Hiệu quả tín dụng chính sách ở Mai Châu
Gia đình chị Hà Thị Xiêm ở xóm Nà Sò, xã Chiềng Châu là điển hình trong việc vay, sử dụng nguồn vốn ưu đãi hiệu quả. Gia đình chị Xiêm có 4 khẩu. Là hộ cận nghèo của xã, chồng bị ốm đau nên mình chị phải gánh vác việc gia đình. Trong lúc khó khăn, gia đình chị được vay vốn từ NHCSXH. Với 35 triệu đồng vay từ chương trình hộ cận nghèo, gia đình đã mua 2 con bò, đến nay đã phát triển lên 4 con. Ngoài ra, gia đình chị còn được vay 12 triệu đồng để xây dựng công trình cung cấp nước sạch và xây nhà vệ sinh.
Chị Hà Thị Nóp - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Nà Sò cho biết: Tổ có 33 thành viên. Thực hiện 5 chương trình tín dụng chính sách với dư nợ tại NHCSXH là 560 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ đầu tư phát triển kinh tế và có 95% hộ vay vốn làm công trình vệ sinh, bắc đường nước sạch về dùng.
Để người dân tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, NHCSXH huyện Mai Châu đã phối hợp chặt chẽ với hội, đoàn thể tổ chức tất cả các Điểm giao dịch tại xã, thị trấn nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho giải ngân, thu nợ, thu lãi. Cùng với đó phối hợp với các tổ chức hội kiểm tra, giám sát việc bình xét cho vay đảm bảo đúng chính sách, đối tượng và phát huy hiệu quả sử dụng vốn theo mục tiêu chương trình tín dụng đặt ra.
Giám đốc NHCSXH huyện Mai Châu, Bùi Văn Chương cho biết: Với 13 chương trình tín dụng ưu đãi đang được thực hiện trên địa bàn huyện Mai Châu hàng năm đã giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo bền vững, hàng trăm lao động được tạo việc làm, nhiều HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để đi học… Đến hết năm 2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Mai Châu ước đạt trên 212 tỷ đồng. Toàn huyện có 241 Tổ tiết kiệm và vay vốn, có 7.935 hộ còn dư nợ tương ứng với 10.974 món vay. Hiện nay, toàn huyện có 23 Điểm giao dịch phục vụ cho vay, thu nợ và giải quyết các nghiệp vụ khác của NHCSXH tại địa phương. Tại các Điểm giao dịch xã có đầy đủ biển hiệu quy định rõ ngày giao dịch, nội quy giao dịch, thông báo các chương trình cho vay, niêm yết danh sách số hộ còn dư nợ trong hạn, đến hạn, quá hạn… Tại các xã, hàng tháng, các Tổ giao dịch lưu động thực hiện nghiêm túc việc giao ban với Ban giảm nghèo, tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm đánh giá, trao đổi, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến những chính sách mới và đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện công việc trong tháng tiếp theo. Công tác họp giao ban được ghi chép sổ sách rõ ràng, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát.
Hàng năm, NHCSXH huyện còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương rà soát và thống kê chính xác, cụ thể số hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có nhu cầu vay vốn ưu đãi để có kế hoạch cho vay phát triển sản xuất kinh doanh. Qua kiểm tra đánh giá, hầu hết các hộ dân sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Bài và ảnh Đinh Thắng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » “Điểm tựa” vững chắc cho người nghèo khó
- » Có vốn mua bò, hết lo nghèo
- » Tín dụng chính sách ở quê hương chị Sứ
- » Tín dụng ưu đãi với chuyển đổi nghề sản xuất ở vùng biển Quảng Trị
- » Hiệu quả thiết thực từ việc hỗ trợ xây nhà tránh bão lũ cho người nghèo
- » Giảm nghèo bền vững tại Ninh Bình
- » Điểm tựa vững chắc của người nghèo ở Cao Bằng
- » Bạc Liêu trao “cần câu” cho hộ nghèo
- » Nâng cao hiệu quả nguồn vốn ưu đãi ở Hà Giang
- » Hiệu quả của kênh tín dụng “xanh”