Tín dụng chính sách nơi địa đầu Tổ quốc

29/12/2016
(VBSP News) Thời gian qua, nhờ sự phối hợp chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo Tây Bắc, NHCSXH Việt Nam cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, NHCSXH tỉnh Hà Giang đã tích cực thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đồng thời triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tạo được bước chuyển biến mới về hoạt động.
Anh Giàng Mí Páo vay vốn nuôi bò, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng

Anh Giàng Mí Páo vay vốn nuôi bò, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng

Là tỉnh miền núi biên cương nơi địa đầu của Tổ quốc, có đến 6/64 huyện nghèo nhất nước nằm trong Nghị quyết 30a của Chính phủ, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Hà Giang đến nay đạt trên 2.190 tỷ đồng, tăng 239 tỷ đồng so với đầu năm, đạt tỷ lệ tăng trưởng 12%. Nợ quá hạn 6,4 tỷ đồng, giảm 2,1 tỷ đồng so với đầu năm.

Nguồn vốn chính sách trong thời gian qua đã giúp hàng chục nghìn hộ thoát nghèo, trên 10.000 lao động có việc làm, nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn học tập, sửa chữa và xây dựng mới được trên 21.000 công trình cung cấp nước sách và vệ sinh môi trường nông thôn… góp phần đáng kể thay đổi ý thức có vay, có trả, không còn trông chờ ỷ lại vào sự cho không của Nhà nước.

Kết quả đạt được đã phản ánh bước chuyển biến mới về hoạt động của NHCSXH tỉnh Hà Giang trong những năm gần đây. Thông qua sự phối hợp của các hội, đoàn thể, thực hiện ủy thác, sắp xếp toàn bộ mạng lưới trên 3.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng liền canh, liền cư, đảm bảo các tổ có đủ thành viên và Tổ trưởng đủ năng lực quản lý, đồng thời xây dựng hệ thống Điểm giao dịch trải rộng khắp toàn tỉnh xuống tận xã, phường… Những phương pháp này không chỉ nêu cao tính chủ động trong các khâu bình xét vay vốn được đảm bảo công bằng, dân chủ, tạo điều kiện cho người nghèo, đồng bào dân tộc tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước mà còn tăng cường được trách nhiệm quản lý, giám sát sử dụng vốn vay, tạo sự chuyển biến về ý thức chấp hành trả nợ, lãi của người vay đối với ngân hàng.

Đơn cử có đến 99,6% trong tổng dư nợ của NHCSXH ở Hà Giang đã được các hội, đoàn thể nhận uỷ thác và được ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn và các chương trình kinh tế trọng tâm, trọng điểm về xây dựng nông thôn mới, bảo vệ biên giới, định canh, định cư…

Đáng kể đến là Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã nhận uỷ thác nguồn vốn vay chính sách hơn 600 tỷ đồng. Hầu hết, hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả trong SXKD và thực hiện việc hoàn trả vốn, nộp lãi cũng đúng kỳ hạn, đầy đủ, đạt tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 1,57% năm 2012 xuống còn 0,5% vào cuối năm 2015.

Cùng với đó, Đoàn Thanh niên huyện Quản Bạ đã vận động đoàn viên thanh niên mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển các mô hình, dự án sản xuất tiểu vùng. Đến nay, nhờ 38 tỷ đồng uỷ thác với NHCSXH, Đoàn Thanh niên 13 xã nơi “cổng trời” trên cao nguyên đá Hà Giang này đã xây dựng được nhiều dự án trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, cụ thể như dự án chăn nuôi bò nhốt chuồng 200 con của đoàn viên thanh niên xã Thái An, phát triển mô hình SXKD tổng hợp của chi đoàn thôn Xín Suối Hồ, xã Cán Tỷ. Đoàn viên thanh niên Giàng Mí Páo, người dân tộc Mông là một ví dụ điển hình. Được tư vấn, hỗ trợ, Giàng Mí Páo đã vay được vốn từ chương trình tín dụng hộ nghèo của NHCSXH ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bò, lợn nuôi béo khỏe, đẻ nhanh, bán ra thị trường được giá, doanh thu mỗi năm cả trăm triệu đồng. Không chỉ chăn nuôi giỏi, anh Páo còn tích cực chuyển đổi toàn bộ giống lúa cũ sang trồng giống lúa mới cho năng suất chất lượng cao, đồng thời mạnh dạn vay tiếp vốn chính sách để thâm canh trồng trọt, chăn nuôi, mở dịch vụ kinh doanh đồ điện dân dụng, ô tô chở vật tư, vật liệu phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, làm nhà ở tại địa phương. Nhờ đồng vốn ưu đãi tiếp sức, Giàng Mi Páo trở thành điển hình thanh niên lập nghiệp, lập thân, sản xuất giỏi, được biểu dương tại Hội nghị tổng kết 5 năm tín dụng chính sách vùng Tây Bắc giai đoạn 2011 - 2015.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã bám sát Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư TW Đảng và đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, nâng cao trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội; tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH”.

Chuyển biến tích cực rõ nét nhất sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 40 ở Hà Giang là cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cấp huyện, xã đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trước kia, Trưởng Ban đại diện NHCSXH các cấp do Phó Chủ tịch UBND đảm nhiệm, nhưng hiện nay vị trí đó do Chủ tịch UBND đảm nhiệm. Sự thay đổi này giúp công tác chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách xã hội tập trung, quyết liệt hơn. Chủ tịch UBND, Trưởng Ban đại diện NHCSXH huyện Quang Bình, Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: “Người đứng đầu chính quyền đảm nhiệm chắc chắn giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo sẽ quyết liệt hơn. Trong các cuộc họp giao ban, khi cơ sở báo cáo phát sinh những vấn đề hạn chế, vướng mắc thì Chủ tịch có thể giải quyết được luôn chứ không cần xin ý kiến như khi cấp phó đảm nhiệm chức vụ này. Việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền còn giúp đồng vốn cho người nghèo gắn với các chương trình, chính sách phát triển kinh tế trọng tâm ở từng địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Nguyễn Văn Sơn khẳng định: “Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 40, việc triển khai tín dụng chính sách xã hội có sự đột phá tích cực. Chất lượng tín dụng nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn, lãi tồn đọng giảm xuống, chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm vay vốn tăng lên. Nợ quá hạn giảm 2,1 tỷ đồng so với đầu năm. Ý thức tiết kiệm của người nghèo được cải thiện rõ rệt, thể hiện ở số thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm tăng từ 36% năm 2014 lên 83% năm 2016. Qua đó giúp tỉnh thực hiện thắng lợi công cuộc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững…”.

NHCSXH tỉnh Hà Giang cũng đang tiếp tục tạo bước chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở nơi địa đầu của Tổ quốc. Phát huy thành tích đạt được, năm 2017 NHCSXH tỉnh Hà Giang tập trung tăng trưởng nguồn vốn, duy trì nâng cao chất lượng hoạt động các Điểm giao dịch, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, bám sát sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Tây Bắc, NHCSXH Việt Nam cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, phấn đấu làm tròn vai trò là công cụ đắc lực trong giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Bài và ảnh Thanh An

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác