“Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, hiệu quả”

16/11/2015
(VBSP News) Chính phủ đã đánh giá như vậy tại Báo cáo tóm tắt việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày sáng nay (16/11/2015).
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc Ảnh: VTV

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Trong nội dung trình bày đối với lĩnh vực ngân hàng, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa. Mặt bằng lãi suất được điều chỉnh giảm phù hợp với diễn biến vĩ mô và lạm phát; mặt bằng lãi suất hiện nay bằng khoảng 40% so với năm 2011.

Nhờ đó, thị trường tiền tệ dần ổn định, thanh khoản của nền kinh tế và toàn hệ thống được cải thiện. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2014 tăng 12,6%/năm; dự kiến năm 2015 tăng khoảng 17%; cơ cấu chuyển dịch tập trung hơn cho các lĩnh vực ưu tiên.

Chính sách tỷ giá cũng được điều hành linh hoạt, ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đã tích cực tháo gỡ khó khăn, đổi mới quy trình, thủ tục cho vay vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù như mô hình cho vay liên kết, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, chính sách cho vay đối với chăn nuôi, thủy sản, cà phê…

Ban hành các chính sách mới về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Triển khai 20 chương trình tín dụng của NHCSXH cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, HSSV, hộ gia đình sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn… và một số các chương trình, dự án do các tổ chức nước ngoài, địa phương ủy thác. Từ năm 2011 đến tháng 9/2015, tổng doanh số cho vay đạt trên 171 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay trên 137 nghìn tỷ đồng với hơn 8 triệu hộ vay còn dư nợ.

Đến hết tháng 9/2015, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt trên 137 nghìn tỷ đồng với hơn 8 triệu hộ vay còn dư nợ

Đến hết tháng 9/2015, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt trên 137 nghìn tỷ đồng với hơn 8 triệu hộ vay còn dư nợ

Về quản lý thị trường vàng, đã hoàn thiện pháp luật về kinh doanh vàng; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm. Nhờ đó, “tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn; biến động của giá vàng không ảnh hưởng nhiều đến ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô. Quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã cơ bản chuyển sang quan hệ mua, bán”, Báo cáo của Chính phủ cho biết.

PV lược ghi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác