Nhân rộng mô hình nhận tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã
Tại Điểm giao dịch xã Quỳnh Hoàng của huyện Quỳnh Phụ, cán bộ NHCSXH huyện không chỉ thực hiện nhiệm vụ thu gốc và lãi định kỳ mà còn thực hiện một dịch vụ ngân hàng mới đó là nhận tiền gửi tiết kiệm của nhân dân địa phương. Giám đốc NHCSXH huyện, Lê Hải Vũ cho biết: Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của TW, tỉnh, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh xã, huyện với tần suất 2 lần/ngày, đồng thời chủ động phổ biến chủ trương, cách thức và thời gian tham gia gửi tiết kiệm tại các phiên giao ban của NHCSXH tại các xã, thị trấn. Bên cạnh đó, đơn vị còn tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện chỉ đạo các xã, thị trấn lồng ghép tuyên truyền thông qua các Hội nghị để mọi người dân đều biết và thực hiện. Chính vì vậy, chỉ sau 01 tháng thực hiện, mô hình này đã được triển khai tới 16 xã trong toàn huyện và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân địa phương với tổng số dư tiền gửi tiết kiệm được 167 triệu đồng.
Chị Đoàn Thị Liễu ở thôn Đồng Trực, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ cho biết: “Do đặc thù công việc là buôn bán nên mặc dù có tiền để dành nhưng tôi không có thời gian lên huyện để gửi tiết kiệm được. Được biết, NHCSXH mới triển khai dịch vụ nhận tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã, tôi đến gửi 30 triệu đồng, kỳ hạn 1 năm với mức lãi suất 6,5%/năm. Tôi cũng như những người dân ở địa phương rất phấn khởi và hài lòng bởi dịch vụ này vì rất thuận tiện, vừa không mất nhiều thời gian lại tiết kiệm được chi phí đi lại, tôi có thể tranh thủ vào trụ sở UBND xã để gửi tiền tiết kiệm khi đến phiên giao dịch của NHCSXH mà không phải đi đâu xa. Qua đây tôi thấy việc triển khai mô hình gửi tiền tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã rất phù hợp, nhất là với những xã ở xa trung tâm, không có nhiều tổ chức tín dụng để lựa chọn”.
Thực tế những năm qua, công tác nhận tiền gửi tiết kiệm đã được NHCSXH tỉnh Thái Bình thực hiện bằng hoạt động nhận tiền gửi của hộ nghèo và các đối tượng chính sách thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn, qua đó giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội gửi tiền ngay tại nơi cư trú với những món tiền nhỏ để tích lũy, đảm bảo an toàn và để dành trả nợ. Đến hết tháng 11/2016, toàn tỉnh có 98.306 hộ vay vốn NHCSXH tham gia gửi tiền tiết kiệm tại 3.086 Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng số tiền tiết kiệm 60 tỷ đồng. Với tôn chỉ “khách hàng là trọng tâm”, mọi hoạt động của NHCSXH luôn hướng tới mục đích đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng thông qua việc không ngừng phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện đại, bắt đầu từ tháng 10/2016, NHCSXH tỉnh đã thực hiện thêm dịch vụ nhận tiền gửi tiết kiệm từ cá nhân và dân cư tại Điểm giao dịch xã theo lãi suất thị trường. Để việc huy động tiền gửi tiết kiệm đạt hiệu quả cao, chi nhánh tổ chức tập huấn tới 100% cán bộ; đề nghị Trung ương bổ sung Sổ tiết kiệm; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung nhận tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại Điểm giao dịch xã.
Đến hết tháng 11/2016, đã có 168 xã, thị trấn của 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có khách hàng cá nhân tham gia gửi tiền tiết kiệm vào NHCSXH với tổng số tiền 2,7 tỷ đồng. Các huyện có số tiền gửi tiết kiệm cao là Vũ Thư (741 triệu đồng tại 27/30 xã, thị trấn), Tiền Hải (569 triệu đồng tại 32/35 xã, thị trấn), Đông Hưng (512 triệu đồng tại 18/44 xã, thị trấn).
“Dịch vụ nhận tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã không chỉ bổ sung thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn mà còn huy động sự đóng góp của cộng đồng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của tỉnh. Do đó, thời gian tới, chi nhánh sẽ tăng cường tuyên truyền để mọi người dân cùng tích cực hưởng ứng với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2016 có 285/285 Điểm giao dịch tại xã, thị trấn phát sinh huy động tiết kiệm qua dân cư”, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Bình, Vũ Văn Thuân thông tin.
Minh Hương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Có vốn trồng rau bài bản, nhà nông đất Mũi thoát nghèo
- » Giúp người nghèo “góp gió thành bão”
- » Tập hợp phụ nữ qua các phong trào
- » Bắc Giang giảm nghèo bằng tín dụng ưu đãi
- » Chuyện “ba đúng” ở xã Yên Lộc
- » Hiệu quả tín dụng chính sách ở Mai Châu
- » “Điểm tựa” vững chắc cho người nghèo khó
- » Có vốn mua bò, hết lo nghèo
- » Tín dụng chính sách ở quê hương chị Sứ
- » Tín dụng ưu đãi với chuyển đổi nghề sản xuất ở vùng biển Quảng Trị