Giảm nghèo bền vững tại Ninh Bình

08/12/2016
(VBSP News) Với việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã có những đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Nông dân xã Kim Đông vay vốn chính sách mở rộng đầm nuôi tôm

Nông dân xã Kim Đông vay vốn chính sách mở rộng đầm nuôi tôm

Huy động mọi nguồn lực

Trong giai đoạn 2011-2015, Ninh Bình đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, dự án giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm, từ 9,85% năm 2011 xuống còn 2,91% năm 2015.

Theo UBND tỉnh, có được kết quả trên, 5 năm qua Ninh Bình đã huy động mọi nguồn lực, vốn đầu tư thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt trên 2.800 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn do Trung ương phân bổ chiếm 1,44%; vốn ngân sách tỉnh chiếm 2,1%; vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 75,4%; vốn huy động từ doanh nghiệp, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty chiếm 1,93%; vốn từ các chương trình dự án hỗ trợ giảm nghèo chung chiếm trên 18%. Bên cạnh việc cho vay vốn, mỗi năm các ngành chức năng còn tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho trên 10.000 hộ với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh, đào tạo nghề đã dạy nghề cho trên 3.000 lao động nghèo, với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Có vốn, có tay nghề, các hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện đầu tư, phát triển SXKD, tăng thêm thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cùng với những chính sách cụ thể, các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã vận động cán bộ, công nhân viên đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo” với số tiền trên 50 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở, chữa bệnh cho các hộ nghèo. Các hội, đoàn thể triển khai nhiều mô hình giúp hội viên vươn lên thoát nghèo, như Hội Phụ nữ tỉnh với phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”; Hội Nông dân với phong trào “Nông dân SXKD giỏi”; vận động xây dựng “Quỹ hỗ trợ nông dân” với hình thức hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật canh tác; Đoàn Thanh niên có phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp” đưa thanh niên tình nguyện về các xã, vùng khó khăn giúp địa phương phát triển sản xuất, giúp hộ thanh niên nghèo vươn lênthoát nghèo thông qua vốn vay, chuyển giao KHKT; Hội CCB với phong trào “Góp vốn giúp hội viên nghèo”…Cơ sở hạ tầng các vùng nghèo, xã nghèo được đầu tư, tăng cường, bộ mặt nông thôn khởi sắc. Mức sống dân cư được cải thiện rõ rệt. Cùng với đó, Ninh Bình đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục - đào tạo, trợ giúp pháp lý cho người nghèo.

NHCSXH cùng đồng hành

Qua thực tiễn hoạt động cho thấy, từ nhiều năm nay, nguồn vốn vay ưu đãi do NHCSXH thực hiện đã trở thành nguồn lực quan trọng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở khắp các địa phương trong tỉnh Ninh Bình. Để đồng vốn chính sách đến với các hộ nghèo, NHCSXH tỉnh đã kiên trì thực hiện việc đưa giao dịch về địa phương. “Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tín dụng, NHCSXH tỉnh chỉ đạo các đơn vị trong chi nhánh đã công khai đầy đủ các chính sách ưu đãi, tín dụng của Đảng và Nhà nước theo từng thời kỳ và đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi tại các Điểm giao dịch”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Bình, Lã Thị Hồng Yến nhấn mạnh.

Với mạng lưới giao dịch có mặt tại tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh, mỗi cán bộ tín dụng NHCSXH đã đến tận hộ gia đình, từng Tổ tiết kiệm và vay vốn để kiểm tra giám sát việc sử dụng đồng vốn. Đồng thời tư vấn, hỗ trợ hộ nghèo sử dụng vốn đúng mục đích có hiệu quả. Từ nguồn vốn vay ưu đãi phát triển SXKD, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại có hiệu quả. Đã có hàng nghìn hộ trên địa bàn tỉnh thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, góp phần phát triển kinh tế địa phương và xây dựng nông thôn mới.

Ông Phạm Văn Son - Chủ tịch UBND xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, cho biết: 5 năm qua nguồn vốn tín dụng chính sách luôn tăng trưởng. Hiện tổng dư nợ toàn xã đạt trên 15,7 tỷ đồng. “Không có nguồn vốn của NHCSXH đồng hành cùng người dân, thì năm 2015 Yên Lộc không thể đạt chuẩn xã nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí cũ) còn 2,9%”, ông Son khng định.

Với dân số gần 1 triệu người, có tới 80% cư trú trên địa bàn nông thôn, chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Theo Giám đốc Lã Thị Hồng Yến, hiện chi nhánh đang cho vay 10 chương trình. Tổng dư nợ ước đến hết năm 2016 là 1.919 tỷ đồng với trên 96.000 hộ còn dư nợ, tăng 123 tỷ đồng so với năm 2015. Tăng trưởng dư nợ tập trung vào chương trình cho vay hộ nghèo tăng 20 tỷ đồng; hộ cận nghèo tăng 71 tỷ đồng hộ mới thoát nghèo tăng 61 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn tới, ngày 24/10/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Ngh quyết số 04-NQ/TW về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, theo đó mỗi năm ngân sách các cấp trích bổ sung cho nguồn vốn vay tín dụng để phục vụ chương trình giảm nghèo với mức quy định cụ thể: Cấp tỉnh tối thiểu 5 tỷ đồng/năm, cấp huyện tối thiểu 500 triệu đồng/năm. Có thể nói đây là một định hướng lớn cho các cấp, các ngành nói chung và NHCSXH tỉnh Ninh Bình nói riêng trong công tác tham mưu, tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo của tỉnh trong những năm tới.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác