hộ vươn lên thoát nghèo, hàng nghìn lao động có thêm việc làm, hàng trăm mô hình từ manh mún đã có điều kiện phát triển thành cơ sở sản xuất ra hàng hóa có giá trị…, góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Từ 10 triệu đồng vay hộ nghèo, gia đình chị Nguyễn Thị Lệ ở thị trấn Hòn Đất đã đầu tư mua nguyên liệu làm bếp đất nung truyền thống, vốn không nhiều nhưng đã thực sự là cú hích giúp chị vươn lên thoát nghèo. Chị cho biết: “Gia đình không có đất để canh tác, nhưng có nghề làm bếp đất nung từ lâu nhưng vì khó khăn, nguyên liệu phải đi mua nơi khác về, đầu ra cũng thất thường, gia đình lại không có vốn, được NHCSXH cho vay với lãi suất ưu đãi, thủ tục vay lại dễ dàng, tôi rất vui vì có thêm vốn làm ăn, lợi nhuận không cao nhưng gia đình có thêm thu nhập, có việc làm”.
Khác với gia đình chị Lệ thiếu vốn, không có đất, gia đình chị Dương Thị Hằng, anh Nguyễn Văn Đức ở ấp Hòn Me, xã Thổ Sơn, có đất nhưng ít vốn để mở rộng sản xuất, được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng từ chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, gia đình đầu tư cải tạo, mở rộng vườn trồng xoài cát Hòa Lộc, những cây xoài sai trĩu quả, cho thu hoạch quanh năm đã giúp họ trở nên khá giả. Anh Đức cho biết: “Được mùa xoài năm nay gia đình sẽ cải tạo thêm những vườn cây kém hiệu quả để trồng xoài với quy mô lớn hơn, anh còn cho biết gia đình anh giờ đã đủ vốn để sản xuất, anh sẽ trả nợ hết cho ngân hàng khi đến hạn, để cho hộ gia đình khác có nhu cầu vay”.
Hòn Đất, vùng đất nhiều tiềm năng với khí hậu ôn hòa, đất đai phì nhiêu, nhờ có các chính sách ưu đãi của Nhà nước và sự nỗ lực của người dân đã đưa tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đã giảm đáng kể. Tuy nhiên để hộ nghèo thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, nhiều hộ dân vẫn rất cần vốn vay ưu đãi, đây sẽ là đòn bẩy tạo nên động lực cho phát triển kinh tế, để rồi không những thoát nghèo mà còn tạo nguồn hàng hóa có giá trị cho xã hội. Trong thời gian tới, NHCSXH huyện Hòn Đất sẽ phối hợp với các cấp hội, đoàn thể nhận ủy thác rà soát các hộ cần vay, khuyến khích các hộ sử dụng tốt vốn vay, nhân rộng các mô hình hiệu quả, ưu tiên cho phát triển chăn nuôi, trồng cây đặc sản, góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi để ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, đó là tâm sự của Giám đốc NHCSXH huyện Hòn Đất, Nguyễn Thị Mỹ Nương.
Bài và ảnh Quốc Việt - Mạnh Dũng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng ưu đãi với chuyển đổi nghề sản xuất ở vùng biển Quảng Trị
- » Hiệu quả thiết thực từ việc hỗ trợ xây nhà tránh bão lũ cho người nghèo
- » Giảm nghèo bền vững tại Ninh Bình
- » Điểm tựa vững chắc của người nghèo ở Cao Bằng
- » Bạc Liêu trao “cần câu” cho hộ nghèo
- » Nâng cao hiệu quả nguồn vốn ưu đãi ở Hà Giang
- » Hiệu quả của kênh tín dụng “xanh”
- » Cầu nối các chương trình tín dụng đặc thù của Đà Nẵng
- » NHCSXH nhận giải thưởng CNTT và An ninh thông tin tiêu biểu Đông Nam Á lần thứ 12
- » Khi chủ trương của Đảng đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách