Tín dụng chính sách ở Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực

26/11/2015
(VBSP News) Được biết đến là mảnh đất đầy nắng và gió với những vườn cao su, cà phê, hồ tiêu, điều xanh mướt. Bên cạnh sự nỗ lực, cần cù chịu khó của đồng bào dân tộc Êđê, Xuđăng, Bana... thì nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tiếp sức cho những mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Đặc biệt, sau 03 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên, hoạt động tín dụng chính sách đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thực tiễn cũng như nhận thức.
Tín dụng chính sách đã và đang góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại các tỉnh trong vùng Tây Nguyên; đồng thời phát huy được sức mạnh của các tổ chức hội, đoàn thể, củng cố hơn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước

Tín dụng chính sách đã và đang góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại các tỉnh trong vùng Tây Nguyên; đồng thời phát huy được sức mạnh của các tổ chức hội, đoàn thể, củng cố hơn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước

Giảm nợ quá hạn

Điểm nhấn trong thành công của Đề án là tỷ lệ nợ quá hạn giảm mạnh. Bởi trước khi thực hiện Đề án các chương trình tín dụng ưu đãi, hoạt động tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên vẫn còn những tồn tại, hạn chế; đặc biệt là nợ quá hạn cao hơn bình quân chung toàn quốc và tiềm ẩn nợ quá hạn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt vào thời điểm cuối năm 2011, tổng dư nợ cho vay toàn vùng Tây Nguyên chiếm tỷ trọng 11% dư nợ toàn quốc của NHCSXH, trong khi đó nợ quá hạn chiếm tỷ trọng tới 13,2% nợ quá hạn của toàn quốc. Hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn yếu kém, không hiệu quả…

Trong bối cảnh đó, Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách vùng Tây Nguyên ra đời mang đến những giải pháp đồng bộ, nhằm tạo nên “cú hích” giúp cho chất lượng tín dụng của vùng có chuyển biến rõ rệt.

Đến 31/10/2015, tổng dư nợ toàn vùng Tây Nguyên đạt hơn 16.000 tỷ đồng, chiếm 11,68% tổng dư nợ toàn quốc, với trên 700.000 hộ vay, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 8,96% (cả nước 7,76%).

Tỷ lệ nợ quá hạn của toàn vùng hiện chỉ chiếm 0,40%/tổng dư nợ, thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn toàn hệ thống. Tất cả các chi nhánh trong vùng có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%.

Chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn đã đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả. Số tổ được xếp loại tốt và khá đã tăng từ 14.933 tổ (tương đương 77,7%) lên 17.444 tổ (tương đương 89,7%). Công tác phối hợp giữa các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn, Trưởng buôn, làng trong việc bình xét cho vay được thực hiện công khai và chất lượng, qua đó nâng cao được trách nhiệm quản lý, giám sát sử dụng vốn vay.

Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Tây Nguyên với NHCSXH, chính quyền các tỉnh trong vùng, NHCSXH đã được quan tâm, hỗ trợ bổ sung nguồn vốn ủy thác để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Tính đến hết tháng 10/2015, ngân sách địa phương đã chuyển 774 tỷ đồng sang NHCSXH để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay. Đây là việc làm hết sức thiết thực để tăng sức mạnh của tín dụng chính sách trong toàn vùng.

Tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển bền vững

Đạt được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên,của Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT, Ban điều hành NHCSXH TW, cùng sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự quyết tâm của NHCSXH các tỉnh vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, phải kể đến vai trò tích cực, trách nhiệm, kiên quyết của các hội, đoàn thể nhận uỷ thác và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc bám sát cơ sở, đôn đốc người vay chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ, trả lãi và thường xuyên giúp đỡ hộ vay trong việc sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Để hoạt động tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Nguyên phát triển theo hướng ổn định, bền vững, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững, NHCSXH đã đặt ra một số mục tiêu trong năm 2016 và các năm tiếp theo tại vùng Tây Nguyên.

Đó là 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện. Phấn đấu tăng trưởng dư nợ hàng năm trong vùng khoảng 10% - 12%. Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương tăng tối thiểu 10%/năm; phấn đấu đến năm 2020, toàn vùng có số dư nguồn vốn địa phương bằng hoặc cao hơn bình quân chung của các chi nhánh trên toàn quốc.Đi đôi với tăng trưởng tín dụng là tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn của toàn vùng ổn định, giảm lãi tồn đọng, và tiếp tục thực hiện việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn; đồng thời tăng số dư tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Để đạt được những mục tiêu này, NHCSXH tiếp tục bám sát các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, các Bộ, ngành TW, phối hợp cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương trong mọi mặt hoạt động; chủ động tham mưu cho các cấp, các ngành thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục ưu tiên dành nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách tại vùng Tây Nguyên; phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh hơn nữa để triển khai tốt các chương trình tín dụng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất, tạo việc việc làm nâng cao điều kiện sống, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân biết và tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng vốn vay, trách nhiệm trả nợ tiền vay khi đến hạn.

 Trong 3 năm thực hiện Đề án, đã có 1.185.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi.Vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 121.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm mới cho trên 34.000 lao động, giúp gần 55.000 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, xây dựng gần 312.000 công trình NS&VSMTNT và hơn 6.000 căn nhà ở cho hộ nghèo… đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 từ 18,92% năm 2011 giảm còn 11,22% vào cuối năm 2014.

Phương Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác